Theo thống kê, trong số những người đã giảm cân thành công, chỉ 11% duy trì được thành quả, còn lại đều dần trở lại trạng thái ban đầu.
Mọi người cần phải quản lý tốt nhiều yếu tố để tránh gặp tình trạng tăng cân dội ngược hậu giảm cân. Ảnh: Pexels.
Thống kê được bác sĩ chuyên khoa II Thái Văn Hùng, Phó khoa Nội Tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), chia sẻ.
“Giảm cân vốn không dễ dàng, đặc biệt duy trì cân nặng sau giảm cân càng khó hơn”, bác sĩ Hùng nói.
Nguyên nhân gây béo
“Sau nhiều tranh luận trên toàn thế giới, người ta đúc kết ăn tinh bột nhiều sẽ gây nên tình trạng béo phì. Ăn nhiều khiến insulin tăng. Loại hormone này có 2 nhiệm vụ chính: Một là giúp cơ thể sử dụng đường, hai là tích mỡ”, bác sĩ Cao Hoài Nhân, khoa Nhi, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết.
Người có tình trạng thừa cân, béo phì thường có tâm lý nặng nề, stress vì cân nặng. Lúc này, hormone cortisol càng được tiết ra nhiều hơn.
Cortisol là loại hormone được sản sinh bởi tuyến thượng thận, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cơ thể đối phó các tình trạng căng thẳng. Tuy nhiên, hàm lượng cortisol quá cao trong thời gian dài lại có nguy cơ gây tổn thương cho cơ thể. Cortisol làm tăng sự thèm ăn, đồng thời gây tích trữ mỡ. Điều này càng khiến họ rơi vào vòng luẩn quẩn.
Bên cạnh đó, nhiều người ăn nhiều bữa trong ngày, đặc biệt tinh bột và nước ngọt, khiến lượng insulin tiết ra liên tục. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng béo phì.
“Hiện nay, chúng ta ăn nhiều bữa, ăn tinh bột nhiều, uống nước ngọt quá nhiều. Lượng tinh bột dư thừa tăng lên, insulin vì thế cũng tăng lên dẫn đến tích mỡ”, bác sĩ Nhân giải thích.
Insulin là một hormone tiết ra từ tuyến tụy nội tiết, có vài trò điều chỉnh lượng glucose trong máu. Lượng insulin càng cao, glucose đi vào tế bào càng nhiều. Lượng glucose mà tế bào không sử dụng hết sẽ được tích lũy dưới dạng mỡ.
Do đó, nếu không thay đổi chế độ ăn uống, việc cơ thể tích mỡ và tăng cân là điều sớm muộn.
Mặt khác, theo bác sĩ Thái Văn Hùng, không phải ai cũng có thể duy trì cân nặng sau khi giảm cân. Một khi đã giảm cân thành công, nhiều người có tâm lý chủ quan, lơ là vận động, tập thể dục cũng như ăn uống lành mạnh. Nhiều người thậm chí quay trở lại với chế độ ăn uống dầu mỡ, nhiều ngọt, nhiều tinh bột và ít vận động như trước. Điều này khiến họ dễ dàng rơi vào vòng lặp tăng cân trở lại.
“Vì vậy, chỉ 11% người giảm cân duy trì được cân nặng sau giảm, số còn lại hầu như đều gặp phải hiện tượng tình trạng tăng cân dội ngược. Đây là hiện tượng một người sau khi giảm cân nhưng không thể duy trì được chế độ vận động và dinh dưỡng cân bằng nên tăng cân trở lại”, bác sĩ này giải thích.
Làm gì để tránh tăng cân đội ngược?
Theo bác sĩ Hùng, những người có chỉ số BMI của cơ thể từ 23 trở lên cần gặp chuyên gia tư vấn sớm để có chiến lược can thiệp thích hợp.
Việc quản lý thừa cân béo phì cần kết hợp đa yếu tố lối sống như hoạt động thể chất, liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc, đặc biệt là liệu pháp dinh dưỡng.
