Dù ở cùng nhà chăm sóc bố mẹ bị nhiễm Covid-19 nhưng vợ Đăng Khôi là Thủy Anh vẫn âm tính.
Mới đây, vợ Đăng Khôi là Thủy Anh kể về việc bố mẹ ở Hà Nội bị nhiễm Covid-19. Chính vì vậy, cô đã bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để chăm bố mẹ. Hiện tại, bố mẹ của Thủy Anh đã âm tính với Covid-19 và vợ Đăng Khôi không bị F0 dù ở cùng nhà chăm sóc người thân. Chính vì vậy, cô đã chia sẻ kinh nghiệm của mình để mọi người có thể học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc người bị Covid-19.
“Mình đã hoàn toàn không bị lây nhiễm khi chăm sóc cho F0 và làm sao để người lớn tuổi có bệnh nên nhanh khỏi Covid?
Đây chắc chắn là 2 vấn đề mà nhiều người quan tâm ở thời điểm này khi mà các tỉnh phía Bắc dịch lại lên dữ dội quá mọi người ạ. Mình đã an toàn không bị lây nhiễm khi chăm sóc F0. Làm thế nào để người già có bệnh nền dương tính với Covid khỏi nhanh và không bị hậu Covid?
Ngày cuối cùng của tháng 2 đầy biến động với gia đình mình; giờ mình mới thở phào nhẹ nhõm sau khi trở về từ Hà Nội. Dịch ở Hà Nội đang vô cùng căng thẳng, và điều gì đến cũng phải đến, bố mẹ đẻ mình đã bị dương tính với Covid.
Khi nghe tin, mình đã thực sự shock vì bố mẹ mình có nhiều bệnh nền, thậm chí bệnh liên quan đến phổi. Mình dặn đi dặn lại bố mẹ phải hết sức cẩn thận để không bị nhiễm, muốn đón bố mẹ vào Sài Gòn để tránh dịch mà bố mẹ không đi. Shock xong rồi thì mình quyết định xách va li lên lao vào tâm dịch. Phải thừa nhận là lúc đó mình suy nghĩ khá tiêu cực, nhưng vẫn quyết định bay về với bố mẹ, mình chấp nhận là sẽ dương tính, nhưng được bên cạnh và chăm sóc cho bố mẹ thì dù kết quả ra sao mình không hối hận.
Thủy Anh muốn chia sẻ với mọi ng một chút kinh nghiệm của bản thân mình khi chăm sóc F0 làm sao vẫn đảm bảo an toàn không bị lây chéo nhé. Đồng thời quan trọng nhất là làm sao để những người lớn tuổi bị bệnh nền có thể vượt qua Covid nhanh chóng và không để lại hậu quả. Bài dài nhưng chắc chắn sẽ có nhiều kinh nghiệm hữu ích cho mọi người trong việc chăm sóc và điều trị. Mình nghĩ kể cả ở Sài Gòn mọi người cũng nên lưu tâm vì nguy cơ tái mắc Covid vẫn tồn tại.
Chăm sóc người có bệnh nền, điều tiên quyết để khỏi bệnh:
– Phải thật nhanh trong việc phát hiện bệnh vì với những người có bệnh nền, phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng hiệu quả (có bất kỳ triệu chứng gì phải nghĩ ngay đến Covid, lập tức test). Vạch mờ hay vạch đậm không phải là chỉ dấu quan trọng là Covid ít hay nhiều nên khi test nhanh 2 vạch mờ đã dương tính rồi (nếu bạn sử dụng loại test đúng tiêu chuẩn) và lập tức uống thuốc theo chỉ dẫn bác sĩ càng sớm càng tốt. Nhiều người test vạch mờ mà không tin là bị Covid, phải đợi kết quả test PCR thì mới tin và điều trị. Thủy Anh nghĩ nếu chờ kết quả PCR được thì cũng được (nếu bạn vẫn muốn chờ PCR) nhưng bạn nên có kế hoạch chăm sóc ngay từ khi test nhanh ra kết quả – chăm sóc sức khỏe hô hấp không lúc nào là thừa.
Đối với người già và nhiều bệnh nền, việc chậm trễ sẽ bỏ qua thời điểm vàng, bệnh sẽ diễn tiến nặng rất nhanh. Đôi khi chỉ chờ kết quả test PCR mà bệnh đã tiến triện nặng dẫn đến suy hô hấp rồi.
– Nếu được, nên có một bác sĩ riêng để theo dõi sức khoẻ, thông báo tình trạng bệnh. Hiện tại có nhiều nhóm các bác sĩ đồng hành sẵn lòng giúp đỡ người bệnh nên mọi người có thể nhờ tư vấn của các bác sĩ. Như bố mẹ mình uống thuốc kháng virus, tùy thể trạng bác sĩ kê thêm thuốc chống đông. Việc uống thuốc kháng virus mọi người cũng nên tham khảo với bác sĩ để có chỉ định cho phù hợp. Và nhất là đối với người lớn tuổi có bệnh nền, không được tự ý dùng thuốc. Nhà mình luôn có bác sĩ sát sao sức khoẻ của bố mẹ.
– Phải tập thở ngày 3 lần, đo Spo2 ngày 3 lần. Việc này rất quan trọng. Đôi khi triệu chứng nhẹ nhưng phổi đã có tổn thương, nồng độ oxy giảm bất ngờ, có những biến chứng diễn ra mình không kịp trở tay – thường vào lúc nửa đêm. Tập thở giúp cho phổi không bị xẹp.
