Ngủ trưa ngay tại bàn làm việc, vừa đi vừa ăn, chỉ uống nước khi thấy khát… đều gây tổn hại sức khỏe, giảm tuổi thọ.
1. Ngủ trưa tại bàn
Xiao Yi, bác sĩ trưởng Khoa Hô hấp tại Bệnh viện Đại học Y Liên minh Bắc Kinh, cho biết ngủ trên bàn vào ban ngày không phải là một tư thế ngủ tốt. Tư thế này khiến cổ chúi về phía trước, trái với độ cong sinh lý của cột sống cổ, lâu ngày dễ dẫn đến biến dạng cột sống cổ, mỏi cơ cổ, thoái hóa đốt sống cổ.
2. Ngủ trưa quá lâu
Vào tháng 4, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Thần kinh học cho thấy những giấc ngủ kéo dài (hơn một giờ) và không có kế hoạch, làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ. Ví dụ, nếu một ngày bạn đột nhiên muốn ngủ lúc 14-15h, nhưng lúc bạn thức dậy trời đã tối, đây là chế độ ngủ trưa tồi tệ.
Dưới tác động của việc ngủ trên một tiếng và không có kế hoạch sẽ gây tổn thương mạch máu não, nguy cơ đột quỵ cấp tăng 146%.
3. Ngủ trưa sau khi ăn
Wu Xi, Phó trưởng khoa Nội tiết của Bệnh viện Hoa Sơn trực thuộc Đại học Phúc Đán, cho biết ngay sau khi ăn trưa, một lượng lớn máu trong cơ thể dồn xuống dạ dày, lượng oxy cung cấp cho não giảm đáng kể, ngủ ngay lập tức sẽ khiến lượng máu cung cấp cho não không đủ. Ngoài ra, lúc này một lượng lớn thức ăn tích tụ trong dạ dày, nếu nằm ngủ trưa ngay dễ dẫn đến trào ngược thức ăn trong dạ dày, không có lợi cho việc tiêu hóa hoàn toàn thức ăn, gây tổn thương thực quản.
4. Ngủ trưa sai giờ
Hiện tượng này thường xảy ra vào cuối tuần. Zhang Jun, phó giáo sư tại Trung tâm Sức khỏe Tâm thần của Bệnh viện Tây Trung Quốc thuộc Đại học Tứ Xuyên, cho biết nếu bạn ngủ trưa vào buổi chiều rất dễ gây rối loạn đồng hồ sinh học, dẫn đến việc đi ngủ muộn hơn vào ban đêm. Kết quả là tinh thần của bạn không tốt trong ngày hôm sau.
5. Uống quá nhanh
Huang Li, giám đốc Khoa Tim mạch của Y học cổ truyền Trung Quốc và Tây y tổng hợp tại Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc – Nhật Bản cho biết nếu uống quá nhiều nước một lúc, nước sẽ nhanh chóng đi vào máu dễ làm tăng gánh nặng cho tim, gây ra các triệu chứng như tức ngực, hụt hơi, khó thở.
6. Chỉ uống khi khát
Sau khi cơ thể con người bị mất nước, máu trở nên nhớt hơn và lưu thông chậm hơn, điều này làm tăng khả năng mắc các bệnh tim mạch. Khi cảm thấy khát tức là cơ thể đã ở trạng thái mất nước nhẹ, độ nhớt của máu tăng lên. Vì vậy, bạn cần uống đủ nước thay vì đợi khát mới uống.
7. Thay nước lọc bằng đồ uống có đường
Nhiều người luôn cảm thấy vô vị khi uống nước đun sôi và thích uống nước giải khát thay nước lọc. Nhưng tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường dễ dẫn đến béo phì, từ đó có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe hơn. Trên thực tế, nước đun sôi là thức uống tốt nhất trong cuộc sống hàng ngày.
