Thường xuyên di chuyển bằng xe máy, da mặt của cô gái trẻ gặp những triệu chứng như tróc vảy, nứt nẻ và ngứa dữ dội.

Gần đây, da mặt T.P.L. (18 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) liên tục nổi sần, tróc vảy, khô rát và ngứa kéo dài. Những triệu chứng này khiến cô gái cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và mất tự tin. L. từng đi khám tại các phòng khám da liễu và Bệnh viện Da liễu Trung ương. Kết quả cho thấy đây là tình trạng viêm da.

Tuy nhiên, L. chia sẻ cô chỉ gặp tình trạng này khi ở Hà Nội. Đặc biệt, khi chất lượng không khí càng kém, da mặt cô càng trở nên xấu xí hơn. Ngược lại, khi L. rời khỏi nội thành, đi du lịch tới một số tỉnh, thành khác hoặc ngoại thành Hà Nội, các triệu chứng trên da dịu và lành lại. Lúc này, da L. đẹp ra thấy rõ.

P.T.H. (20 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hóa) hiện là sinh viên một trường đại học tại Hà Nội, cũng gặp tình trạng như trên. Bạn chia sẻ khoảng thời gian ở quê, da bạn mịn màng và không gặp bất cứ vấn đề nào bất thường. Nhưng khi lên Hà Nội học, da của bạn có hiện tượng kích ứng, nổi mụn bọc theo từng đợt.

khong khi anh huong da anh 1

Da của T.P.L. liên tục bị nổi sần, tróc vảy, khô rát và ngứa kéo dài khi ở Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thực tế, tình trạng này gặp ở nhiều người tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM với chất lượng không khí không tốt. Không khí ô nhiễm khiến da của nhiều người thay đổi theo chiều hướng xấu.

Ô nhiễm không khí là tác nhân xấu đối với da

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Liên, bộ môn Da Liễu, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, cho hay mức độ ô nhiễm có tác động đến làn da. Nó có thể gây stress cho da.

Theo cơ chế, da sẽ tiết dầu để tạo lớp màng bảo vệ và dẫn đến tình trạng bít tắc lỗ chân lông gây mụn trứng cá hoặc viêm nang lông. Khi nhiệt độ nóng, da còn trở nên khô, mất nước dẫn đến tình trạng bong tróc và lão hóa nhanh hơn.

“Một số bạn sẽ vệ sinh da thường xuyên hơn để làm sạch da nhưng vô tình làm cho da bị khô và có thể trở nên kích ứng gây nên tình trạng chàm”, thạc sĩ Liên khuyến cáo.

Theo tạp chí của Học viện Da liễu Mỹ JAAD, mặc dù da người hoạt động như một lá chắn sinh học chống lại các chất gây ô nhiễm không khí vật lý và hóa học có tính oxi hóa cao, việc tiếp xúc kéo dài hoặc lặp đi lặp lại với mức độ cao của các chất ô nhiễm này có thể có tác động tiêu cực sâu sắc đến da. Da tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí dẫn đến các tình trạng như:

Lão hóa sớm: Ô nhiễm không khí có thể làm hỏng collagen và elastin. Đây là những protein quan trọng giúp làn da trông trẻ trung và săn chắc.

Da khô và kích ứng: Các chất ô nhiễm có thể phá vỡ chức năng rào cản tự nhiên của da, dẫn đến tăng mất nước và viêm nhiễm.

Mụn trứng cá và các vấn đề về da khác: Ô nhiễm không khí cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mụn trứng cá và các vấn đề về da như da dị ứng, chàm, bệnh vảy nến. Do các chất ô nhiễm có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và làm tăng tình trạng viêm, dẫn đến nổi mụn.

Da không đều màu: Điều này do các chất ô nhiễm có thể kích thích sản xuất melanin, có thể dẫn đến tăng sắc tố da.

Ung thư da: Ngoài những tác động trên, ô nhiễm không khí cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư da. Điều này là do các chất ô nhiễm có thể làm hỏng DNA và dẫn đến đột biến có thể gây ung thư.

Bảo vệ da trước tác nhân xấu

Theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Liên, chúng ta có thể sử dụng một số cách để bảo vệ làn da khỏi tác hại của ô nhiễm không khí.

Trước tiên, bạn nên sử dụng kem chống nắng chất lượng tốt với chỉ số SPF ít nhất là 30 và thoa đều lên tất cả vùng da hở. Điều này sẽ giúp bảo vệ làn da của bạn khỏi cả tia UV và các chất ô nhiễm không khí.

Làm sạch da thường xuyên cũng là điều tối quan trọng trong chu kỳ dưỡng da. Bạn nên sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ để loại bỏ bụi bẩn, dầu và chất ô nhiễm khỏi da. Bạn nên đảm bảo rửa sạch mặt và các khu vực tiếp xúc khác ít nhất một lần một ngày, nhất là những người sống ở khu vực bị ô nhiễm.

Ô nhiễm không khí có thể khiến da bị khô và mất nước, vì vậy việc giữ ẩm cho da rất quan trọng. Sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp với loại da là cách phục hồi độ ẩm và giữ cho làn da khỏe mạnh.

Mặc quần áo bảo hộ như áo dài tay, quần dài và mũ để giúp che chắn làn da của bạn khỏi các chất ô nhiễm trong không khí.

Đặc biệt, bạn cần cố gắng tránh ở ngoài trời trong thời gian ô nhiễm cao điểm, chẳng hạn giờ cao điểm, tắc đường hoặc vào những ngày chất lượng không khí đặc biệt kém.

Ngoài ra, duy trì chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh cũng quan trọng để hỗ trợ sức khỏe làn da tổng thể của mỗi người.

Theo Trịnh Phương (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link