Đây là món ăn có tác dụng bồi bổ cơ thể, nuôi dưỡng nhan sắc cho phụ nữ. Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Trước đây, các gia đình có điều kiện sẽ ngâm sẵn một bình rượu nếp trứng gà mật ong rồi hạ thổ đúng 100 ngày để khi phụ nữ sinh con xong sẽ ăn hàng ngày giúp nhiều sữa, da dẻ hồng hào, tóc bóng mượt.
Trứng gà có hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. Trứng có chứa nhiều protein, vitamin A, B, D, axit folic, choline, sắt, canxi, kali, phốt pho, chất béo…
Protein trong trứng gà sẽ giúp hồi phục tổn thương của tế bào gan. Lecithin giúp thúc đẩy quá trình tái sinh của tế bào gan, ngân cao khả năng chuyển hóa chất trong cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch. Vitamin B2 giúp phân hủy và oxy hóa chất có hại. Selen và kẽm giúp ngăn ngừa sự phát triển của tế bào K.
Đặc biệt, omega-3 trong trứng gà có vai trò cực kỳ quan trọng đối với phụ nữ mang thai vì nó có tác động đến sự phát triển não bộ của thai nhi.
Trứng gà ngâm rượu nếp cẩm được cho là rất tốt với sản phụ, giúp bổ máu, đẹp da.
Một số lưu ý khi sử dụng trứng gà đối với phụ nữ sau sinh
Trứng gà giàu dinh dưỡng, chất đạm. Do đó, phụ nữ không nên ăn ngay sau khi sinh để tránh khó tiêu, nặng bụng…
Mỗi ngày sản phụ chỉ ăn 1-2 quả trứng gà, không nên ăn quá nhiều để tránh làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Người sinh mổ trong quá trình liền sẹo thường được khuyên không nên ăn trứng gà vì dân gian cho rằng lòng trắng trứng gà có thể gây ra sẹo lồi. Nếu muốn ăn chỉ nên dùng lòng đỏ.
Để đảm bảo dinh dưỡng, phụ nữ sau sinh nên ăn trứng gà luộc, hạn chế ăn trứng gà chiên, ốp la.
Ngoài trứng gà, sản phụ nên ăn thêm rau củ quả và các loại thực phẩm khác để cân bằng dinh dưỡng.
Cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho biết trứng gà hạ thổ là món ăn được đánh giá cao, tốt cho chị em, đặc biệt là với phụ nữ sau sinh. Trứng gà và nếp cẩm đều có những thành phần giúp bồi bổ cơ thể phụ nữ sau sinh, giúp khí huyết lưu thông, da dẻ hồng hào.
Trong Đông y, lòng trắng trứng (còn gọi là đản thanh) có vị ngọt, tính lương, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc. Lòng đỏ trứng (còn gọi là đản hoàng) vị ngọt, tính bình, vào tâm, tỳ, phế thận; tác dụng tư âm nhuận táo, bổ huyết, dưỡng tâm an thần. Rượu nếp cẩm l à một món ăn có vị ngọt, tính ẩm, dễ tiêu hóa, có tác dụng làm làm ấm bụng.
Cách làm rượu nếp cẩm ngâm trứng gà
Nguyên liệu: 30 quả trứng gà ta, 5kg cơm rượu nếp cẩm, 5-6 lít rượu nếp trắng, 1 bình thủy tinh hoặc bình sành, sứ cỡ 10 lít.
Cách làm
Trứng gà rửa sạch, đục đục một lỗ nhỏ ở một đầu của quả trứng. Không đục lỗ thì trứng sẽ lâu chín hơn.
Lấy một cơm rượu nếp cẩm trải đều mỏng cỡ 2 – 4 cm xuống đáy.
Xếp trứng lên trên. Cứ một lớp trứng gà thì rải một lớp rượu cơm nếp cho tới khi hết trứng. Phủ cơm rượu lên trên cùng cho kín tất cả các quả trứng. Đổ rượu vào trong bình.
Đậy nắp bình và để ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời. Ủ trong vòng 100 ngày là dùng được. Để càng lâu càng ngon, hạ thổ được thì càng tốt.
Khi ăn thì lấy trứng ra bóc vỏ, cho thêm chút cơm rượu, ăn cả cái và nước để cải thiện tình trạng thiếu máu, giúp da dẻ hồng hào hơn.
Lưu ý, lương y Vũ Quốc Trung, Hội đông y Việt Nam cho biết rượu nếp trong đông y thường được dùng là thuốc dẫn để các dược liệu phát huy tác dụng trị bệnh. Tuy nhiên, nếu dùng rượu ngâm quá nhiều có thể gây hại tới thần kinh. Các chất có hại trong rượu có thể tiết vào sữa làm ảnh hưởng tới sức khỏe của em bé.