8. Tập thể dục sau khi ăn no
Yang Feiyan, Phó trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, cho biết sau khi ăn no, đặc biệt là sau khi ăn nhiều đạm, nhiều chất béo, máu sẽ tập trung nhiều hơn ở đường tiêu hóa. Nếu vận động mạnh vào thời điểm này sẽ dẫn đến cơ tim không được cung cấp đủ máu, thiếu máu cơ tim, đau thắt ngực thậm chí là nhồi máu cơ tim. Những người mắc bệnh tim mạch vành cần đặc biệt lưu ý.
9. Thường xuyên tập nặng
Zhou Jianping, bác sĩ chuyên khoa hô hấp tại Bệnh viện Ruijin trực thuộc Đại học Y khoa Giao thông Thượng Hải, chỉ ra tiêu cơ vân có thể xảy ra sau khi tập thể dục cường độ cao, đặc biệt là trong môi trường ẩm ướt và ngột ngạt, do tập quá tải và cường độ cao.
Tiêu cơ vân là tổn thương phá hủy các tế bào cơ vân, giải phóng các chất là thành phần của tế bào cơ vân vào trong máu như myoglobin, phospho.
10. Không khởi động kỹ trước khi tập
Li Wenhui, phó trưởng khoa Nội tiết của Bệnh viện Đại học Y Liên minh Bắc Kinh, chỉ ra rằng trước khi tập thể dục, cơ bắp vẫn đang ngủ. Trước khi bạn vận động, hãy đánh thức các cơ bằng cách khởi động. Nhờ vậy, các cơ được thức dậy, tham gia tốt hơn vào chuyển động phối hợp của các nhóm cơ.
11. Tập thể dục bên đường
Đường phố có khói bụi bay mù mịt. Vì vậy, tập thể dục bên lề đường sẽ hít phải nhiều khói bụi, khí độc hại, nên tập ở những nơi yên tĩnh, sạch sẽ như công viên, sân vận động.
12. Ăn quá nhanh
Wei Guo, bác sĩ điều trị tại Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Đông Phương thuộc Đại học Y học cổ truyền Trung Quốc Bắc Kinh, cho biết nguyên nhân cơ bản nhất khiến nhiều bệnh nhân viêm dạ dày mãn tính là do ăn uống thất thường và phàm ăn khi còn trẻ. Cách ăn này tạo gánh nặng cho đường tiêu hóa, lâu ngày sẽ dẫn đến suy giảm khả năng tiêu hóa và hấp thu, sụt cân, khó chịu đường tiêu hóa, viêm dạ dày.
14. Ăn quá nhiều muối
Sun Hao, bác sĩ trưởng của Trung tâm Ung thư Đường tiêu hóa của Bệnh viện Ung thư Trực thuộc Đại học Trùng Khánh, cho biết chế độ ăn nhiều muối có liên quan mật thiết đến sự xuất hiện của ung thư dạ dày. Lượng muối ăn của người trưởng thành không nên quá 5 gram mỗi ngày.
15. Thích ăn thịt nướng
Sun Hao, bác sĩ trưởng của Trung tâm Ung thư Đường tiêu hóa của Bệnh viện Ung thư Trực thuộc Đại học Trùng Khánh, cho biết trong thực hành lâm sàng, ông cùng cộng sự phát hiện ra rằng hơn một nửa số bệnh nhân ung thư dạ dày từ 30 đến 40 tuổi có thói quen ăn thịt nướng.
16. Vừa đi vừa ăn
Li Zhihong, bác sĩ trưởng khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Dongzhimen thuộc Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc Bắc Kinh, cho biết vừa đi vừa ăn sẽ làm tổn thương dạ dày. Hít phải bụi không chỉ làm tăng đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đường tiêu hóa như kiết lỵ và viêm ruột, mà còn gây ra viêm dạ dày bề mặt mãn tính, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, chứng khó tiêu và các bệnh khác. Nếu bạn vừa đi bộ vội vàng vừa ăn, điều này còn gây ra viêm ruột thừa. Các tai nạn như hóc, nghẹn cũng có thể xảy ra.
Theo Hằng Trần (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H