Một số loại thực phẩm tốt cho trẻ mới biết đi song cha mẹ cần lưu khi cho con ăn để tránh con bị hóc, nghẹt đường thở.
Chuyên gia dinh dưỡng Amy Palanjin, biên tập viên, người sáng lập Yummy Toddler Foods, thừa nhận hầu hết cha mẹ đều phân vân liệu đồ ăn của con họ có an toàn hay không. Thông thường, bà khuyên phụ huynh không nên lo ngại quá nhiều về thực phẩm trẻ ăn.
Tuy nhiên, trong bài viết đăng trên Motherly, bà nhấn mạnh việc người lớn thực sự cần để ý đến những loại thực phẩm có nguy cơ gây nghẹt thở cho trẻ mới biết đi. Theo bà, nắm được điều này sẽ giúp quá trình nuôi con đỡ căng thẳng, đồng thời đảm bảo an toàn cho trẻ.
Bà chia sẻ thêm bản thân áp dụng phương pháp ăn dặm tùy theo sở thích, nhu cầu của con. Do đó, bà khá thoải mái khi để các con gái của mình thử những món ăn mới. Trong quá trình đó, bà nhận thấy một số loại thực phẩm có kết cấu, hình dạng khó xử lý đối với trẻ nhỏ.
“Khi đứa con đầu lòng của tôi lên 3 tuổi, con bé bị nghẹn một miếng bánh tortilla nhỏ trong cổ họng vì không nhai kỹ. Con không bị nghẹt thở, nhưng rất khó chịu và sợ hãi. Từ đó, tôi nghiêm túc hơn trong việc xem xét nguy cơ hóc dị vật đối với trẻ mới biết đi”, bà Palanjin cho hay.
Thực phẩm dễ gây nghẹt thở cho trẻ
Bà Amy Palanjin đưa ra danh sách các loại thực phẩm phổ biến có khả năng gây rắc rối cho trẻ nhỏ song cha mẹ có thể tìm cách an toàn hơn khi cho con ăn chúng.
Bà lưu ý thêm cha mẹ cần để ý khả năng, thói quen nhai của con khi con thử ăn thực phẩm mới. Ví dụ, nếu con thường nhét nhiều đồ ăn vào miệng, cha mẹ cần cân nhắc cho mỗi lần ăn con một lượng nhỏ để giúp trẻ học cách tự điều chỉnh tốc độ.
1. Xúc xích
Món này có hình tròn, dễ bị mắc kẹt trong cổ họng. Vì vậy, phụ huynh nên cắt xúc xích làm đôi theo chiều dọc rồi cắt thành những miếng nhỏ hơn.
2. Các loại hạt
Hạnh nhân, đậu phộng, hạt điều… thường khó nhai và có thể có cạnh sắc. Cha mẹ nên tránh cho trẻ ăn chúng và chọn loại an toàn hơn như bơ hạt hoặc phết bơ lên bánh mì hay kết hợp với sinh tố, bột yến mạch.
3. Nho nguyên quả
Nho nguyên quả là loại thực phẩm hình tròn khác có khả năng mắc kẹt trong cổ họng của trẻ mới biết đi. Vì vậy, người lớn phải cắt chúng làm đôi hoặc làm tư (đối với những quả rất lớn) theo chiều dọc để thành miếng dài, mảnh và dễ nhai.
Bỏng ngô cũng dễ khiến trẻ bị hóc do nó khô và khó nhai. Ảnh: Freepik.
4. Bỏng ngô
Hạt bỏng ngô nổ có thể khó nhai và rất khô. Cả hai tính chất này đều khiến trẻ gặp khó khăn khi nhai, nuốt nó. Trong trường hợp con thích ăn món giòn, cha mẹ có thể cân nhắc thay thế bằng bánh gạo.
5. Đồ ăn vặt giòn
“Với loại đồ ăn này, bạn cần phải sử dụng phán đoán của mình, nhưng ở trẻ mới biết đi dưới 2 tuổi, tôi thấy một số vấn đề khi trẻ nhai thức ăn có thể có cạnh cứng như bánh quy và một số bánh quy giòn”, vị chuyên gia nói.
Bà gợi ý các bậc cha mẹ chọn phiên bản mềm hơn của những thứ này nếu có thể hoặc khi nghi ngờ con có thể bị nghẹn, họ hãy tự nhai trước một cái. Dù vậy, dựa trên kinh nghiệm bản thân, bà khuyên phụ huynh không cho trẻ dưới 4 tuổi ăn bánh tortilla.
