Thông thường, nguyên nhân khiến nhiều người bị ho dai dẳng xuất phát từ cảm lạnh. Nếu tình trạng này kéo dài trên 3 tuần, đó có thể là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm khác.
Ho dai dẳng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều người. Ảnh: Houston Methodist.
Theo trang Times Of India, ho dai dẳng, ho mạn tính có thể kéo dài 8 tuần hoặc lâu hơn đối với người lớn và 4 tuần đối với trẻ em. Các biện pháp tự nhiên như uống trà mật ong hoặc thuốc không kê đơn được xem là cách giúp giảm ho hiệu quả, tùy thuộc vào nguyên nhân.
Dưới đây là những lý do đằng sau cơn ho mạn tính của mọi người.
Hệ quả từ nhiễm trùng trong quá khứ
Times Of India thông tin khi một người hết bị cảm lạnh hoặc cúm, họ vẫn có thể gặp triệu chứng ho dai dẳng. Ho là cách cơ thể làm sạch phổi với mục đích chữa bệnh.
Việc mắc Covid-19 cũng dẫn đến viêm phổi và ho khan. Times Of India khuyến cáo mọi người nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có các phương pháp điều trị hiệu quả trong trường hợp cơn ho kéo dài không dứt.
Hút thuốc
Các hóa chất và hạt trong khói thuốc lá có thể gây kích ứng cổ họng, dẫn đến ho mạn tính. Ngoài ra, nó cũng làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hen suyễn và nhiễm trùng đường hô hấp.
Biểu hiện ho của người hút thuốc có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Kể cả việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng có thể dẫn đến ho, thở khò khè và khó thở.
Viêm phổi
Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng phổi do virus, nấm hoặc vi khuẩn gây ra. Nó có thể dẫn đến ho khan hoặc ho có đờm màu xanh lá, vàng, thậm chí là máu. Đi cùng với ho, các triệu chứng khác của viêm phổi có thể bao gồm sốt, đổ mồ hôi và khó thở.
Bệnh lao
Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, chủ yếu ảnh hưởng đến phổi của con người. Khi mắc bệnh lao, biểu hiện ho có thể kéo dài từ ba tuần trở lên. Ho ra máu hoặc đờm cũng có thể xuất phát từ bệnh lao. Trong một vài trường hợp, ho khan là dấu hiệu đáng chú ý khi mắc bệnh lao.
Ngoài ra, các triệu chứng khác của bệnh lao bao gồm đau ngực, sụt cân không chủ ý, mệt mỏi, sốt, đổ mồ hôi vào ban đêm, ớn lạnh và chán ăn. Không chỉ ảnh hưởng phổi, bệnh lao còn tác động đến các bộ phận khác trên cơ thể như thận, cột sống hoặc não.
Ung thư phổi
Ung thư phổi có thể gây ra ho dai dẳng, thậm chí trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Ngoài ho, bệnh nhân ung thư phổi còn có thể bị đau ngực, thở khò khè, khó thở hoặc sụt cân không chủ ý.
Theo Times Of India, một số người có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi ung thư tiến triển. Tuy nhiên, điều quan trọng là đừng vội chẩn đoán mà phải hỏi ý kiến bác sĩ trước tiên.
Theo Minh Uyên (zing) – Ảnh: T.H