TS Trương Hồng Sơn khuyến cáo không chỉ tác động về mặt thể chất, uống quá nhiều đồ uống có đường còn ảnh hưởng đến cảm xúc, tinh thần của trẻ em.

Theo chia sẻ, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho hay hiện chưa có số liệu về lượng tiêu thụ nước ngọt cụ thể ở trẻ em tại nước ta. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy tiêu thụ đồ uống có đường ở trẻ em nhiều hơn so với người trưởng thành.

Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh năm 2013 và 2019 cho thấy tỷ lệ học sinh Việt Nam 13-17 tuổi uống nước ngọt thường xuyên (ít nhất 1 lần/ngày) đã tăng nhanh.

Đầu độc thể chất lẫn tinh thần

Theo TS Sơn, đồ uống có đường không mang lại cảm thấy no. Bởi trong đồ uống có đường thường chứa đường Fructose. Fructose không làm giảm hormone đói ghrelin hoặc kích thích cảm giác no giống như glucose. Do đó, trẻ vô tình tiêu thụ lượng đồ uống cao, kéo theo nguy cơ thừa cân.

Chuyên gia cho hay các nghiên cứu ở trẻ em đã chỉ ra uống nước ngọt hàng ngày có liên quan việc tăng 60% nguy cơ béo phì.

Bên cạnh đó, lượng đường trong nước ngọt khá lớn, buộc các tế bào tuyến tụy phải tăng tiết insulin để chuyển hóa đường. Tình trạng này kéo dài dễ dẫn tới hiện tượng kháng insulin – gây đái tháo đường, kể cả ở trẻ nhỏ.

do uong co duong anh 1

Không chỉ tác động về mặt thể chất, uống quá nhiều đồ uống có đường còn ảnh hưởng đến cảm xúc, tinh thần của trẻ em. Ảnh: iStock.

Đặc biệt, sâu răng là vấn đề thường gặp ở trẻ em và đồ uống có đường là một trong những tác nhân quan trọng.

“Tiêu thụ soda có liên quan gần gấp đôi nguy cơ sâu răng ở trẻ em và tăng khả năng bị sâu răng ở người lớn. Sâu răng không được điều trị có thể dẫn đến đau, nhiễm trùng và mất răng”, TS Sơn khuyến cáo.

TS Sơn lưu ý không chỉ tác động về mặt thể chất, uống quá nhiều đồ uống có đường còn ảnh hưởng đến cảm xúc, tinh thần của trẻ. Một số nghiên cứu chỉ ra mối liên kết việc tiêu thụ nước ngọt với các vấn đề sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên. Cụ thể, uống nước ngọt thường xuyên có liên quan đến việc gây hấn nhiều hơn, hiếu động thái quá và hành vi chống đối, trầm cảm và hành vi tự tử ở thanh thiếu niên từ Hoa Kỳ, Na Uy, Slovakia, Iran và Trung Quốc.

Một nghiên cứu xuyên quốc gia khác gần đây cho thấy mối liên hệ giữa mức tiêu thụ nhiều đường của thanh thiếu niên (từ nước ngọt và đồ ngọt) với việc đánh nhau, bắt nạt và sử dụng chất gây nghiện ở 24 trong số 26 quốc gia được nghiên cứu.

Ngoài ra, trẻ uống quá nhiều nước ngọt có ga sẽ đối diện với nguy cơ gây còi xương, thấp bé và thiếu dinh dưỡng. Do nước ngọt có ga làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu, dẫn tới tình trạng trẻ bị thiếu canxi, không đủ canxi để tăng chiều cao. Đồng thời, khi uống đồ uống có ga hằng ngày dễ dẫn tới lười ăn. Trẻ không chịu uống sữa và ăn trong các bữa chính, gây thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng.

Tránh xa tác nhân độc hại

Theo bác sĩ Trương Hồng Sơn, uống nước ngọt có ga có thể bị nghiện. Lý do là đường trong nước ngọt kích thích giải phóng dopamine – chất dẫn truyền nội tiết thần kinh trong não, khiến cơ thể cảm thấy vui vẻ, khỏe khoắn hơn. Về lâu dài, cơ thể sẽ bị lệ thuộc (nghiện) loại thức uống này. Đó là lý do nhiều người, nhất là trẻ em rất thích uống loại nước này.

Hiện đồ uống có đường ngày càng đa dạng về chủng loại, có thể dễ dàng mua với giá thành phù hợp với nhiều tầng lớp dân cư. Bác sĩ Sơn cho rằng đây là tình trạng đáng báo động gây ra nhiều tác hại lâu dài cho sức khỏe.

“Cần có các giải pháp nhằm giảm mức gia tăng tiêu dùng, cải thiện nhận thức, quan điểm và thực hành của cộng đồng hướng tới tiêu thụ đồ uống có đường hợp lý là cần thiết để góp phần giảm nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh không lây nhiễm ở nước ta”, chuyên gia khuyến nghị.

Về phía trẻ em, ông khuyến cáo cha mẹ nên cho con sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt. Đồng thời, trẻ cần được ưu tiên những đồ uống từ sữa ít béo hoặc không béo, không đường hoặc ít đường. Nếu sử dụng nước ép trái cây, cha mẹ nên ưu tiên những trái cây ít ngọt và lưu ý không nên bổ sung thêm đường và muối vào đồ uống đó.

Theo Trịnh Phương (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link