Ngay cả khi chế độ phải có người đứng đầu hậu cung là Hoàng hậu thì lịch sử vẫn có 1 vị vua đi ngược lại. Nhân vật này không phải ai xa lạ mà chính là Tần Thủy Hoàng – vị Hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa và không lập Hậu.

Vì sao Tần Thủy Hoàng không lập Hậu?

Nhìn lại cuộc đời của vị vua được mệnh danh là “thiên cổ nhất đế”, không khó để nhận thấy Tần Thủy Hoàng lúc sinh thời gần như không hề có hứng thú với việc mỹ sắc hậu cung.

Từ khi kế vị vào năm 13 tuổi cho tới thời điểm tự mình chấp chính ở tuổi 22, ông đã có tới 9 năm ở ngôi trong bối cảnh thái bình .

Trong 3 năm sau khi kế vị, Doanh Chính Tần vương đã có tư cách lập vương hậu. Tuy nhiên trong suốt gần 1 thập kỷ ấy, ông dường như chưa bao giờ có ý định làm việc này bởi suốt thời gian trị vì, Tần Thủy Hoàng liên tục tiến hành chiến tranh để thống nhất lục quốc.

Empty

Đến cuối đời, dù đã bước lên đỉnh cao quyền lực và trở thành Thiên tử đầu tiên của Trung Hoa thống nhất, Tần Thủy Hoàng vẫn kiên quyết để trống vị trí hoàng hậu.

Trong suốt 37 năm tại vị, Tần Thủy Hoàng vẫn cương quyết giữ lập trường trên phương diện này, cho tới lúc qua đời cũng không sắc phong bất kỳ ai lên ngôi hậu.

Mặc dù lịch sử không giải thích nguyên nhân, nhưng các học giả giải thích bằng nhiều nguyên nhân.

Tần Thủy Hoàng có một người mẹ không thủ tiết. Người thân sinh ra Tần Thủy Hoàng là Triệu Cơ. Năm xưa bà vốn là tiểu thiếp của Lã Bất Vi, sau được dâng cho vương tôn Doanh Tử Sở của Tần Quốc – người sau này kế vị và trở thành Trang Tương Vương.

Triệu Cơ là người phụ nữ có nhiều người tình, sau này khi đã trở thành Thái hậu nhưng thường Triệu Cơ xuyên tư thông với Lã Bất Vi, sau đó lại bí mật qua lại với tình nhân tên Lao Ái, thậm chí còn sinh hạ 2 người con riêng cho người này.

Đó là điều khiến Tần Thủy Hoàng cay đắng, tạo thành định kiến trong tâm trí của vị vua tài năng này, ông chán ghét phụ nữ , mất lòng tin vào sự chung thủy từ đó trở thành rào cản trong hôn nhân và khiến ông không muốn lập hậu.

Quá tức giận, Tần Thủy Hoàng bức tử Lã Bất Vi, tru di tam tộc nhà Lao Ái, sát hại 2 con riêng của thái hậu Triệu Cơ đồng thời đuổi bà ra khỏi kinh thành, cấm không được xuất hiện ở thành Hàm Dương.

Nguyên nhân thứ 2, Tần Thủy Hoàng cảm thấy những người phụ nữ xung quanh mình không ai đủ tầm để trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ.

Nguyên nhân thứ ba, nhiều học giả cho rằng, Tần Thủy Hoàng nuôi tham vọng bất tử, là người cầu toàn nên tính cách khá đa nghi và khắc nghiệt.

Là người mê mải sự nghiệp lập quốc, rất có thể Tần Thủy Hoàng cho rằng việc lập hậu sẽ trở thành rào cản cản bước chân ông vươn tới những lý tưởng cao xa, thậm chí sau khi lập hậu, thế lực của hoàng hậu rất có thể trở thành một sự nguy hiểm bên cạnh Tần Thủy Hoàng.

Tần Thủy Hoàng từng nhiều lần phái người tìm kiếm tiên đan ở khắp các ngóc ngách của lục quốc, thậm chí còn cho Từ Phúc dẫn theo 3.000 đồng nam, đồng nữ vượt biển đi tìm thuốc tiên chỉ vì mong muốn có được sự bất tử. Bởi vậy, Tần Thủy Hoàng chẳng còn ham muốn việc lập hậu!

