Nếu muốn vay ngân hàng, cá nhân có thể dùng chính tài sản của mình hoặc dùng tài sản của người khác để thế chấp. Tuy nhiên, nếu người đứng tên Sổ đỏ đã qua đời thì có vay được nữa không?

Có được vay ngân hàng khi Sổ đỏ đứng tên người đã mất?

Để thế chấp quyền sử dụng đất vay vốn ngân hàng, người sử dụng đất phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) hoặc người thừa kế phải đủ điều kiện được cấp Sổ đỏ (theo khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai năm 2013).

Đồng thời, khi một người đã mất mà chưa chia thừa kế thì Sổ đỏ đó vẫn thuộc về người đã mất đó. Mà khi đã mất, người đó không còn không năng lực hành vi dân sự, không thể thực hiện các giao dịch, quyền, nghĩa vụ dân sự, không thể tự mình ký tên vào hợp đồng thế chấp, phiếu đăng ký thế chấp…

Do đó, có thể thấy, mặc dù có thể sử dụng Sổ đỏ của người khác để thực hiện thế chấp cho người thứ ba vay vốn nhưng không có ngân hàng nào đồng ý lấy tài sản của người chết đi thế chấp vay vốn tại ngân hàng mà chưa chia thừa kế.

Và cũng không có tổ chức hành nghề công chứng nào công chứng hợp đồng thế chấp khi bên thế chấp là người đã mất.

Do đó, khi Sổ đỏ đứng tên người đã mất mà chưa chia thừa kế hoặc chưa đủ điều kiện được cấp Sổ đỏ mang tên người sống (có thể là người thừa kế hoặc người khác thông qua giao dịch mua bán, tặng cho… với người thừa kế sau khi đã chia di sản là quyền sử dụng đất) sẽ không thể vay vốn tại ngân hàng.

vay-von-ngan-hang-khong-the-chap-thumb

Làm sao để vay ngân hàng khi Sổ đỏ đứng tên người mất?

Như phân tích ở trên, nếu Sổ đỏ vẫn đứng tên người mất và các đồng thừa kế chưa thực hiện phân chia di sản thừa kế để sang tên cho người thừa kế hoặc sau đó bán, tặng cho… người khác thì không thể vay vốn ngân hàng.

Đồng nghĩa, dù Sổ đỏ đứng tên người đã mất nhưng đã có đủ điều kiện để sang tên cho người sống thì ngân hàng chắc chắn sẽ xem xét duyệt khoản vay cho người có yêu cầu. Để thực hiện được điều đó, người có nhu cầu phải thực hiện 02 thủ tục:

– Phân chia di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật và sang tên Sổ đỏ cho người còn sống.

– Thế chấp Sổ đỏ đã mang tên người sống tại tổ chức tín dụng có nhu cầu.

Dưới đây là chi tiết thủ tục vay ngân hàng khi Sổ đỏ đứng tên người mất :

1- Phân chia di sản thừa kế

Có hai hình thức phân chia di sản thừa kế là theo di chúc (nếu người mất có để lại di chúc) và theo pháp luật (nếu không có di chúc, có nhưng di chúc không có hiệu lực…) cụ thể: Thủ tục phân chia di sản thừa kế theo di chúc và thủ tục phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.

2- Thế chấp tại ngân hàng

Sau khi thực hiện phân chia di sản thừa kế, người thừa kế phải thực hiện thủ tục sang tên Sổ đỏ. Khi đã có Sổ đỏ mang tên mình, người này có thể thực hiện thủ tục thế chấp tại ngân hàng theo thủ tục nêu tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN với các hồ sơ sau đây:

– Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn; sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc giấy xác nhận hộ khẩu…

– Giấy tờ về tài sản: Sổ đỏ hoặc sổ hồng.

– Phương án sử dụng vốn.

– Giấy tờ chứng minh khả năng trả nợ và mục đích sử dụng vốn vay: Đăng ký kinh doanh, giấy mua hàng, hợp đồng mua chung cư, mua đất, mua xe ô tô…

– Các loại giấy tờ khác theo yêu cầu của tổ chức tín dụng.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, ngân hàng sẽ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và phê duyệt các khoản vay. Việc phê duyệt các khoản vay sẽ phụ thuộc vào chính sách riêng của từng ngân hàng cũng như thoả thuận với người vay.