– Ăn uống đủ chất cũng là điều quan trọng. Thủy Anh pha cho bố mẹ mỗi ngày 1 cốc nước cam vào buổi sáng để tăng sức đề kháng, nhỏ nước muối, khò họng nước muối ngày 3-4 lần. Không rửa mũi nhiều quá làm niêm mạc mũi bị khô dễ tổn thương.
– Xông mũi họng ngày 2 lần mỗi lần 10-15 phút (cách đơn giản mà Thủy Anh hay là cho lá xông vào nồi cơm điện nhỏ để sẵn trong phòng, mỗi lần bố mẹ xông chỉ cần bật điện cho sôi rồi tắt, lấy mền trùm lên và hít vào mũi họng.)
– Đều đặn như vậy bố mẹ mình đã âm tính sau 5 ngày. Sau đó vẫn phải theo dõi chỉ số oxy và cách ly thêm 3 ngày là ổn. Bạn cũng nên chú ý vì nhiều người khi xét nghiệm ra âm tính rồi nhưng vẫn SP02 vẫn có thể giảm đột ngột nên vẫn cần chăm sóc thêm nhé.
Làm sao để không bị lây chéo?
Vừa bước chân từ sân bay về nhà là mình đeo bao tay sẵn và xịt cồn từ ngoài cổng vào nhà (mất 2 tiếng đồng hồ). Mình không gặp bố mẹ kể từ khi bước chân về nhà. Ai ở yên phòng người đấy.
– Vật bất ly thân là khẩu trang, kính chắn bọt, chai xịt cồn. Khổ cái tay mình viêm da nên mình phải đeo bao tay thì mới khử khuẩn thường xuyên được. Sau khi lên phòng mình tháo bao tay ra, xịt khuẩn tay lần nữa mới tháo kính và khẩu trang. Khẩu trang thì thay 1 ngày 4-5 lần, mình không tiếc vì lỡ mình bệnh thì còn tốn kém hơn. Nhớ xịt khuẩn cả kiếng chắn bọt nha.
Vật bất ly thân của vợ Đăng Khôi là khẩu trang, kính chắn bọt, chai xịt cồn.
– Tuyệt đối cách ly là điều đầu tiên bạn cần nhớ. Ban đầu bố mình âm tính, mẹ dương tính, mình cách ly mỗi ông bà 1 phòng, riêng mình ở tầng trên cùng, dùng riêng toilet. Nếu không có toilet riêng thì phải thường xuyên xịt khuẩn (lưu ý tay nắm cửa, nút xả toilet, vòi xịt, vòi rửa tay…). Mình cẩn thận đến nỗi mỗi lần đi qua toilet bố mẹ là phải xịt hết cho thật kỹ.
– Bố mình ban đầu âm tính cũng phải cách ly hoàn toàn với mình, vì mình không biết mấy ngày sau bố có dương tính không do trước đó đã tiếp xúc với mẹ.
– Mình không nấu ăn tại nhà để giảm thiểu khả năng lây nhiễm. Mình nhờ cô chú thông gia mẹ chồng em gái mỗi ngày ship đồ cô nấu sang. Mình sử dụng đúng 2 cái tô để quay vi sóng đồ ăn cho nóng và để ra bát đĩa dùng 1 lần. Mình để trước cửa phòng bố mẹ (trước khi để lại xịt khuẩn kỹ) rồi bố mẹ ăn xong tự cho vào túi rác, xịt khuẩn và cho ra ngoài cửa phòng. Sau đó mình yên tâm vứt rác.
– Còn mình thì tự order đồ ăn và ăn tại phòng. Cũng lấy đó làm niềm vui vì được ăn nhiều món Hà Nội đúng ý dịp này.
– Đối với bố mình dù âm tính, mình vẫn bảo bố test hàng ngày. Vì đôi khi triệu chứng không rõ ràng, người già nhiều bệnh thường đôi khi lầm tưởng các bệnh tuổi già như đau xương khớp… nên mình cẩn thận cho bố test hàng ngày để không bỏ lỡ ngày nào cả. Sau 3 ngày thì bố dương tính, bố được uống thuốc ngay và bác sĩ theo dõi sát sao. Quy trình chăm sóc cũng như trên.
– Bản thân mình thì ngày nào cũng nghe ngóng, không thấy triệu chứng gì thì mình cũng không test cho đến khi đủ 5 ngày kể từ lúc mẹ dương tính và thêm 1 lần lúc đủ 5 ngày kể từ khi bố mình dương tính (Test nhiều khi chưa có triệu chứng gây lãng phí). Trộm vía bố mẹ mình chỉ sau 5 ngày là âm tính, không có triệu chứng gì nhiều chỉ có ngứa họng, hắt xì hơi, còn không ho tiếng nào luôn ý.
Sau 8 ngày chăm bố mẹ, mình hoàn toàn âm tính. Hành trình về nhà với Ken và Đăng hơn sớm hơn dự tính (trước khi đi đã chuẩn bị tinh thần đi 30 ngày ấy).
Trên đây là một số kinh nghiệm “thực chiến” của mình khi chăm sóc bố mẹ. Những thông tin về uống thuốc gì, điều trị ra sao Thủy Anh không dám nhận định vì cái này mọi người hãy tin tưởng vào bác sĩ – nhưng việc chăm sóc người bệnh thì chắc chắn có nhiều cái mọi người sẽ học được. Đừng bảo “Ai rồi cũng bị F0″ mà lơ là cảnh giác. Covid nguy hiểm hơn chúng ta tưởng nên hay cố gắng phòng tránh tốt nhất có thể. Còn mình thì quyết cố gắng, không thể để mình bị F0 dễ dàng được vì mình còn nhiều thứ phải lo lắng lắm”, vợ Đăng Khôi viết.