Say nóng có thể hạ nhiệt trong vòng 30 phút bằng cách làm mát cơ thể, uống nhiều nước hay chườm lạnh. Nhưng say nắng (hay sốc nhiệt) cần được cấp cứu kịp thời.
Khi bị say nóng, bạn cần uống nhiều nước, di chuyển đến nơi mát mẻ và xịt mát cơ thể. Ảnh: Keckmedicine.
Say nóng, say nắng là tình trạng thường xảy ra vào mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng gắt, nhiệt độ tăng cao đột ngột. Cả 2 tình trạng này đều gây ra các triệu chứng như nóng da, mệt mỏi hay đau đầu, nhưng say nắng có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu sớm và đúng cách.
Say nóng
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, say nóng là phản ứng của cơ thể khi mất lượng lớn nước và muối, thường là do đổ mồ hôi quá nhiều.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Mỹ (NHS) cho biết các dấu hiệu của say nóng gồm mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, cảm thấy ốm hay bị bệnh, đổ mồ hôi quá nhiều, da trở nên nhợt nhạt, ẩm ướt hoặc bị phát ban do nhiệt. Ngoài ra, người gặp tình trạng này có thể bị chuột rút ở tay, chân hay bụng, thở nhanh hoặc nhịp tim nhanh, nhiệt độ cơ thể cao, khát nước và yếu ớt.
Nếu bị say nóng, bạn có thể hạ nhiệt cơ thể bằng cách di chuyển đến nơi mát mẻ, cởi tất cả quần áo không cần thiết như áo khoác hoặc vớ và uống nước thể thao, nước bù điện giải hay nước mát.
Bạn có thể làm mát da bằng cách xịt hoặc lau với nước mát, chườm lạnh dưới nách và trên cổ cũng hiệu quả. Cơ thể người bị say nóng sẽ bắt đầu hạ nhiệt và cảm thấy dễ chịu hơn trong vòng 30 phút.
Người bị say nắng có thể lên đến 41 độ C hoặc hơn trong vòng 10-15 phút. Ảnh: Health.umms.
Say nắng (sốc nhiệt)
Trái lại, CDC cho hay sốc nhiệt là bệnh nghiêm trọng nhất liên quan đến nhiệt. Nó xảy ra khi cơ thể không kiểm soát được nhiệt độ khiến nhiệt độ tăng nhanh, cơ chế tiết mồ hôi không hoạt động và cơ thể không hạ nhiệt được.
Khi say nắng xảy ra, nhiệt độ cơ thể có thể tăng lên đến 41 độ C hoặc hơn trong vòng 10-15 phút. Nó gây thương tật vĩnh viễn hoặc tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị khẩn cấp.
Triệu chứng của say nắng gồm lú lẫn, thay đổi trạng thái tinh thần, nói lắp, mất ý thức (hôn mê), da nóng, khô hoặc đổ nhiều mồ hôi, co giật, nhiệt độ cơ thể rất cao và có nguy cơ tử vong nếu điều trị muộn.
Cách phòng ngừa say nắng và say nóng
Trẻ em, người lớn tuổi và người có bệnh nền (như bệnh tiểu đường hoặc các vấn đề về tim) có nhiều nguy cơ bị say nóng hoặc say nắng hơn. Ngoài ra, tập thể dục trong thời tiết nắng nóng kéo dài cũng có nguy cơ cao gặp một trong 2 tình trạng này.
Để giúp ngăn ngừa say nóng hoặc say nắng, bạn cần hạn chế tình trạng mất nước và giúp cơ thể bạn luôn mát mẻ bằng cách:
– Uống nhiều đồ uống lạnh, đặc biệt nếu đang hoạt động hoặc tập thể dục.
– Mặc quần áo sáng màu, rộng rãi.
– Tránh nắng trong khoảng 11-15h.
– Tránh uống quá nhiều đồ uống có cồn.
– Hạn chế tập thể dục quá sức.
– Nếu ở trong nhà vào ngày nắng nóng, bạn nên đóng rèm cửa, đóng cửa sổ khi nhiệt độ bên ngoài cao hơn trong nhà và tắt các thiết bị điện hay đèn gây nóng.
Theo Nam Giao (zing) – Ảnh: T.H