Phụ nữ bị viêm âm đạo, viêm cổ tử cung hay có u xơ tử cung nên được xử lý sớm trước khi quyết định mang thai để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ lẫn con.
Mang thai là giai đoạn quan trọng trong cuộc đời người phụ nữ. Việc chăm sóc trước và sau sinh có liên quan đến sự phát triển sau này của con. Vì thế, cha mẹ sẽ có nhiều bước chuẩn bị trước khi quyết định sinh con. Chẳng hạn, trước khi mang thai, người phụ nữ nên tiến hành kiểm tra các bệnh liên quan và điều trị chúng, bởi khi mang bầu, sức đề kháng của cơ thể sẽ yếu đi. Khi bệnh tái đi tái lại có thể sẽ gây ra phiền toái cho sự phát triển của thai phụ và thai nhi.
Do đó, nếu trước khi mang thai, phụ nữ phát hiện mắc một trong các bệnh phụ khoa sau thì nên điều trị trước để có thai kỳ khỏe mạnh.
1. Viêm âm đạo
Nguyên nhân gây viêm âm đạo là do bản thân môi trường âm đạo có tính axit yếu, lượng vi sinh vật nhiều, đặc biệt khi bị tác động bởi các yếu tố như hành kinh hay không vệ sinh sạch sẽ khi quan hệ tình dục, khiến niêm mạc âm đạo bị tổn thương, mất cân bằng pH.
Viêm âm đạo là tình trạng xảy ra khá phổ biến và tương đối khó chữa. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời trước khi mang thai, người phụ nữ dễ gặp một số khó chịu, đồng thời có thể khiến thai nhi ngừng phát triển, sảy thai.
2. Viêm cổ tử cung
Cổ tử cung là bộ phận của tử cung nằm trong âm đạo, không chỉ là nơi máu kinh nguyệt chảy ra mà còn là phần ống mềm mại khi sinh nở. Do cổ tử cung có vai trò quan trọng trong chức năng sinh sản, cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh tình trạng viêm tử cung.
Trước hết, cổ tử cung có đặc điểm sinh lý là rất dễ ẩn chứa chất bẩn, nếu không kịp thời vệ sinh sạch sẽ thì virus, vi khuẩn sẽ sinh sôi, trước hết gây viêm nhiễm âm đạo, sau là gây viêm cổ tử cung. Thứ hai, phá thai nhiều lần, giao hợp quá sớm cũng có thể dẫn đến viêm cổ tử cung.
Viêm cổ tử cung nếu không được chữa trị dứt điểm, đến lúc người phụ nữ mang thai, sức đề kháng giảm sút, căn bệnh này có thể tái phát. Trong quá trình bầu bí, viêm cổ tử cung sẽ gây ra tình trạng bạch cầu được tiết ra nhiều hơn, khiến tử cung co bóp, dễ có nguy cơ sinh non.
3. U xơ tử cung
Về mặt lâm sàng, u xơ tử cung là khối u lành tính phổ biến, nhìn chung chỉ cần khám sức khỏe định kỳ.
Tuy nhiên, nếu đã có kế hoạch chuẩn bị mang thai, chị em nên tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên môn. Theo dữ liệu lâm sàng, nội tiết tố trong cơ thể dao động mạnh sau khi mang thai rất có thể khiến khối u xơ vỡ ra và phát triển, gây sa dạ con, có thể dẫn đến sảy thai. Vì vậy, tốt nhất khi có ý định sinh con, nên phẫu thuật loại bỏ u xơ tử cung để có thể đảm bảo an toàn cho thai kỳ.
4. Viêm phần phụ
Phần phụ trong cơ quan sinh sản phụ nữ là ống dẫn trứng và buồng trứng. Viêm ống dẫn trứng, viêm buồng trứng là hiện tượng tương đối phổ biến ở phụ nữ đang tuổi sinh con. Tuy nhiên, nếu không chú ý, tình trạng viêm nhiễm trở nên nặng hơn dễ dẫn đến tắc nghẽn ống dẫn trứng, làm giảm khả năng thụ thai.
Do đó, viêm phần phụ phải được chữa khỏi hoàn toàn trước khi mang thai, để tránh tình trạng viêm nhiễm ảnh hưởng đến quá trình thụ thai.
Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H