Từ tháng 3 này, chính sách hỗ trợ đối với người mắc Covid-19 có một số thay đổi.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dừng chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Văn bản số 4292/QĐ-TLĐ được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành, cơ quan này khẳng định “dừng chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh” từ ngày 01/03/2022.
Trước đó, theo Quyết định 3749 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đoàn viên, người lao động là F0 (không vi phạm chính sách phòng, chống dịch) sẽ được hỗ trợ với mức cụ thể như sau:
– 03 triệu đồng/người nếu phải nằm viện từ 21 ngày trở lên;
– 1,5 triệu đồng/người nếu phải nằm viện dưới 21 ngày hoặc điều trị tại nhà từ 21 ngày trở lên;
– 05 triệu đồng/người nếu tử vong do Covid-19.
Như vậy, theo quy định mới của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, người được xác định là F0 từ 01/03/2022 trở đi sẽ không được nhận khoản tiền hỗ trợ theo Quyết định 3749 như trên.
Với các trường hợp nhiễm Covid-19 từ trước ngày 01/03/2022, cần phải nộp hồ sơ để giải quyết chế độ chậm nhất vào này 31/03/2022.
3 khoản tiền hỗ trợ dành cho F0
Sau khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành quyết định dừng chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, người lao động mắc Covid-19 sẽ chỉ còn được hưởng 3 khoản tiền (thay vì 4 khoản như trước đây).
3 khoản tiền này bao gồm:
Tiền trợ cấp ốm đau
Để nhận được khoản tiền trợ cấp ốm đau này, F0 cần khai báo với Trạm Y tế (đến trực tiếp để test nhanh hoặc test nhanh tại nhà dưới sự giám sát của nhân viên y tế thông qua phương tiện điện tử). Sau đó, Trạm Y tế địa phương sẽ cấp Giấy xác nhận nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội. Người lao động nộp giấy này cho người sử dụng lao động để hoàn thiện thủ tục hưởng trợ cấp.
Theo Điều 25, Điều 26, Điều 28 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức trợ cấp ốm đâu bằng 75% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trong 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc do bị nhiễm Covid-19, tính theo số ngày thực tế nghỉ việc để điều trị Covid-19 (theo xác nhận của Trạm y tế địa phương).
Tiền dưỡng sức sau ốm đau
Người lao động là F0 đã hưởng chế độ ốm đau trong năm từ 30 ngày trở lên, trong vòng 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe vẫn chưa đảm bảo thì có thể được hưởng tiền dưỡng sức sau ốm đau.
Theo Điều 29 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014; khoản 1 Điều 7 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, thời gian nghỉ dưỡng sức là 05 ngày làm việc. Trong 05 ngày này sẽ được hưởng tiền trợ cấp là 30% mức lương cơ sở, tương đương 447.000 đồng/ngày.
Tiền lương do người sử dụng lao động trả
Nếu chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết phép năm thì thời gian nghỉ để điều trị Covid-19 có thể trừ vào ngày nghỉ phép năm. Như vậy, trong những ngày điều trị bệnh, F0 vẫn được hưởng nguyên lương từ người sử dụng lao động.