Việc bổ sung nước cho trẻ sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 là điều cần thiết. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ băn khăn không biết có nên cho trẻ sử dụng nước dừa hay không. Hãy cùng nghe bác sĩ trả lời về vấn đề này.

Sau khi tiêm vắc xin Covid-19, trẻ có thể gặp một số phản ứng thông thường như mệt mỏi, sốt, nhức đầu, buồn nôn… Lúc này, một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp củng cố sức khỏe, giúp trẻ mau hồi phục.

Chia sẻ trên VietNamNet, Ths.BSCKII Ngô Thị Hiếu Minh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho biết trước và sau tiêm, trẻ cần có chế độ dinh dưỡng dầy đủ, đa dạng, không kiêng khem thực phẩm nào. Sau khi tiêm, mẹ nên cho trẻ ăn nhiều hoa quả, bổ sung nước; không cho bé ăn các món lạ, đồ gỏi sống… vì chúng dễ gây buồn nôn, ngộ độc và có thể nhầm lẫn với các phản ứng sau tiêm.

Cũng giống như người lớn, sau khi tiêm vắc xin, trẻ cần kiêng sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê…

Nói về thắc mắc trẻ có được uống nước dừa sau khi tiêm phòng vắc xin Covid-19 hay không, Ths.BS Minh cho biết, nước dừa có hàm lượng dinh dưỡng cao gồm nước, đường, kali, canxi, phốt pho… giúp bổ sung điện giải cho cơ thể. Uống nước dừa sau khi tiêm phòng sẽ giúp giảm mệt mỏi, bổ sung nhiều vitamin.

nuoc-dua-02

Các chuyên gia đưa ra lưu ý rằng nước dừa có tính âm, hàn, thường được dùng để giải nhiệt, làm mát…. nên nếu uống vào buổi tối có thể gây lạnh bụng, đầy bụng. Ngoài ra, người bị huyết áp thấp, cảm lạnh, thấp khớp… không nên dùng; người bị tiểu đường cũng không nên uống nhiều nước dừa vì nó có thể làm tăng kali trong máu.

Sau khi tiêm phòng, mẹ có thể cho con uống một lượng nước dừa vừa phải. Nên uống vào buổi sáng. Ngoài ra, cần cho con ăn đa dạng thực phẩm để bổ sung đủ và cân bằng các lại vitamin. Bên cạnh đó, cần cho trẻ uống nhiều nước để hồi phục sức khỏe.

Các phản ứng thường gặp sau tiêm

Hai loại vắc xin ngừa Covid-19 được sử dụng cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi ở Việt Nam là Pfizer và Moderna. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất và tiêm các liều cơ bản cùng loại vắc xin.

Theo Tuổi trẻ, ThS.BS Nguyễn Hiền Minh – phó trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, với vắc xin Pfizer, trẻ có thể gặp một số phản ứng như mệt mỏi, đau đầu, tấy đỏ, sưng tại vị trí tiêm, đau cơ, ớn lạnh, sốt…

Với vắc xin Moderna, các phản ứng có thể gặp ở trẻ là đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau dầu, đau cơ, ớn lạnh, buồn nôn, nôn, sưng/đau ở nách, sốt, ban đỏ, sưng tại vị trí tiêm, đau khớp…

Nếu trẻ gặp hiện tượng đau ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim sau khi tiêm thì cần phải được thăm khám ngay.

nuoc-dua-03

Lưu ý trước khi tiêm

Bác sĩ Hiền cho biết, cha mẹ nên cho trẻ ăn nhẹ trước khi tiêm. Không nên để trẻ nhịn đói hoặc ép trẻ ăn quá no. Trước khi tiêm, cần tránh cho trẻ sử dụng các chất kích thích như nước ngọt, cà phê, trà sữa, nước tăng lực…

Mẹ hãy cho trẻ uống đủ nước, nhất là khi thời tiết nắng nóng. Có thể cho trẻ uống viên sủi hoặc siro chứa các loại vitamin mà trẻ đang sử dụng vào buổi sáng ngày đi tiêm. Ngoài ra, nếu trẻ đang uống các loại thuốc điều trị bệnh mãn tính theo toa của bác sĩ thì không được tự ý ngừng dùng thuốc.

Lưu ý sau khi tiêm

Trẻ được theo dõi 30 phút sau tiêm tại điểm chủng. Ít nhất 3 ngày đầu tiên sau tiêm trẻ cần có người theo sát và kịp thời phát hiện những phản ứng bất thường. Trong quá trình theo dõi sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên ghi nhận nhiệt độ của con 4-6 giờ một lần; không nên để con ngủ phòng riêng; để ý khi con ở quá lâu trong nhà vệ sinh hoặc phòng riêng; nên cho con ăn uống ở nhà để tránh trường hợp ngộ độc thức ăn. Sau khi tiêm, không nên để trẻ tập thể dục hoặc vận động thể lực nặng.

Trẻ không cần kiêng tắm rửa hay kiêng đồ ăn gì, trừ những món trẻ đã bị dị ứng từ trước.

Nếu thấy các trẻ có các dấu hiệu như vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khó dai dẳng; đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi; khó thở khi hoạt đồng bình thường, khi nằm; sốt ca khó hạ nhiệt độ hoặc kéo dài hơn 24 giờ; trên da xuất hiện vân tím; phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ thì cha mẹ nên cho trẻ nhập viện ngay.