Bệnh thận mạn tính ảnh hưởng đến 1/10 người trên toàn thế giới. Nghiên cứu mới cho thấy việc bổ sung axit béo omega-3 từ cá vào chế độ ăn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh này.

Người tiêu thụ hàm lượng lớn omega-3 từ hải sản trong chế độ ăn có nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính thấp hơn 8%. Ảnh: Pexels.

Theo Medical News Today, bệnh thận mạn tính ảnh hưởng đến hơn 10% dân số toàn cầu, tương đương khoảng 850 triệu người. Bệnh này phổ biến hơn ở người lớn tuổi và người có các yếu tố nguy cơ như bệnh tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim hay tiền sử gia đình bị suy thận.

Theo Viện Y tế Quốc gia, hơn 37 triệu người trưởng thành ở Mỹ có thể mắc bệnh thận mạn tính.

Tổn thương thận xảy ra trong thời gian dài, thường không gây ra triệu chứng lúc ban đầu. Cuối cùng, thận không thể lọc máu đúng cách, dẫn đến phù nề hoặc giữ nước vì thận không thể loại bỏ chất lỏng và muối dư thừa. Bên cạnh đó, người bị bệnh thận mạn tính có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong cao hơn.

Trước đây, các nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng axit béo omega-3 có lợi cho chức năng thận.

Gần đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học New South Wales (Sydney, Australia) phát hiện omega-3 từ hải sản có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính ở mức độ vừa và làm chậm chức năng thận. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMJ.

Mối liên hệ giữa omega-3 và bệnh thận mạn tính

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của 19 nghiên cứu trước đến từ 12 quốc gia để đánh giá mối liên quan giữa axit béo không bão hòa đa chuỗi dài omega-3 (còn được gọi là n-3 PUFAs) và bệnh thận mạn tính.

Họ ước tính tốc độ lọc cầu thận (eGFR) tại thời điểm ban đầu và các lần tái khám, đồng thời xác định bệnh thận mạn tính có eGFR giảm xuống dưới 60 ml/phút/1,73 m2. eGFR đo mức độ thận loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể, độ lọc khỏe mạnh là 90-120 ml/phút/1,73 m2.

Có tổng cộng 25.570 người tham gia ở độ tuổi 49–77 khi bắt đầu nghiên cứu. Nhìn chung, 4.944 người (19,3%) đã phát triển bệnh thận mạn tính trong thời gian theo dõi, trung bình là 11 năm.

Nghiên cứu phát hiện người tiêu thụ hàm lượng lớn omega-3 từ hải sản trong chế độ ăn có nguy cơ mắc bệnh này thấp hơn 8%. Trong khi đó, người có tổng mức n-3 PUFA trong hải sản thuộc top 5 cao nhất có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn 13% so với người thuộc top 5 thấp nhất.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ với ba loại omega-3 riêng lẻ từ hải sản bao gồm axit eicosapentaenoic (EPA), axit docosahexaenoic (DHA) và axit docosapentaenoic (DPA).

Tiến sĩ Shree Mulay, Giám đốc điều hành, bác sĩ chuyên khoa thận tại The Kidney Experts (Mỹ), người không tham gia vào nghiên cứu, chia sẻ: “Thật thú vị khi khám phá việc ăn hải sản giàu chất béo có thể tăng lượng PUFA và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh thận mạn tính hay không. Nhưng bạn cần thận trọng vì nhiều loại cá có chứa phốt pho, khoáng chất nên giữ ở mức thấp đối với bệnh nhân lọc máu và người mắc thận mạn tính giai đoạn cuối”.

benh than man tinh anh 1

Cá béo vùng nước lạnh chứa nhiều n-3 PUFA nhất. Ảnh: Pexels.

Hạn chế của nghiên cứu

Đây chỉ là nghiên cứu quan sát, mặc dù nó mang lại phát hiện đầy hứa hẹn, kết quả không chỉ ra mối quan hệ nhân quả.

“Phát hiện của chúng tôi mang tính quan sát cũng như không chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa n-3 PUFA trong hải sản và nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Tuy nhiên, nghiên cứu hỗ trợ và phù hợp với các hướng dẫn lâm sàng để khuyến nghị mọi người ăn đủ hải sản như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh”, tiến sĩ Kwok Leung Ong, nghiên cứu viên cao cấp tại trường Khoa học Y sinh, Đại học New South Wales, chia sẻ.

Trong khi đó, tiến sĩ Eamon Laird, làm việc tại Đại học Trinity, Dublin (Ireland), người không tham gia vào nghiên cứu, cho rằng những phát hiện này gây tranh cãi vì nhiều hợp chất khác có thể có tác dụng tương tự.

“Tác giả đã không tính đến các yếu tố khác trong chế độ ăn uống bao gồm vitamin (như vitamin D) và khoáng chất có trong cá. Chúng cũng có lợi ích chống viêm”, tiến sĩ Laird nói.

Hàm lượng omega-3 cần tiêu thụ hàng tuần

Theo Hướng dẫn Chế độ Ăn uống cho Người Mỹ, người trưởng thành nên ăn 225-280 g, hoặc 2-3 phần hải sản mỗi tuần. Trẻ em nên ăn 57-85 g mỗi tuần để hạn chế tiếp xúc với methyl thủy ngân. Hiệp hội Tim mạch Mỹ cũng đưa ra lời khuyên tương tự. Tuy nhiên, tính trung bình, người Mỹ ăn ít hơn một nửa số đó.

Hầu hết loại hải sản đều chứa một số n-3 PUFA. Nhưng hàm lượng chất này cao nhất được tìm thấy trong các loại cá béo vùng nước lạnh như cá hồi, cá cơm, cá trích, cá thu, cá ngừ và cá mòi.

Mọi người cũng có thể nhận được omega-3 có nguồn gốc từ hải sản thông qua uống bổ sung dầu cá. Đối với người ăn chay, hạt chia, hạt lanh hay quả óc chó có nhiều alpha lipoic axit (ALA), một số trong đó cơ thể chuyển đổi thành EPA và DHA.

DHA và EPA đều được cho là có tác dụng giảm viêm, có liên quan đến nhiều tình trạng mạn tính như bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim và các rối loạn tự miễn dịch khác.

Vì vậy, mặc dù nghiên cứu này không chứng minh một cách thuyết phục việc ăn hải sản sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính, đối với hầu hết mọi người, tiêu thụ thực phẩm này (đặc biệt là cá béo) có nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể.

Theo Nam Giao (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link