Cũng bởi cả đời chưa từng lập hậu, Tần Thủy Hoàng đã trở thành vị Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Hoa khi chết không hợp táng lăng, chỉ có hàng trăm cung nữ, phi tần phải tuẫn táng theo ông ở trong 1 lăng mộ độc lập chứa cả một dòng sông thủy ngân.

Cho tới ngày nay, nguyên nhân chân chính khiến Tần Thủy Hoàng cương quyết không sắc phong ai lên ngai vị “mẫu nghi thiên hạ” vẫn còn là ẩn số, mọi nghi vấn chỉ dừng lại ở chuyện giả thiết mà thôi.

Hoàng đến nhiều con nhưng không có hậu duệ

Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, Tần Thủy Hoàng có tổng cộng 33 người con. Trong đó có 20 người con trai và 13 người con gái. Mẹ của những người này không được lịch sử đề cập. Bản thân Tần Thủy Hoàng cũng không lập hoàng hậu và không có tài liệu lịch sử nào ghi chép vị hoàng đế này đặc biệt sủng ái ai. Hai người con trai nổi tiếng nhất, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của nhà Tần sau khi Tần Thủy Hoàng chết là Phù Tô (con trai cả) và Hồ Hợi (người con trai thứ 18, có thuyết nói là con trai út).

Nhiều người thắc mắc, Tần Thủy Hoàng có nhiều con như vậy, lại là hoàng đế, nhưng vì sao ngày nay không ai tự nhận là hậu duệ của ông?

Ở Trung Quốc ngày nay, những người trùng họ với vua chúa ngày trước có rất nhiều, ví dụ như họ Lưu (Lưu Bang), họ Triệu (Triệu Khuông Dận), họ Chu (Chu Nguyên Chương)… Nhưng tuyệt nhiên không thấy ai mang họ Doanh – trùng với họ của Tần Thủy Hoàng. Điều này có liên quan mật thiết đến những biến động lịch sử sau cái chết của Tần Thủy Hoàng.

Empty

Theo Sử ký, Phù Tô là người được Tần Thủy Hoàng lựa chọn để kế nghiệp. Nhưng do mâu thuẫn với cha về tư tưởng cai trị đất nước, Phù Tô bị Tần Thủy Hoàng điều ra biên giới, không giữ lại bên cạnh. Chính quyết định này khiến Phù Tô bị hoạn quan Triệu Cao và người em trai Hồ Hợi bày mưu hại chết. Trong lịch sử Trung Quốc xảy ra rất nhiều vụ anh em trong nhà tàn sát lẫn nhau để giành ngôi vua. Hồ Hợi cũng là người có dã tâm như vậy.

Sau khi lên ngôi, lấy hiệu là Tần Nhị Thế, Hồ Hợi vẫn “có tật giật mình”, luôn lo sợ bị những anh em khác tố cáo tội giết anh để cướp ngôi. Ông ta quyết định tàn sát tất cả. Việc Hồ Hợi giết anh em và những kẻ không tuân phục mình được Sử ký chép lại như sau:

Hồ Hợi lên ngôi, bàn với Triệu Cao tăng thêm nhiều luật lệ, có người không phục. Hồ Hợi bàn:

“Nhiều quan đại thần không phục ta. Các công tử (con trai Tần Thủy Hoàng) lại tranh giành với ta, bây giờ phải làm thế nào?”.

Triệu Cao cho rằng nên giết hết những người tỏ ý thái độ bất tuân và những quan lại bị Hồ Hợi ghét. Hồ Hợi khen “phải đấy” rồi ra lệnh giết hết các đại thần chống đối và các công tử. Trong số đó có công tử Tương Lư bị giam rồi bị giết sau cùng.

Sử ký chép, Hồ Hợi sai sứ giả đến nhà lao, giục Tương Lư sao không chết cho sớm. Tương Lư nói:

“Lễ nghi trong triều, ta chưa bao giờ không theo. Ngôi thứ trong miếu đường, ta chưa bao giờ dám trái. Phụng mệnh và lời nói, ta chưa bao giờ lầm lỡ. Ngươi bảo ta có tội gì để chịu chết?”.

Sứ giả đáp: “Tôi không bàn việc ấy, chỉ đến làm phận sự”. Công tử Tương Tư nghe vậy liền kêu lớn một tiếng rồi rút gươm tự sát.

Một số người con trai của Tần Thủy Hoàng đã thoát khỏi cuộc thanh trừng đẫm máu của Hồ Hợi. Họ bỏ trốn khỏi kinh thành Hàm Dương và thay tên đổi họ.

