Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thúy Anh, không khó để nhận thấy sự có mặt khá phổ biến của các loại thuốc ngủ khác nhau trên thị trường trong 5 năm trở lại đây.
Các loại thuốc ngủ khác nhau có vai trò tác động khác nhau lên não bộ, làm thay đổi chất dẫn truyền thần kinh trong não. Ảnh: Truhealinggaithersburg.
Vũ Lam Anh (nam, 20 tuổi, sinh viên) chia sẻ thường gặp mất ngủ vào khoảng thời gian thi cử. Dù cố gắng, Lam Anh vẫn rất khó vào giấc mỗi khi lên giường. Mất ngủ khiến cậu trở nên mệt mỏi, học không vào, từ đó có kết quả thi không được như ý muốn. Sau đó, nam sinh viên đã hỏi ý kiến bố mẹ về việc mua thuốc ngủ để sử dụng.
Kiều Thu Trang (nữ, 31 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng gặp triệu chứng mất ngủ. Cô gái trẻ thường trằn trọc rất nhiều giờ. Gần sáng, cô mới có thể chìm vào giấc ngủ nhưng lại phải dậy ngay sau đó để đi làm. Triệu chứng này kéo dài suốt 5 ngày liên tiếp khiến Trang lo lắng và tự mua thuốc ngủ về để uống.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thúy Anh – Bệnh viện Tâm thần Hà Nội – đánh giá đây có thể được coi là một trường hợp mất ngủ cấp tính. Tức mất ngủ mới xuất hiện trong vòng 7 ngày. Trong các trường hợp này, người bệnh có thể khắc phục bằng cách điều chỉnh các thói quen sinh hoạt, tạo điều kiện tốt cho giấc ngủ (còn gọi là hoạt động “vệ sinh giấc ngủ”).
Theo chuyên gia này, mất ngủ xuất hiện trong thời gian ngắn có thể liên quan yếu tố stress, căng thẳng trong cuộc sống, các thay đổi trong công việc – gia đình – mối quan hệ. Vì vậy, việc quan sát, nhận diện các thay đổi khiến bạn dễ cảm thấy lo lắng, từ đó điều chỉnh những yếu tố này cũng giúp cải thiện giấc ngủ.
Trong một số trường hợp, người bệnh có thể sử dụng một số loại trà, thảo dược, thuốc có nguồn gốc thiên nhiên có tác dụng hỗ trợ tạo giấc ngủ.
Cơ chế hoạt động của những loại thuốc ngủ
Từ việc tự ý sử dụng thuốc ngủ của 2 trường hợp trên, thạc sĩ Thúy Anh cho hay hiện không khó để nhận thấy sự có mặt khá phổ biến của các loại thuốc ngủ khác nhau trên thị trường trong 5 năm trở lại đây, bao gồm các loại thuốc kê đơn và thuốc có nguồn gốc tự nhiên không cần kê đơn.
Theo thạc sĩ Thúy Anh, các loại thuốc ngủ khác nhau có vai trò tác động khác nhau lên não bộ, làm thay đổi chất dẫn truyền thần kinh trong não, từ đó khiến người bị mất ngủ dễ đi vào giấc ngủ, ngủ sâu hơn.
Hiện trên thị trường, thuốc hay được kê đơn nhất là thuốc an dịu (Benzodiazepine, được biết đến phổ biến là Seduxen). Thuốc này tác động làm tăng quá trình sản xuất GABA – chất hóa học gây buồn ngủ.
Ngoài ra, người bệnh có thể tiếp cận các loại thuốc:
– Thuốc đối kháng Orexins: Orexins được biết là một chất làm tăng sự tỉnh thức. Thuốc đối kháng chất với chất này làm giảm nồng độ của Orexins trong não bộ, từ đó gây buồn ngủ một cách tự nhiên. Tuy nhiên, dạng thuốc này ít phổ biến hơn trên thị trường.
– Thuốc đồng vận Melatonin: Melatonin là một chất trong não bộ, có vai trò hỗ trợ tạo giấc ngủ sinh lý thông qua duy trì nhịp thức ngủ. Thuốc đồng vận chất này làm tăng hiệu quả của Melatonin tự nhiên trong não bộ, từ đó giúp người bị mất ngủ dễ đi vào giấc ngủ hơn. Thuốc này cũng không phổ biến trên thị trường.
– Thuốc ngủ có nguồn gốc tự nhiên (thực phẩm chức năng): Có chứa một hoặc nhiều thành phần thảo dược khác nhau nhằm hỗ trợ giấc ngủ. Cơ chế của các loại thuốc này không rõ ràng.
Nên được cân nhắc bởi các bác sĩ
Thạc sĩ Thúy Anh khuyến cáo: “Sử dụng thuốc ngủ giống như một con dao hai lưỡi. Sử dụng thuốc ngủ kéo dài không cần thiết có thể dẫn đến nguy cơ phụ thuộc thuốc, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác (tim mạch) hoặc chấn thương (tai nạn) do tác dụng không mong muốn của thuốc”.
Chuyên gia này khuyến nghị bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc. Đặc biệt, người trẻ không nên tự ý sử dụng thuốc ngủ một cách bừa bãi. Khi đối diện với những trường hợp sau, người bị mất ngủ nên đi khám sớm:
– Mất ngủ mới xuất hiện thường xuyên (trên 3 tối/tuần), người bị mất ngủ cảm thấy lo lắng quá mức (như 2 trường hợp kể trên).
– Mất ngủ kéo dài trên 3 tháng, gây ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng cuộc sống (mệt mỏi, dễ cáu gắt, không tập trung, khó ghi nhớ, giảm hiệu quả công việc hàng ngày, giảm chất lượng các mối quan hệ…).
– Mất ngủ bị che đậy bởi các nguyên nhân khác như lo âu, trầm cảm, bệnh lý cơ thể. Vì vậy, người bị mất ngủ nên đi khám sớm nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu khác – ăn uống kém, gầy sút cân, mệt mỏi, đau đầu, hồi hộp trống ngực… bên cạnh các vấn đề như khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu, dễ tỉnh giấc hoặc tỉnh giấc sớm.
“Nếu các suy nghĩ bất an về giấc ngủ xuất hiện liên tục gây căng thẳng, không ngủ được; hoặc tình trạng khó ngủ kéo dài, không cải thiện ngay cả khi đã sử dụng các loại thuốc ngủ thảo dược; cơ thể mệt mỏi nhiều dẫn đến ảnh hưởng tâm trạng, cách ứng xử, hiệu quả công việc, sinh hoạt hàng ngày, bạn nên tìm đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám”, thạc sĩ Thúy Anh khuyến cáo.
Theo Trịnh Phương (zing) – Ảnh: T.H