Ốc là món ăn được nhiều người yêu thích tuy nhiên không phải ai cũng nên ăn ốc. Dưới đây là những người không nên ăn ốc.
Ốc là món ăn vặt khoái khẩu của nhiều người. Về dinh dưỡng, ốc ít chất béo, giàu protein và vitamin cùng khoáng chất cần thiết cho cơ thể như magie, selen, vitamin E và phốt pho. Thơm ngon, bổ dưỡng nhưng có một số người được khuyến cáo không nên ăn ốc.
Những người không nên ăn ốc
Người hay bị dị ứng: Người hay bị dị ứng khi ăn cua, ốc rất dễ bị dị ứng với các triệu chứng như mề đay, ngứa, nôn nao, phù nề mặt, đau quặn bụng, nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy, khó thở… Lúc này, bệnh nhân nên đi đến bệnh viện để kiểm tra, và từ đó nên tránh xa cua, ốc.
Người mắc bệnh tiểu đường, thận, huyết áp cao: Trong ốc chứa nhiều natri và khi hàm lượng natri cao sẽ khiến bệnh tiểu đường, thận và huyết áp cao nặng thêm. Vì vậy, những người bị bệnh này nên hạn chế ăn cua, ốc.
Những người bị ho hoặc hen suyễn: Người bị ho hoặc bệnh hen suyễn nếu ăn hải sản, đặc biệt là cua ốc thì bệnh sẽ càng nặng thêm. Vì vậy, nên tránh ăn hải sản để bảo vệ cơ thể luôn khỏe mạnh.
Phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú: Phụ nữ mang thai và đang cho con bú không nên ăn ốc. Bởi ốc có tính hàn, ăn vào có thể gây đau bụng.
Ốc tốt cho sức khỏe nhưng có những người được khuyến cáo không nên ăn ốc. Ảnh: VTC.
Người bị bệnh gout, viêm khớp: Những người bị gout, viêm khớp cũng nên tránh xa ốc nếu không muốn bệnh phát tác và gây đau đớn.
Những điều cần lưu ý khi ăn ốc
Ốc là món ăn vặt khoái khẩu của nhiều người. Về dinh dưỡng, ốc ít chất béo, giàu protein và vitamin cùng khoáng chất cần thiết cho cơ thể như magie, selen, vitamin E và phốt pho. Tuy nhiên, ốc lại có rất nhiều ký sinh trùng sinh sống có thể gây bệnh cho con người, chẳng hạn như nhiễm giun lươn, sán lá gan (bao gồm sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn), sán lá ruột, sán máng…
Các bệnh ký sinh trùng từ ốc thường nhắm vào nhiều cơ quan như phổi, gan, mật, ruột, não và thận dẫn đến những đáp ứng miễn dịch quá mức, gây ung thư, suy nội tạng, vô sinh hay thậm chí là tử vong.
Các loài ốc là vật chủ trung gian trong chu kỳ sống của rất nhiều loại ký sinh trùng và chúng sống rất dai, chỉ bị tiêu diệt khi ở nhiệt độ cao trong thời gian dài. Do đó, khâu chế biến ốc rât quan trọng. Bạn cần đảm bảo rằng trước khi chế biến ốc phải được ngâm trong nước gạo, nước chanh, giấm hay ớt để ốc nhả hết những chất bẩn kèm theo một ít sinh vật sống ký sinh.
Khi luộc, phải luộc sôi kỹ để tiêu diệt hết những ấu trùng giun sán còn trong ốc. Nhất là khi chúng ta hấp, luộc, xào… hãy chắc chắn ốc đã chín trước khi ăn.
Theo Zing – Ảnh: T.H