Rau củ sấy khô, bánh đậu xanh, bột đậu nành, khô heo hay bò có vẻ tốt cho sức khỏe nhưng thực ra là chất tạo ngọt lớn, dễ làm tăng vọt lượng đường trong máu.
1. Rau, củ, quả sấy khô
Nhiều bệnh nhân tiểu đường cho rằng rau củ quả sấy khô tốt cho sức khỏe nên coi những thực phẩm này như đồ ăn vặt.
Tuy nhiên trên thực tế, mọi loại rau củ quả sấy trên thị trường đều cần được sấy khô bằng không khí và nướng trước khi đóng gói và bày bán. Trong quá trình này, hầu hết chúng được thêm đường, muối, dầu thực vật và các loại gia vị khác, đồng thời chất xơ trong rau củ cũng bị phá hủy, khiến chỉ số đường huyết của những thực phẩm như vậy tăng lên đáng kể.
Do đó, bệnh nhân tiểu đường cần hiểu rõ và kiểm soát liều lượng khi chọn rau củ quả sấy khô làm đồ ăn vặt.
2. Bánh đậu xanh
Giống các loại bánh khác, bánh đậu xanh cũng được nêm thêm chất béo, đường, muối… trong quá trình chế biến. Dù không thêm đường thì bản thân tinh bột trong món bánh này cũng rất cao, sẽ chuyển hóa thành glucose để cơ thể hấp thụ.
Thông thường, 100 gram bánh đậu xanh dao động từ 350 đến 400 calo, trong đó tinh bột chiếm tới 73,8%. Ngoài ra, hàm lượng muối trong loại bánh này cũng không hề thấp. Do vậy, bánh đậu xanh là món ăn vặt dễ làm tăng lượng đường trong máu.
3. Thịt khô
Các món ăn vặt như khô bò, khô heo tưởng chừng không liên quan gì đến đường, nhưng trên thực tế, người sản xuất sẽ cho thêm đường vào để thịt ngon hơn, mềm hơn. Các thành phần gia vị khác như muối ăn, bột ngọt cũng được sử dụng để tạo vị ngon cho món ăn.
Vì vậy, người tiêu dùng, đặc biệt những người đang mắc bệnh tiểu đường, cần chú ý bảng thành phần trong các món thịt khô để hạn chế lượng tiêu thụ.
4. Bánh quy hạt thô
Các loại bánh quy hạt thô hầu hết được làm từ một lượng nhỏ ngũ cốc thô, trong khi thành phần chính là bột mì.
Bánh quy hạt thô nhìn chung có hương vị thơm ngon. Do được bổ sung nhiều chất béo nên dù không thêm đường, loại bánh này cũng chứa nhiều chất béo và năng lượng, khi ăn nếu không kiểm soát dễ làm chỉ số đường huyết tăng nhanh, không tốt cho bệnh nhân tiểu đường.
5. Bột yến mạch ăn liền, bột ngô
Nhiều bệnh nhân tiểu đường nghĩ rằng bột yến mạch và bột ngô là những loại ngũ cốc không làm tăng lượng đường trong máu. Trên thực tế, bột yến mạch ăn liền và bột ngô đã được chế biến kỹ để tạo mùi vị, chất xơ đã bị phá hủy nên không thể đạt được hiệu quả bổ sung chất xơ.
Hơn nữa, một số sản phẩm còn cho thêm nhiều đường, hương vị, hoa quả sấy khô… càng làm tăng lượng đường trong máu sau khi tiêu thụ. Vì vậy, ngay cả những sản phẩm “không đường” này cũng có chỉ số đường huyết rất cao.
Bệnh nhân tiểu đường nên chọn loại bột yến mạch thô chỉ có thành phần là bột yến mạch nguyên hạt hoặc cán vỡ.
6. Bột mè, bột đậu nành
Bột mè và bột đậu nành không được làm hoàn toàn từ mè đen hay đậu nành, mà hầu hết được cho thêm nhiều nguyên liệu, phổ biến nhất là đường.
Ngay cả khi không thêm đường, nó vẫn có khả năng tăng đường mạnh. Thông thường, quá trình rang và xay sẽ phá hủy hoàn toàn cấu trúc vật lý của ngũ cốc thô nên quá trình hồ hóa (tinh bột được hòa trộn với nước) diễn ra rất nhanh và khả năng tăng đường rất mạnh.
Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H