Năm 207 TCN, Hạng Vũ – viên tướng nước Sở có mối thù sâu sắc với Tần Thủy Hoàng – tiến quân vào Hàm Dương, lùng bắt tất cả hoàng tộc họ Tần rồi đem giết sạch. Hạng Vũ cho đốt cung A Phòng, nhiều người thuộc hoàng gia chết cháy trong đó. Tần Tử Anh (con trai Hồ Hợi, có thuyết nói là em trai Tần Thủy Hoàng) – vua thứ 3 của nhà Tần – ra đầu hàng cũng bị Hạng Vũ giết.

Sử ký chép, Hạng Vũ cầm đầu chư hầu, giết Tần Tử Anh và toàn bộ công tử vương tộc nhà Tần, diệt dòng họ Doanh, làm cỏ thành Hàm Dương, đốt cung thất cháy liền 3 tháng không tắt, lấy của cái châu báu nhà Tần cùng chia với chư hầu.

Sử ký chép thêm, ngày trước có Sở Nam Công – viên quan giỏi bói toán ở nước Sở – nói: “Sở tuy chỉ còn 3 hộ, nhưng diệt Tần chính là Sở”. Hạng Vũ thảm sát hoàng tộc nhà Tần chính là để ứng với lời tiên tri này. Họ Doanh vì vậy không còn sót lại hậu duệ nào.

Nhiều nhà sử học Trung Quốc cho rằng, sau khi nước Tần bị diệt, nước Sở và Hán thay nhau lên nắm quyền. Con cháu của Tần Thủy Hoàng dù còn sót lại cũng không dám xưng là họ Doanh. Nhà Hán do Lưu Bang sáng lập tồn tại hơn 400 năm, họ Doanh vì thế càng thêm mai một. Mặt khác, Tần Thủy Hoàng khét tiếng trong lịch sử là hoàng đế bạo ngược, bị người dân căm ghét, nếu hậu duệ của ông còn lưu lạc trong dân gian, dù có biết về nguồn cội cũng không dám xưng họ là Doanh nữa.

Năm 1994, Trung Quốc tổ chức khai quật quy mô lớn lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Trong khi đào bới, các nhà khảo cổ phát hiện xác ướp một phụ nữ đang mang thai. Đây rất có thể là phi tần đang mang thai con của Tần Thủy Hoàng bị Hồ Hợi tuẫn táng trong lăng để đề phòng hậu họa cướp ngôi.

Sử ký chép, sau khi hại chết anh trai là Phù Tô, Hồ Hợi lo liệu việc chôn cất Tần Thủy Hoàng trong lăng mộ, bàn với Triệu Cao rằng: “Những người ở hậu cung của tiên đế cho ra ngoài thì không tiện, nên đem chôn sống theo”. Hậu cung của Tần Thủy Hoàng vì vậy mà sạch bóng mỹ nhân.

Trước khi chết, Tần Thủy Hoàng cho đúc đội quân bằng đất nung vì cho rằng đàn ông còn phải phục vụ chiến tranh, không thể chôn sống theo mình. Nhưng cung nữ và nô tì thì không có tác dụng gì, nên đem tuẫn táng. Hồ Hợi lợi dụng hủ tục tuẫn táng sau khi Tần Thủy Hoàng chết, chôn sống cả những phi tần đang mang thai con của cha mình.

Với cuộc thanh trừng tàn khốc và quy mô lớn như vậy, khả năng những người con trai của Tần Thủy Hoàng thoát khỏi tay Hồ Hợi và Triệu Cao là rất thấp. Tuy nhiên Hồ Hợi không biết rằng, sau này cũng có người thảm sát con cháu mình như chính cách ông ta từng làm.

Không hoàng đế nào trong lịch sử Trung Quốc trị vì mà không từng mắc phải sai lầm. Tần Thủy Hoàng cũng là một trong số đó. Ông có công lớn trong việc chấm dứt cuộc chiến tranh cát cứ thời Xuân Thu – Chiến Quốc kéo dài hàng trăm năm, thống nhất Trung Quốc trên nhiều phương diện. Nhưng sự bạo ngược và thiếu sáng suốt của Tần Thủy Hoàng lại là nguyên nhân trực tiếp đẩy hoàng tộc nhà Tần vào con đường tuyệt diệt.