Hoa mắt chóng mặt, đau đầu, tê chân tay hay mất thăng bằng… là những triệu chứng thường gặp của tình trạng thiếu máu não, cần được chú ý.
Thiếu máu não là tình trạng máu lên não kém, làm cho các tế bào não không được cung cấp đầy đủ oxy và những dưỡng chất cần thiết. Khi đó, các tế bào não không có đủ năng lượng để thực hiện chức năng sống của chính nó. Dưới đây là các biểu hiện chính của thiếu máu não.
1. Hoa mắt chóng mặt
Chóng mặt là một trong những triệu chứng thường gặp nhất và cũng dễ được mọi người chú ý hơn cả khi lưu lượng máu lên não không đủ. Bệnh nhân có thể bị choáng nhẹ hoặc chóng mặt, đi kèm với cảm giác ảo tưởng như thể họ hoặc các vật thể xung quanh đang quay hoặc rung lắc.
2. Đau đầu đột ngột
Khi máu không được cung cấp đủ lên não có thể gây đau đầu dữ dội, đặc biệt nếu do bệnh mạch máu não gây ra. Loại đau đầu này thường kéo dài trong một thời gian.
3. Mất tập trung và mất trí nhớ
Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc tập trung, suy giảm trí nhớ, suy nghĩ chậm chạp.
4. Cảm giác bất thường
Một số bệnh nhân bị suy não có thể bị dị cảm, chẳng hạn như tê, ngứa ran, cảm giác nóng rát… Những cảm giác bất thường này có thể xảy ra ở một vùng trên cơ thể, phổ biến nhất là ở tay, chân…
5. Tay chân yếu hoặc tê
Thiếu máu não có thể gây yếu hoặc tê ở một chi, thường với một bên cơ thể. Một số người có thể không kiểm soát được các cử động của cơ, đặc biệt là ở cánh tay, chân và mặt.
6. Mất khả năng nói hoặc khó nói
Mất khả năng nói hoặc khó nói cũng là những triệu chứng phổ biến của bệnh thiếu máu não. Bệnh nhân có thể không hiểu được lời người khác nói hoặc không diễn đạt được ý của mình. Điều này chủ yếu liên quan đến việc cung cấp máu không đủ, gây ảnh hưởng đến các vùng não tương ứng.
7. Mất thăng bằng và phối hợp
Thiếu máu lên não có thể cản trở sự thăng bằng và phối hợp vận động, khiến bệnh nhân cảm thấy không vững khi đi bộ và dễ ngã xuống đất…
8. Mất ý thức
Thiếu máu não nghiêm trọng có thể dẫn đến mất ý thức, thậm chí hôn mê. Trong trường hợp này, người bệnh cần được cấp cứu kịp thời và điều trị ngay tại bệnh viện.
Phòng ngừa thiếu máu não như thế nào?
1. Chế độ ăn uống lành mạnh
Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng có tác động tích cực đến việc cung cấp máu cho não. Nên ăn nhiều trái cây tươi, rau, cá, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu vitamin, nguyên tố vi lượng và chất xơ khác ở mức độ vừa phải.
2. Kiểm soát huyết áp
Huyết áp cao là nguyên nhân phổ biến của bệnh suy não. Huyết áp có thể được kiểm soát hiệu quả thông qua lối sống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, theo dõi chặt chẽ lượng muối ăn vào cơ thể, tập thể dục thường xuyên và tuân theo kế hoạch điều trị của bác sĩ.
3. Kiểm soát mỡ máu
Mức cholesterol và chất béo trung tính cao liên quan đến lưu lượng máu đến não kém. Kiểm soát hợp lý lượng chất béo bão hòa và cholesterol trong chế độ ăn uống kết hợp tích cực tham gia các hoạt động thể chất có thể giúp duy trì mức lipid máu trong phạm vi lành mạnh.
4. Không hút thuốc
Hút thuốc làm hỏng chức năng mạch máu, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và mạch máu não. Ngừng hút thuốc là một cách quan trọng để ngăn ngừa thiếu máu lên não.
5. Tập thể dục vừa phải
Duy trì các bài tập aerobic như đi bộ, đi bộ nhanh, bơi lội có thể giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và tăng cường lưu thông máu, có lợi cho việc cung cấp máu cho não.
6. Kiểm soát bệnh tiểu đường
Lượng đường trong máu cao làm suy giảm chức năng mạch máu và tăng nguy cơ thiếu máu não. Đối với bệnh nhân đái tháo đường, việc kiểm soát kịp thời lượng đường trong máu rất quan trọng.
Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H