Dựa vào nguyên lý ăn uống – vận động cân bằng năng lượng nói trên, 3 phương pháp giảm cân phổ biến hiện nay là giảm tinh bột (low carb), nhịn ăn gián đoạn (intermittent fassting) và keto.
Dinh dưỡng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình giảm cân. Ảnh: Pexels.
Bác sĩ Hùng lưu ý người béo phì dù cần giảm lượng thức ăn, nhưng cần đảm bảo đủ lượng protein cần thiết cho cơ thể. Do đó, đối tượng này cần một chế độ ăn phù hợp, trong đó cần lựa chọn các thực phẩm giàu protein và ít lipid như thịt ít mỡ, tôm, cua, cá, giò nạc, sữa đậu nành, phô mai gầy, trứng, đậu đỗ.
Người béo phì cũng nên ăn cá nhiều hơn thịt, ưu tiên ăn các món luộc, hấp, nướng ít dầu mỡ.
Nếu muốn uống sữa, nhóm đối tượng này nên uống sữa dành riêng cho người thừa cân, béo phì hoặc sữa tách béo không đường, sữa giàu canxi, sữa chua ít hoặc không đường…
Đối với thực phẩm nhóm tinh bột, những người bị béo phì cần lựa chọn các thực phẩm còn nhiều chất xơ như bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ. Ngoài ra, trong lúc ăn cần ăn chậm, nhai kỹ, không ăn quá no, không bỏ bữa, cũng không để quá đói tránh ăn nhiều vào các bữa sau. Buổi tối không ăn sau 20 giờ.
Bên cạnh tinh bột giàu chất xơ và protein, người bị béo phì cần chú ý ăn rau xanh và quả chín khoảng 500 g/ngày, chế biến ở dạng luộc, nấu canh, làm nộm, rau trộn salad. Đối với trái cây, nhóm đối tượng này cũng chỉ nên ăn trái cây ít ngọt như táo, dưa hấu, mận, ổi, thanh long…
Khi ăn ít tinh bột và cảm thấy đói, bác sĩ Hùng khuyến khích mọi người tăng cường ăn các nhóm rau củ quả hoặc các loại thực phẩm ít năng lượng nhưng giúp no như cuốn bánh tráng với cá hấp nhiều rau, gỏi cuốn…
Bên cạnh thực phẩm, người muốn giảm cân cần cung cấp đủ vitamin và muối khoáng, do khẩu phần ăn dưới 1.200 kcal thường thiếu hụt vitamin và khoáng chất cần thiết như canxi, sắt, vitamin E…
Nếu muốn giảm cân, mọi người cũng nên uống đủ 2-2,5 lít nước mỗi ngày, hạn chế ăn muối (dưới 6 gram/ngày, nếu có tăng huyết áp thì chỉ 2-4 gram/ngày).
Ngoài ra, bác sĩ Hùng cũng khuyến cáo những thực phẩm không nên dùng trong quá trình giảm cân bao gồm thực phẩm nhiều chất béo (thịt mỡ, nước dùng thịt, bơ, thịt chân giò…; thực phẩm nhiều cholesterol (não, tim, gan, thận, lòng lợn…); những món ăn chứa nhiều chất béo (bánh mì bơ, bơ trộn rau, các món xào, rán…); thức ăn giàu năng lượng như (đường mật, mứt, kẹo, bánh ngọt, chocolate, nước ngọt…); những đồ uống có chất kích thích (rượu, bia, cà phê…).
Ngoài việc áp dụng một chế độ ăn phù hợp, mọi người nên duy trì việc luyện tập thể thao ít nhất 30 phút/ngày và đảm bảo ngủ đủ giấc 7-8 giờ/ngày.
Ngoài ra, để tránh tăng cân, mọi người nên ngủ sớm, hạn chế thức khuya, theo dõi cân nặng hàng tuần cũng như khám sức khỏe định kỳ mỗi 3-6 tháng/lần.
Theo Bích Huệ – Linh Thùy (zing) – Ảnh: T.H