Sau khi khoản vay được phê duyệt, khách hàng sẽ được yêu cầu ký hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ, biên bản giao nhận tài sản…

Và trước khi ngân hàng giải ngân khoản vay cho khách hàng, khi thế chấp Sổ đỏ, người vay phải làm thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Phòng Một Cửa của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Người vay bắt buộc phải chứng minh thu nhập?

Theo Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, các ngân hàng sẽ xem xét và quyết định cho khách hàng được vay vốn nếu có đủ các điều kiện:

– Độ tuổi: Cá nhân từ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nếu từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi thì phải không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

– Mục đích vay vốn phải hợp pháp: Mua nhà, mua xe, kinh doanh, tiêu dùng…

– Có phương án sử dụng vốn khả thi.

– Tài chính phải đảm bảo đủ để trả nợ.

Ngoài ra, từng ngân hàng khác nhau còn có thể yêu cầu các điều kiện vay vốn khác nếu thoả thuận được với người vay căn cứ vào nhu cầu, các gói hỗ trợ vay vốn khác nhau.

Do đó, có thể thấy, có khả năng tài chính hay chính là yếu tố thu nhập ổn định là một trong những yêu cầu cần và đủ để khách hàng có thể được xem xét cho vay vốn.

Như vậy, mặc dù mỗi ngân hàng sẽ có thể có thêm các điều kiện khác nhưng thu nhập đảm bảo cho khả năng trả nợ được xem là một trong những yêu cầu bắt buộc.

Cách chứng minh thu nhập vay ngân hàng mua nhà

Thông thường, hiện nay, khi vay ngân hàng mua nhà, hai trong các yếu tố về tài chính mà các ngân hàng yêu cầu khách hàng vay vốn cần phải đảm bảo là có tài sản thế chấp và có thu nhập ổn định, đủ khả năng để trả nợ. Trong đó:

– Tài sản thế chấp là một trong những biện pháp bảo đảm “cuối cùng” khi người vay không có khả năng trả nợ. Khi đó, ngân hàng có thể thoả thuận với người vay bán tài sản thế chấp để trả nợ và các chi phí liên quan.

– Khả năng tài chính: Đây có thể xem là điều kiện “đầu tiên” để ngân hàng xem xét có cho vay không. Bởi trong thời hạn vay, nếu người vay có khả năng tài chính, thu nhập ổn định để trả nợ thì ngân hàng mới ưu tiên cho người này vay vốn.

Do đó, một trong những yêu cầu của ngân hàng với người vay trước khi xem xét quyết định cho vay là người vay phải chứng minh được thu nhập ổn định. Cụ thể, một số cách chứng minh thu nhập vay ngân hàng mua nhà như sau:

– Thu nhập từ lương: Hợp đồng lao động, giấy xác nhận lương, sao kê tài khoản ngân hàng (nếu công ty trả lương qua tài khoản)…

– Thu nhập từ tài sản có giá trị: Sổ tiết kiệm, nhà ở, đất ở, xe ô tô…

– Thu nhập từ tài sản cho thuê: Người vay cần phải có các giấy tờ như hợp đồng cho thuê, giấy tờ về tài sản thuê, biên nhận tiền cho thuê…

– Thu nhập từ hoạt động kinh doanh: Người vay có thể cung cấp các giấy tờ như giấy phép kinh doanh hộ cá thể, thuế môn bài, hoá đơn tiền điện, hoá đơn mua bán hàng hoá…

Có thể thấy, nếu có bất kỳ giấy tờ nào có thể chứng minh thu nhập ổn định, đủ điều kiện trả nợ, người vay cũng có thể cung cấp để tăng tỷ lệ ngân hàng xem xét cho vay.

Lưu ý: Vay mua nhà thường số tiền vay sẽ lớn, kéo theo đó, ngân hàng cũng sẽ yêu cầu tài sản và thu nhập mà khách hàng cần phải chứng minh cũng tương đương hoặc thậm chí gấp hai lần giá trị số tiền cho vay.

Do đó, ngoài việc áp dụng các cách nêu trên một cách riêng lẻ, người vay có thể sử dụng kết hợp các cách trên.