Thông thường, F0 sẽ âm tính sau 1-2 tuần kể từ khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên cũng có trường hợp thời gian dương tính kéo dài khiến nhiều người lo lắng.

Nguyên nhân khiến một số F0 gặp tình trạng dương tính kéo dài

Theo VTC, BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, cho biết thời gian dương tính dài hay ngắn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi ngày. Vì thế chúng ta có thể thấy hiện tượng có người chỉ mất vài ba ngày đã âm tính nhưng cũng có người mắc bệnh đến 2 tuần hoặc cả tháng vẫn dương tính.

Theo bác sĩ, thông thường các F0 sẽ âm tính trong khoảng 1-2 tuần kể từ khi nhiễm bệnh. Nếu thời gian dương tính kéo dài nhưng cơ thể không có dấu hiệu trở nặng thì người dân không cần quá lo lắng. Việc cần làm lúc này là tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe.

Có trường hợp F0 đã âm tính nhưng sau vài ngày vẫn có nguy cơ trở nặng. Do đó, xét nghiệm dù âm tính hay dương tính, người bệnh vẫn cần tự theo dõi sức khỏe của bản thân trong vòng 14 ngày.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến một số người gặp tình trạng dương tính với virus SARS-CoV-2 trong thời gian dài có thể là do sức đề kháng yếu hoặc quá trình điều trị không thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh mũi họng; bổ sung không đủ dinh dưỡng…

Bên cạnh đó, khả năng đào thải virus ở mỗi người cũng khác nên sẽ nảy sinh tình huống hai người cùng mắc bệnh ở một thời điểm nhưng có người âm tính trước, có người mãi vẫn chưa “âm”.

Làm gì để đào thải virus nhanh hơn, hạn chế nguy cơ âm tính kéo dài

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị, BS Trương Hữu Khanh cho biết việc đào thải virus nhanh hay chậm phụ thuộc vào sức đề kháng của mỗi người. Người có sức đề kháng tốt thì cơ thể có thể sẽ đào thải virus nhanh hơn. Người có sẵn miễn dịch (từ việc nhiễm bệnh trước đó và từ tiêm phòng) cũng có thể có khả năng đào thải virus nhanh hơn.

Nếu hệ miễn dịch suy yếu, cơ thể không sản xuất đủ kháng thể, virus sẽ dần dần chiếm ưu thế và gây ra tình trạng viêm nhiễm, mất kiểm soát bên trong cơ thể. Từ đó, nó có thể làm tổn thương phổi nặng và kích thích hệ thống miễn dịch đáp ứng quá mức rồi lan rộng thành cơn bão cytokine. Một khi cơn bão cytokine “càn quét” bên trong cơ thể, nó có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như rối loạn huyết động, thay đổi tính thấm thành mạch, suy đa tạng, hình thành cục máu đông.

Vì vậy, ngoài việc tiêm đủ liều vắc xin thì chúng ta cần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Để có sức đề kháng, chúng ta phải ăn đủ chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc. Các F0 có thể tập thở mỗi ngày để thúc đẩy quá trình đào thải virus ra bên ngoài.

Ngoài ra, người bệnh có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để uống thuốc kháng virus nhằm đào thải virus nhanh hơn.

Nếu không sử dụng thuốc kháng virus, người bệnh cũng không cần quá hoang mang, lo lắng. Hãy duy trì việc ăn đủ chất, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng tự nhiên của cơ thể. Khi đó, virus sẽ tự bị đào thải.