Chuyên gia cảnh báo nhịn ăn quá lâu hoặc quá thường xuyên có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng, cản trở quá trình sản xuất nội tiết tố, làm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.

Nhịn ăn gián đoạn – phương pháp giảm cân khá phổ biến vài năm trở lại đây – dựa trên nguyên tắc bỏ đói cơ thể trong một khoảng thời gian nhất định, buộc cơ thể phải đốt cháy mỡ thừa làm năng lượng. Phương pháp này có nhiều biến thể về khoảng thời gian nhịn như: 16 tiếng, 20 tiếng, 23 tiếng…

Nhịn ăn gián đoạn dựa trên cơ
Nhịn ăn gián đoạn được nhiều người nổi tiếng áp dụng như Kate Hudson, Jennifer Aniston, Nicole Kidman…

Theo khảo sát của International Food Information Council, cứ 10 người Mỹ lại có một người áp dụng nhịn ăn gián đoạn để cải thiện cân nặng. Phương pháp ăn uống này có thể giúp giảm cân, cải thiện vấn đề về đường huyết song cũng tồn tại một số nhược điểm liên quan đến kinh nguyệt, hormone của phụ nữ.

TikToker có tên Sparky cho biết đã ngừng chu kỳ kinh nguyệt vào năm 2021. Vào thời điểm đó, cô thường xuyên nhịn ăn trước 10 giờ sáng và sau 6 giờ chiều (nhịn 16 tiếng). “Nó hủy hoại nội tiết tố của tôi. Chắc chắn nó là một trong những nguyên nhân góp phần làm tôi mất kinh nguyệt”, Sparky cho hay.

Chuyên gia dinh dưỡng Kristine Crouch cũng kể lại việc thử nghiệm nhịn ăn gián đoạn trong quá khứ khiến cô bị ngừng kinh. Khi thấy dấu hiệu sức khỏe bất thường, Kristine đã tái thiết lập chế độ ăn uống bình thường. “Sau khi tôi ngưng nhịn ăn, kinh nguyệt đã trở lại và diễn ra đều đặn suốt nhiều năm qua”, cô nói.

Carolyn Williams, một chuyên gia dinh dưỡng ở Alabama, phân tích rằng quá trình cơ thể trải qua khoảng thời gian dài không có dinh dưỡng có thể dẫn đến thiếu hụt nội tiết tố, khiến chu kỳ kinh nguyệt trở nên không đều hoặc ngừng hoàn toàn. Nhịn ăn quá lâu hoặc quá thường xuyên có thể làm gián đoạn quá trình sản xuất hai loại hormone: hormone tạo hoàng thể (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH). Quá nhiều hạn chế có thể làm các hormone không thể hoạt động bình thường bởi không có chất dinh dưỡng thích hợp. Nếu không có những hormone này, kinh nguyệt có thể diễn ra không đều đặn và trong một số trường hợp hiếm gặp hơn còn trở nên rối loạn. Khi không có kinh nguyệt, phụ nữ không thể rụng trứng, điều này làm giảm cơ hội mang thai.

Chuyên gia Carolyn Williams nói rằng nhu cầu calo của mỗi người khác nhau, nhưng dưới 1.200 calo mỗi ngày được coi là quá ít. Ngay cả khi áp dụng nhịn ăn gián đoạn vẫn cần đảm bảo đủ lượng calo, dinh dưỡng tối thiểu mà cơ thể cần.

Chuyên gia Carolyn gợi ý nên tiêu thụ protein nạc. các loại hạt, trái cây, rau lá xanh đậm, các loại hạt đậu... để đảm bảo dinh dưỡng và hạn chế những nhược điểm liên quan đến nội tiết tố trong quá trình áp dụng nhịn ăn gián đoạn.
Chuyên gia Carolyn gợi ý nên tiêu thụ protein nạc, các loại hạt, trái cây, rau lá xanh đậm, các loại hạt đậu… để đảm bảo dinh dưỡng và hạn chế những nhược điểm liên quan đến nội tiết tố trong quá trình áp dụng nhịn ăn gián đoạn.

“Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, đó là dấu hiệu cho thấy bạn không ăn đủ calo. Bạn phải có đủ lượng calo để cơ thể hoạt động. Bạn cần nạp đủ calo để đốt cháy chất béo. Nếu bạn không nạp calo, cơ thể bạn sẽ ngừng hoạt động hoặc làm mọi thứ chậm lại vì nó không biết phải làm gì. Khi bạn đang ở trong khung giờ được ăn, điều thực sự quan trọng là phải cung cấp đủ lượng calo và đảm bảo lựa chọn thực phẩm chất lượng tốt, giàu dinh dưỡng. Nhịn ăn gián đoạn không có nghĩa cắt bỏ hay giảm quá nhiều calo, nó tập trung vào việc cho cơ thể một khoảng thời gian nghỉ ngơi nhất định”, chuyên gia phân tích bản chất của việc nhịn ăn gián đoạn.

Bà Carolyn khuyến nghị phụ nữ đang mang thai hoặc đang có kế hoạch mang thai và phụ nữ có tiền sử kinh nguyệt không đều tránh áp dụng nhịn ăn gián đoạn.

Theo Duk Sun (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link