Các bác sĩ cảnh báo việc người dân tự ý mua thuốc và sử dụng tại nhà có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Thời gian gần đây, Hà Nội luôn ghi nhận số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 2500 ca/ngày, liên tiếp dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm mới được phát hiện. Các chuyên gia đánh giá số F0 ở Hà Nội sẽ tiếp tục tăng.
Hiện tổng số F0 trong đợt dịch thứ 4 ở Hà Nội đã là hơn 73.000 trường hợp. Tính đến ngày 10/1, Hà Nội có hơn 36.000 F0 được theo dõi cách ly tại nhà.
Có một thực trạng đáng lo ngại, là nhiều người dân tự ý mua thuốc và bổ sung các loai thuốc, thực phẩm chức năng dù không có chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, còn có tình trạng F0 tìm cách “săn” các đơn thuốc được chia sẻ trên mạng để sử dụng.
Nói về vấn đề này, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn, Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân y chia sẻ trên VietNamNet, việc người dân tự ý mua thuốc không theo khuyến cáo của bác sĩ có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Theo bác sĩ Tuấn, khi trở thành F1 hoặc F0, người dân có thể tự chuẩn bị một số thuốc và vật tư để đảm bảo quá trình cách ly, tự điều trị tại nhà. Những thứ cần có bao gồm:
1. Các thuốc hạ sốt: Efferalgan, Panadol…
2. Nhóm các thuốc chữa ho
3. Nhóm các thuốc tiêu chảy
4. Nước súc miệng
5. Cồn sát trùng
6. Các thuốc bệnh nền nếu F0 có bệnh nền (nên chuẩn bị đủ cho 4 tuần)
7. Các loại thuốc xịt mũi
8. Vitamin C, kẽm, các loại thảo dược trị cảm, trị ho
9. Nước uống thông thường, nước bù điện giải. Đây là thứ vô cùng quan trọng, cần thiết trong trường hợp gia đình có người bị sốt và đặc biệt là khi có F0. Uống đủ nước giúp duy trì sự ổn định của niêm mạc, giảm kích ứng, khó chịu khi ho, hắt hơi và khi thở. Cung cấp đủ nước cho cơ thể giúp duy trì độ ẩm, làm niêm mạch nhanh lành hơn và giúp chống lại sự xâm nhập thêm của vi khuẩn từ bên ngoài.
Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh: “Đây là các thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình, đặc biệt trong mùa dịch vì triệu chứng có thể xuất hiện bất kể lúc nào. Đặc biệt các triệu chứng của Covid lại thường xuất hiện vào ban đêm nên những thuốc này cần có để chúng ta có thể dùng ngay”.
Ngoài ra, bác sĩ cho biết, các gia đình cần dự phòng thêm một số thiết bị như nhiệt kế, máy đo SpO2, que test nhanh, khẩu trang, găng tay y tế và các máy theo dõi bệnh nền. Đây là những thứ cần thiết cho quá trình tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.
Đặc biệt, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn đưa ra lưu ý 3 nhóm thuốc mà các gia đình không nên dự phòng, không tự dùng để điều trị bệnh là thuốc kháng sinh, kháng viêm và các virus.
Theo bác sĩ, việc điều trị, chỉ định cần được cá thế hóa, phù hợp với từng bệnh nhân. Do đó, mọi người không tự tiện mua và sử dụng những loại thuốc này để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Một điều cần lưu ý nữa dành cho F1, F1 cách ly tại nhà là cần chuẩn bị lương thực đủ cho thời gian cách ly (nếu ở một mình); dung dịch vệ sinh nhà cửa và dung dịch khử khuẩn; giấy vệ sinh, khăn giấy; quần áo thoải mái; chỗ ở cách ly đảm bảo quy định.
F1, F0 cần phải lưu lại số điện thoại của các cơ quan y tế trong khu vực, số điện thoại phòng cấp cứu và các tài liệu, hướng dẫn cập nhật mới nhất để phòng chống dịch.
Khi cách ly, điều trị tại nhà, bạn cũng có thể chuẩn bị thêm các phương tiện giải trí như sách báo, phim ảnh, nhạc… để đầu óc thư giãn, giúp tinh thần thoải mái.