Khi test nhanh lên “2 vạch”, nhiều người cho rằng có một vạch mờ nghĩa là tải lượng virus thấp, bệnh nhẹ. Tuy nhiên, các chuyên gia không đồng tình với quan điểm này.

Test nhanh Covid-19 được đưa vào sử dụng rộng rãi trong thời gian gần đây giúp việc xác định người nhiễm SARS-CoV-2 thuận tiện hơn. Hiện nay, những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh hoặc F0 điều trị tại nhà có thể tự mua và thực hiện việc test nhanh.

Trường hợp test nhanh hiển thị 2 vạch đậm, người bệnh được xác định đã nhiễm Covid-19 và sẽ phải cách ly, không đi làm, không đi ra ngoài…

Tuy nhiên, trường hợp test nhanh hiện một vạch đậm, một vạch mờ, thậm chí rất mờ khiến nhiều người băn khoăn.

Không ít người hy vọng đây là tín hiệu chứng tỏ tải lượng virus trong cơ thể thấp, bản thân sẽ nhanh chóng khỏi bệnh hoặc lượng virus thấp nên không đủ khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh.

test-nhanh-vach-dam-vach-mo-01

Nói về vấn đề này, BS Lê Tiến Huy (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Y dược) cho biết rất nhiều người thấy vạch chữa T trên test nhanh mờ lại tưởng mình chỉ bị Covid-19 nhẹ. Tuy nhiên, test nhanh chỉ là xét nghiệm định tính chứ không phải định lượng. Tức là nó cho bạn biết trong cơ thể có virus nhưng không thể biết được tải lượng virus nhiều hay ít và cũng không thể phản ánh mức độ bệnh nặng hay nhẹ.

Khi test nhanh, chúng ta chỉ quan tâm đến việc 1 vạch hay 2 vạch. Đã 2 vạch tức là dương tính, còn vạch đậm hay nhạt không quan trọng.

Tiến sĩ – bác sĩ Phạm Lê Duy, Phòng khám dị ứng – Miễn dịch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cũng có quan điểm tương tự. Khi test nhanh cho một vạch ở chữ C là âm tính. Nếu hiện hai vạch ở cả chữ C và T chứng tỏ mẫu dương tính. Trường hợp không hiện vạch nào hoặc chỉ có một vạch ở chữ T nghĩa là kit test có vấn đề. Khi đó, bạn cần làm xét nghiệm lại.

Theo bác sĩ Duy, test nhanh dương tính có thể cho thấy bạn nhiễm SARS-CoV-2 nhưng nếu chưa có triệu chứng thì cần phải bình tĩnh. Nên báo cho y tế địa phương. Nhiều ca nhiễm Covid-19 chỉ bị bệnh nhẹ, không cần nhập viện và hoàn toàn có thể điều trị tại nhà.

Bên cạnh đó, bác sĩ Tiến cho biết thêm, nếu người bệnh cảm thấy không yên tâm với kết quả test trước đó, có thể đổi sang loại kit test của hãng khác để kiểm tra lại hoặc thực hiện xét nghiệm PCR để có kết quả rõ ràng nhất.