Nghiên cứu kéo dài một thập kỷ kết luận thường xuyên tận hưởng một giấc ngủ ngon có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.

Nghiên cứu lớn, được thực hiện trong vòng 10 năm, đã phát hiện ra thói quen ngủ kém, thiếu lành mạnh có thể thúc đẩy tính nhạy cảm di truyền đối với bệnh hen suyễn, có khả năng làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh này.

Giấc ngủ lành mạnh dường như có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh hen suyễn thấp hơn, khiến các nhà nghiên cứu đề xuất rằng việc phát hiện và điều trị rối loạn giấc ngủ sớm có thể làm giảm rủi ro bị bệnh, bất kể khuynh hướng di truyền. Những phát hiện trên được công bố trên tạp chí BMJ Open Respiratory Research.

Ngủ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm, hiếm khi mất ngủ có thể giúp giảm nguy cơ mắc hen suyễn.
Ngủ 7-9 tiếng mỗi đêm, hiếm khi mất ngủ có thể giảm nguy cơ mắc hen suyễn.

Một nhóm nhà khoa học từ Đại học Sơn Đông, Trung Quốc, đã sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu Biobank của Anh để tìm hiểu 455.405 người trong độ tuổi từ 38 đến 73. Họ đã phát triển một mô hình về rủi ro và đặc điểm giấc ngủ, đồng thời theo dõi những người tham gia trong hơn một thập kỷ.

Khi bắt đầu nghiên cứu, người tham gia được hỏi về kiểu ngủ của họ, bao gồm việc họ dậy sớm hay thức khuya, thời gian ngủ bao lâu, có ngáy, mất ngủ và có buồn ngủ quá mức vào ban ngày hay không.

Một mô hình giấc ngủ lành mạnh được định nghĩa là dậy sớm hơn, ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm, không bao giờ bị mất ngủ hoặc hiếm khi bị mất ngủ, không ngáy và không buồn ngủ thường xuyên vào ban ngày.

Các nhà nghiên cứu đã lập bản đồ cấu trúc di truyền của tất cả những người tham gia và rút ra điểm rủi ro hen suyễn. Khoảng một phần ba trong số họ được phát hiện có nguy cơ di truyền cao phát triển bệnh hen suyễn, một phần ba có nguy cơ trung bình và một phần ba còn lại có nguy cơ thấp.

Trong một thập kỷ theo dõi, 17.836 người được chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn. So với những người có nguy cơ di truyền thấp, những người có nguy cơ di truyền cao nhất được chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn là hơn 47%, trong khi những người có thói quen ngủ kém có khả năng bị hen suyễn hơn 55%.

Những người có nguy cơ di truyền cao nếu ngủ kém được chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn cao hơn gấp đôi so với những người có kiểu ngủ lành mạnh và nguy cơ di truyền thấp.

Trong khi đó, một mô hình giấc ngủ lành mạnh làm giảm 44% nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở những người có nguy cơ di truyền thấp, 41% ở những người có nguy cơ trung bình và 37% ở những người có nguy cơ di truyền cao.

“Những kết quả này cho thấy một mô hình giấc ngủ lành mạnh có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở bất kỳ phân nhóm di truyền nào”, các nhà nghiên cứu nói. “Các kiểu ngủ và đặc điểm giấc ngủ không lành mạnh có liên quan đáng kể đến nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở người lớn. Sự kết hợp giữa thói quen ngủ kém và tính nhạy cảm cao có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh hen suyễn. Một mô hình giấc ngủ lành mạnh hơn có thể có lợi trong việc ngăn ngừa bệnh hen suyễn bất kể tình trạng di truyền”.

Do nghiên cứu mang tính quan sát nên không thể xác định nguyên nhân. Các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận phát hiện của họ có vài hạn chế. Tuy nhiên, họ cho rằng giấc ngủ kém có thể gây ra phản ứng viêm trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.

Hen suyễn, còn gọi là hen phế quản, là một bệnh lý viêm mạn tính của phế quản thuộc hệ hô hấp trong đó có sự tham gia của nhiều tế bào và thành phần tế bào. Biểu hiện của hen suyễn là phản ứng tắc nghẽn phế quản gây hẹp đường hô hấp do tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, không khí lạnh, tập thể thao, hay các kích thích về cảm xúc. Thế giới hiện có khoảng 300 triệu người mắc căn bệnh này.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link