Dưới đây là một số trường hợp cần hạn chế hoặc tuyệt đối không nên ăn bánh chưng trong ngày Tết.

Một số trường hợp cần hạn chế hoặc tuyệt đối không nên ăn bánh chưng trong ngày Tết

Người cao huyết áp

Trong mỗi chiếc bánh chưng truyền thống đều phải đảm bảo đủ vỏ và nhân, vỏ bằng gạo nếp, nhân làm bằng đỗ và thịt lợn mỡ. Do vậy, những người cao huyết áp khi ăn loại bánh có nhiều mỡ này sẽ làm tăng tiết axit dịch vị, ảnh hưởng sức khỏe.

Người đau dạ dày

Bánh chưng có gạo nếp và đỗ xanh, ăn nhiều có thể gây ra những cơn đầy bụng, ợ chua, khó tiêu. Chính vì vậy, những người có tiền sử đau dạ dày không nên ăn loại bánh này nếu không muốn tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

banhchung

Người béo phì

Với đặc thù là loại bánh được làm từ các nguyên liệu giàu chất béo và dinh dưỡng, nên không phải ai cũng có thể thưởng thức món bánh tuyệt ngon này, trong đó có những người tiền sử béo phì.

Theo các chuyên gia, những ai đang trong tình trạng thừa cân, béo phì nên hạn chế ăn bánh chưng để đảm bảo sức khỏe, tránh để tích lũy thêm mỡ thừa.

Người bị bệnh tim mạch

Bánh chưng rất giàu dinh dưỡng và là nguồn năng lượng dồi dào, trên 200kcal/100g, loại bánh này cũng cung cấp cả thực vật, động vật và chất béo.

Do đó, những người có tiền sử bệnh tim mạch không nên ăn bánh chưng, vì sẽ khiến cơ thể tích lũy nhiều chất béo, ảnh hưởng xấu tới tim mạch.

Bệnh nhân mắc tiểu đường

Bánh chưng vốn là món ăn giàu năng lượng, có đầy đủ đường, đạm, béo, vitamin, chất khoáng. Do đó, người mắc bệnh tiểu đường không nên ăn nhiều bánh chưng vì sẽ gây tăng đường huyết, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Người hay bị mụn nhọt

Những người bị mụn nhọt nên ăn ít bánh chưng vì loại bánh này là đồ nếp gây nóng trong, làm nặng hơn tình trạng mụn nhọt.

Theo các chuyên gia, khi ăn bánh chưng người dân nên ăn kèm với rau xanh, củ quả để tránh bị nóng và khó tiêu.

Ngoài ra, những người bị bệnh mãn tính cũng tuyệt đối không nên ăn bánh chưng, như: Người bị mỡ máu không nên ăn bánh chưng mặn, người bị tiểu đường không ăn bánh chưng ngọt và không nên ăn bánh chưng nguội đối với những người có chức năng tỳ vị không tốt.

Để khắc phụ những hạn chế của món bánh chưng, bạn cần lưu ý:

– Chỉ nên ăn một lát bánh chưng thật mỏng và không dùng thêm tinh bột khác như cơm, xôi, bánh mì.

– Ăn cùng chất xơ như dưa món, dưa hành, trái cây và rau xanh để chuyển hóa chất bột đường được nhanh hơn đồng thời không bị ngán.

– Do bánh chưng nhiều năng lượng, bạn chỉ nên ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa, khi cơ thể còn nhiều hoạt động khác để tiêu hao năng lượng, tránh ăn vào buổi tối.

– Nên uống nhiều nước để tránh cảm giác nóng trong người. Mỗi người nên uống khoảng 1,5-2 lít/ngày, đồng thời ăn nhiều trái cây để bảo vệ sức khỏe.