Dù không còn xa lạ với những người mong muốn làm đẹp, điêu khắc chân mày vẫn đòi hỏi sự chuẩn bị nhằm tránh nguy cơ không đáng có cũng như đảm bảo hiệu quả.

Điêu khắc chân mày không còn xa lạ với nhiều người. Ảnh: OPM.

Điêu khắc chân mày đã xuất hiện trong vài năm gần đây. Đây là thủ thuật phun xăm thẩm mỹ, giúp làm dày hơn hàng lông mày bằng cách lấp đầy những khoảng trống.

Tuy nhiên, khác với những hình xăm truyền thống, màu mực xăm trong thủ thuật điêu khắc chân mày chỉ có thể tồn tại tối đa 3 năm. Nguyên nhân là 2 phương pháp sử dụng dụng cụ khác nhau, lượng sắc tố trong mực được sử dụng trong điêu khắc chân mày cũng ít hơn.

Theo BS Phan Vũ Lam Phương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), trong quá trình điêu khắc chân mày, chuyên gia sẽ dùng dụng cụ gắn một con dao nhỏ để đưa mực màu vào trong da, tạo cảm giác giống những sợi lông mày thật.

“Độ đậm của mực sẽ phai dần theo thời gian. Vì vậy, mọi người vẫn cần dặm chỉnh sửa lại để duy trì vẻ đẹp mong muốn”, vị chuyên gia cho hay.

Ưu điểm lớn nhất của điêu khắc chân mày là mang lại dáng mày tự nhiên và rõ ràng. Tuy nhiên, quá trình này cần thời gian để hoàn thiện. Mặt khác, thủ thuật này cũng tiềm ẩn một số nguy cơ nếu không được thực hiện bởi chuyên gia.

Những rủi ro từ điêu khắc chân mày

Về mặt lý thuyết, tất cả những phương pháp làm đẹp, bao gồm điêu khắc chân mày và phun xăm trang điểm vĩnh viễn đều có những rủi ro có thể xảy ra.

Phản ứng dị ứng

Theo BS Phương, phản ứng dị ứng đối với mực hữu cơ sử dụng trong quá trình điêu khắc chân mày khá hiếm gặp. Tuy nhiên, tình huống không may này vẫn có thể xảy ra.

“Do đó, mọi người nên trao đổi với chuyên gia, bác sĩ thẩm mỹ về loại mực xăm sẽ được sử dụng. Đồng thời, biết được cách các bác sĩ xác định cũng như xử trí tình trạng dị ứng nếu không may xảy ra”, vị chuyên gia khuyến cáo.

Nhiễm trùng

Phương pháp điêu khắc chân mày sẽ làm mất liên kết trên da. Do đó, người làm sẽ đứng trước nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm, bao gồm cả HIV và nhiễm trùng da do vi khuẩn.

“Các dụng cụ không được tiệt trùng đúng cách là một trong những nguy cơ hàng đầu gây ra việc lây lan vi trùng. Do đó, việc khử trùng dụng cụ đúng cách trước khi thực hiện là rất quan trọng và cần thiết”, BS Phương cho hay.

Dù vậy, theo Hiệp hội các chuyên gia thẩm mỹ, khả năng xảy ra các vấn đề khi thực hiện thủ thuật này khá hiếm gặp nếu mọi tiêu chuẩn về y tế như khử trùng và tiệt trùng dụng cụ được thực hiện tốt.

BS Phương cho biết thêm: “Các biến chứng y khoa cũng có thể liên quan quá trình chăm sóc sau thủ thuật. Tuy nhiên, những nguy cơ này sẽ giảm nếu mọi người thực hiện đúng hướng dẫn chăm sóc”.

dieu khac long may anh 1

Điêu khắc chân mày đỏi hỏi sự chăm sóc từ chính người được được làm sau thủ thuật. Ảnh minh họa: Premiers Pigment.

Những việc cần làm trước thủ thuật

Theo BS Phan Vũ Lam Phương, để chuẩn bị điêu khắc chân mày, mọi người cần:

  • Tránh uống cà phê và đồ uống có cồn trong ngày thực hiện thủ thuật.
  • Kẻ chân mày trước khi đến thực hiện thủ thuật.
  • Không nhuộm da hoặc tắm nắng trong vòng 3 ngày trước thủ thuật.
  • Không cạo hoặc nhổ lông mày trong vòng 2 ngày trước thủ thuật.
  • Không thay da sinh học và các liệu pháp chăm sóc da mạnh trong ít nhất từ 2 đến 3 tuần trước khi thực hiện thủ thuật.
  • Gội đầu trước khi điêu khắc chân mày vì mọi người sẽ cần kiêng nước ít nhất 7 ngày.

Ngoài ra, các cơ sở chăm sóc da cũng có thể sẽ khuyến cáo khách hàng một số điều cần chuẩn bị bao gồm:

  • Ngưng sử dụng vitamin A (Retinol) và không điều trị botox ít nhất một tháng trước khi điêu khắc chân mày.
  • Ngưng sử dụng dầu cá hoặc các chất tự nhiên gây loãng máu như vitamin E ít nhất một tuần trước thủ thuật.
  • Tránh sử dụng aspirin hoặc ibuprofen điều trị giảm đau (có tác dụng làm loãng máu).
  • Không tập luyện thể dục, thể thao, vận động mạnh trong ngày điêu khắc chân mày

Quá trình hồi phục

BS Phương cho hay sau quá trình điêu khắc tối thiểu một tuần, chân mày có thể trở nên sậm màu và sắc hơn do quá trình đóng mài và lành vết thương. Tình trạng sưng nhẹ và đỏ cũng khá thường gặp.

Một số bước chăm sóc sau thủ thuật thường gồm:

  • Sử dụng các ngón tay nhẹ nhàng rửa sạch hàng chân mày với xà phòng kháng khuẩn trong 10 giây sau đó rửa sạch và lau khô.
  • Sử dụng một lượng thuốc mỡ dưỡng ẩm vừa phải.
  • Giữ lông mày tránh nước trong vòng 7-10 ngày.
  • Tránh trang điểm lên vùng chân mày trong thời gian lành vết thương, giữ sạch nhất có thể.
  • Không cạy và lột mài.
  • Tránh ánh nắng trực tiếp hoặc tắm nắng ít nhất 4 tuần sau thủ thuật.
  • Không tẩy tế bào chết hoặc thay da sinh học ít nhất 4 tuần sau thủ thuật.
  • Không ngủ với tư thế úp mặt trong vòng ít nhất 10 ngày sau thủ thuật.

“Sau khi các tổn thương lành, mọi người có thể bảo vệ lông mày và giúp màu mực lâu phai hơn bằng cách thoa kem chống nắng lên cả vùng chân mày”, BS Phương nói.

Theo Quốc Toàn (zing) – Ảnh: T.H