Đột quỵ có 2 dạng là là đột quỵ thiếu máu não và xuất huyết não. Đột quỵ gây ra do tình trạng mạch máu não bị tắc nghẽn đột ngột, khiến các tế bào não chết, mất chức năng thần kinh.
Khi tắc nghẽn mạch máu lớn trong thời gian dài, số lượng tế bào não chết với thể tích lớn có thể dẫn đến hiện tượng phù nề, gây ảnh hưởng đến ý thức, hôn mê và dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Mỗi năm, có khoảng 14.000-15.000 bệnh nhân đột quỵ nhập viện, 90% trong số đó đều có nguyên nhân. Các trường hợp đột quỵ không tìm được nguyên nhân rất ít.
Ví dụ, huyết áp cao lâu năm cũng là nguy cơ tiềm tàng đột quỵ. Khi một người đến khám bệnh có huyết áp cao đến 240 mmHg nhưng vẫn không có dấu hiệu bất thường. Chính sự bình thường này khiến người bệnh mất cảnh giác và không tuân thủ điều trị.
Những người người hút thuốc lá, béo phì, tiểu đường, rung nhĩ… đôi khi không quan tâm nhiều đến nguy cơ đột quỵ. Nếu những yếu tố này không được kiểm soát hữu hiệu, đột quỵ có khả năng xảy ra gần như chắc chắn ở những đối tượng này.
Đột quỵ hoàn toàn có thể phòng ngừa một cách hiệu quả nếu kiểm soát chặt chẽ và lâu dài các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, hút thuốc lá, béo phì…
Đột quỵ cũng dễ nhận biết. Nếu nhận biết được những triệu chứng của bệnh, đột quỵ có thể chẩn đoán được gần như 90%.
Hầu hết triệu chứng khởi phát là yếu, liệt nửa người cùng bên; đột ngột méo miệng, nói không rõ, đớ. Khi thấy bản thân hoặc người thân có 3 triệu chứng này, khả năng rất cao là đã bị đột quỵ.
Khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ, người thân không nên can thiệp bất cứ điều gì mà chỉ cần đưa họ đến bệnh viện cấp cứu.
PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) chia sẻ.
Theo Zing – Ảnh: T.H