Chủ quan khi bị chó nhà cắn hay tiêm vaccine bệnh dại khiến trẻ còi cọc, chậm phát triển là những quan niệm không đúng về bệnh dại.
Người nhiễm virus dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Ảnh: Blog.healthypets.
Vào mùa nắng nóng, bệnh dại thường có xu hướng tăng cao. Trong đó, trẻ em là nhóm có nguy cơ cao nhiễm virus dại vì lứa tuổi này thường vuốt ve và chơi đùa với các loại động vật (như chó, mèo…).
Thời gian gần đây, liên tục nhiều địa phương phát đi cảnh báo về sự gia tăng các trường hợp bị chó dại cắn, thậm chí tử vong vì bệnh dại.
Những câu chuyện đau lòng khi người dân tử vong sau vài tháng bị chó cắn hay ám ảnh của bác sĩ khi chứng kiến người bệnh lên cơn dại và tử vong… vẫn thường xuyên diễn ra.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình huống như trên xuất phát từ tâm lý chủ quan, quan niệm sai lầm về căn bệnh này.
Những quan niệm sai lầm về dại
Hiện nay, một số người truyền tai nhau về các quan niệm không đúng về bệnh dại. Ví dụ, chúng ta không cần tiêm phòng sau khi bị chó nhà cắn vì chúng hoàn toàn khỏe mạnh, không thể mắc bệnh dại.
Một sai lầm khác là nhiều người cho rằng tiêm vaccine phòng bệnh dại khiến trẻ bị còi cọc, chậm lớn, giảm trí nhớ hay đắp lá… Thậm chí, có tin đồn truyền tai nhau uống thuốc nam có thể chữa bệnh dại.
Trong khi đó, bác sĩ Hồ Thị Hồng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đồng Nai, khẳng định chó hay mèo nuôi tại nhà cũng có khả năng mang mầm bệnh dại, không chỉ riêng các loại động vật hoang dã.
Cho đến hiện nay, tất cả loại vaccine phòng bệnh dại cho người đều là vaccine bất hoạt. Chúng phải trải qua loạt kiểm định về chất lượng như hiệu lực, độc tính, độ an toàn và vô trùng trước khi được phê duyệt sử dụng trên người.
Vì thế, đây là loại vaccine an toàn, không có bằng chứng khoa học về việc tiêm vaccine dại khiến trẻ còi cọc, chậm lớn, giảm trí nhớ như các quan điểm trên. Đồng thời, việc dùng thuốc Nam chữa khỏi bệnh dại cũng không có cơ sở khoa học.
Theo bác sĩ Hồng, hiện tại, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người nhiễm virus dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong chủ yếu là người bị động vật nghi dại cắn nhưng không đi tiêm phòng vaccine.
Ngoài ra, tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại trên đàn chó, mèo thấp hay công tác quản lý chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo là yếu tố gián tiếp làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Vaccine dại rất an toàn cho trẻ nhỏ. Ảnh: CDC Đồng Nai.
Sơ cứu khi nghi bị chó dại cắn
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đồng Nai, hàng năm, thế giới ghi nhận khoảng 60.000 ca tử vong do bệnh dại. Trong đó, 40% số ca tử vong do virus dại là ở trẻ em dưới 15 tuổi tại các nước châu Á và châu Phi. Riêng ở Việt Nam, giai đoạn 2017-2021, mỗi năm có khoảng 76 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Tại tỉnh Đồng Nai, trong 2 tháng đầu, 1.298 trẻ dưới 15 tuổi đã được tiêm phòng bệnh dại. Để chủ động phòng chống bệnh dại ở trẻ em, bác sĩ Hồng lưu ý phụ huynh cần dạy trẻ cách chơi an toàn với động vật, tránh để bị chúng cắn, cào hay liếm lên vùng da bị thương.
Ngoài ra, phụ huynh cần khuyên trẻ tránh tiếp xúc với các con vật đi lạc hoặc động vật hoang dã, không đùa nghịch, trêu chọc hay làm phiền các con vật và không nên lại gần xác động vật chết.
Đồng thời, phụ huynh cần hạn chế sự xâm nhập của các con vật lạ vào trong nhà bằng cách đóng cửa cẩn thận. Đối với các vật nuôi trong gia đình, mọi người phải cho chúng đi tiêm phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
Khi trẻ không may bị động vật cắn, cào, liếm, bác sĩ Hồng khuyến cáo phụ huynh nên bình tĩnh xử trí cẩn thận theo các bước sau:
– Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, bạn phải rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị động vật cào/cắn.
– Sau đó, bạn tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 45-70%, cồn iot hoặc povidone, iodine để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.
– Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
– Đưa nạn nhân đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Việc tiêm phòng là cách ngăn ngừa để không bị bệnh dại.
– Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Theo Nam Giao (zing) – Ảnh: T.H