6. Đồ dẻo
Kẹo dẻo, một số loại sinh tố dẻo, kẹo cao su cùng những thứ tương tự rất khó nhai và nên tránh cho trẻ ăn. Bà khuyến khích cha mẹ bổ sung thêm bơ hạt vào danh sách này do trẻ mới biết đi thường khó lùa bơ hạt trong miệng. Trong trường hợp con thích bơ hạt, cha mẹ có thể pha loãng chúng với nước.
7. Rau sống
Các loại thức ăn thô như cà rốt que, cần tây, lát táo, lát dưa chuột và những loại khác có thể rất khó nhai đối với trẻ nhỏ. Bạn luôn có thể cắt nhỏ chúng (thử cắt nhỏ cà rốt khi trẻ gần 18 tháng tuổi hoặc 2 tuổi), chọn các loại táo mềm hơn và cắt lát siêu mỏng hoặc chỉ cần dùng các loại thực phẩm này ở dạng hấp hoặc nấu sơ để đảm bảo an toàn.
8. Miếng thịt
Những miếng bít tết hoặc miếng bít tết mỏng hoặc thậm chí là thịt gà hoặc gà tây có thể thực sự khó nhai, ngay cả đối với người lớn. Thay vào đó, hãy thử cắt nhỏ hoặc xay và nấu chín thịt.
9. Miếng phô mai
Hai con của bà Palanjin rất thích phô mai nên bà sớm biết rõ món này dễ khiến trẻ nghẹt thở. Bà gợi ý phụ huynh chọn miếng phô mai vụn, có kích thước bằng hạt đậu để cho trẻ mới biết đi ăn.
10. Bánh mì
Theo chuyên gia, bánh mì hình khối hoặc hình que dễ mắc vào vòm họng khi trẻ dưới 2 tuổi ăn chúng. Vì thế, cha mẹ nên thử cho con mẩu bánh mì rất nhỏ và vừa ăn vừa uống nước.
Cách phòng ngừa trẻ bị nghẹn trong bữa ăn
Bà cũng đưa ra các biện pháp phòng ngừa để phụ huynh có thể chủ động ngăn chặn nguy cơ con bị hóc dị vật.
Ngồi với con trong bữa ăn
Bà thừa nhận không phải gia đình nào cũng có thể quây quần dùng bữa với nhau. Dù vậy, bà khẳng định cha mẹ cần để mắt đến trẻ nhỏ khi chúng đang ăn.
Bên cạnh việc giúp con học cách cư xử và hành vi phù hợp trên bàn ăn, việc này còn để người lớn sẵn sàng có mặt khi trẻ gặp khó khăn trong ăn uống, giảm nguy cơ con bị nghẹn.
Cho trẻ ăn thử món mới ở nhà trước khi ăn tại nhà trẻ
Việc này giúp phụ huynh đảm bảo con có thể ăn uống thành thạo món đó trước khi con tự ăn mà không có người lớn để mắt thường xuyên.
Tránh cho trẻ mới biết đi ăn trong xe
Trong trường hợp cần cho con ăn trong xe, cha mẹ chỉ để trẻ ăn thức ăn mềm mà trẻ từng ăn dễ dàng trước đó. Dù vậy, tốt nhất, người lớn không cho trẻ mới biết đi ăn trong xe để tránh các nguy cơ.
Không cho con ăn đồ ăn quá giòn trước năm 3-4 tuổi
Trẻ mới biết đi thích làm mọi thứ thật nhanh, điều đó có nghĩa là chúng không phải lúc nào cũng nhai kỹ thức ăn. Chúng cũng thích làm mọi thứ mà chúng thấy người lớn hoặc anh chị làm. Vì vậy, thay vì cho trẻ dưới 3-4 tuổi ăn thức ăn quá giòn, cha mẹ có thể chọn cách chế biến khác.
Tìm cách chế biến khác
Nếu lo lắng về nguy cơ con bị hóc dị vật khi ăn uống, cha mẹ có thể dành thêm thời gian để tìm cách chế biến sao cho món ăn an toàn hơn với trẻ nhỏ. Theo bà Palanjin, đây không phải là việc tốn nhiều công sức trong quá trình chăm sóc con mới biết ăn. Bà cũng cho rằng biện pháp phòng ngừa đơn giản này thường mang lại hiệu quả lớn.
Theo Nguyên Lê (zing) – Ảnh: T.H