Theo chuyên gia, giấc mơ tái diễn có thể là biểu hiện của tâm lý sợ hãi, sang chấn tâm lý hoặc liên quan đến bệnh tật.
“Giấc mơ lặp đi lặp lại nhiều khả năng là về những trải nghiệm cuộc sống rất sâu sắc, hoặc chỉ là các vấn đề logic chắc chắn tái diễn khi bạn thức dậy, do chúng trở thành một phần của bạn chứ không phải là sự kiện chỉ diễn ra một lần”, Deirdre Barrett, một giảng viên tâm lý học tại khoa tâm thần học, Trường Y Harvard, nói.
Theo Barret, do những giấc mơ của chúng ta thường không tự tái diễn, nên chỉ cần mơ cùng một giấc mơ hai lần trở lên, nó được coi là lặp lại. Barrett cho biết điều này xảy ra phổ biến hơn ở thời thơ ấu, nhưng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Những giấc mơ lặp đi lặp lại không phải lúc nào cũng xảy ra gần nhau. Chúng có thể xuất hiện nhiều lần mỗi tháng hoặc cách nhau nhiều năm.
Các chuyên gia cho biết, những giấc mơ lặp đi lặp lại có thể giống nhau hoặc chỉ lặp lại các loại tình huống hoặc lo lắng giống nhau.
“Thật khó để đánh giá mức độ phổ biến của những giấc mơ lặp đi lặp lại vì nó không xảy ra thường xuyên đối với hầu hết mọi người. Chúng có thể bị ảnh hưởng do trí nhớ bị bóp méo hoặc các yếu tố khác”, tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Nirit Soffer-Dudek, giảng viên cao cấp khoa tâm lý học tại Đại học Ben-Gurion vùng Negev ở Israel, cho biết.
Tiến sĩ Alex Dimitriu, chuyên gia về thuốc ngủ và tâm thần học ở Menlo Park, California, cho biết bất cứ điều gì xảy ra lặp đi lặp lại đều đáng để điều tra.
“Mọi người thường không chắc chắn về những thứ khiến họ không thoải mái hoặc sợ hãi, và tôi nghĩ những giấc mơ, theo một cách nào đó, cũng giống như vậy. Là một bác sĩ tâm thần, tôi cho rằng có một thông điệp nào đó có thể đang cố gắng truyền đạt cho bạn. Câu trả lời của tôi là bạn có thể tìm hiểu xem đó là gì. Tôi nghĩ khi làm vậy, bạn có thể không phải lo lắng về nó nữa”, ông nói.
Theo các chuyên gia, với một số giấc mơ lặp đi lặp lại, thông điệp thường đơn giản: Nếu bạn liên tục mơ thấy mình đi học hoặc đi làm muộn, có lẽ bạn thường lo lắng về việc không chuẩn bị cho những điều đó. Tuy nhiên, những giấc mơ khác có thể không có ý nghĩa phổ quát, đòi hỏi phải tự vấn bản thân để tìm hiểu thêm.
Barrett và Dimitriu nói ngoài việc lo lắng vì không chuẩn bị trước cho điều gì đó, hiện tượng giấc mơ lặp lại cũng thể hiện tâm lý lo sợ xã hội, cảm thấy kém cỏi so với những người khác.
Theo Barrett, một số người có những giấc mơ xoay quanh sự lo lắng về kỳ thi ngay cả khi họ đã không đến trường nhiều năm. Điều này có thể phản ánh nỗi sợ hãi chung về thất bại hoặc cảm giác bị đánh giá bởi người có thẩm quyền. Giấc mơ thấy răng bị rụng hoặc hư hỏng có thể liên quan đến việc bạn mất đi một thứ gì đó khác trong cuộc sống, cảm giác tuyệt vọng hoặc không thể tự vệ.
Dimitriu khuyên khi có giấc mơ lặp đi lặp lại, hãy tự hỏi bản thân thông điệp đó là gì, mối quan hệ của bạn với những thứ hoặc những người trong giấc mơ ra sao và bạn đang thực sự lo lắng về điều gì. Ông nhận định người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn hoặc lo lắng nhiều khả năng có những giấc mơ lặp đi lặp lại. Giấc mơ PTSD (Post-traumatic stress disorder: Rối loạn căng thẳng sau sang chấn) bắt nguồn từ một sang chấn nghiêm trọng đến mức nó quay lại dưới dạng một cơn ác mộng.
“Bộ não đang cố gắng giải quyết một điều gì đó và đặt nó vào trạng thái nghỉ ngơi. Nhưng ở những người bị PTSD, giấc mơ của họ sống động đến mức khiến họ tỉnh dậy giữa chừng. Vấn đề trong mơ không được giải quyết, vì vậy giấc mơ tái diễn”, Dimitriu nói.
Ngoài ra, việc giấc mơ lặp lại nhiều lần cũng có thể liên quan đến bệnh tật. “Những người bị ngưng thở khi ngủ sẽ có những giấc mơ như chết đuối, ngạt thở, sóng khổng lồ, thở hổn hển, ở dưới nước hoặc bị nghẹt thở”, Dimitriu cho biết.
Theo chuyên gia, một khi bạn đã hiểu rõ hơn các lo lắng của mình, hãy viết về chúng trước khi đi ngủ để giảm hiện tượng giấc mơ tiêu cực lặp đi lặp lại và căng thẳng nói chung. Ngoài ra, thiền cũng là một cách hữu ích.
Khi đã biết nỗi sợ hãi đằng sau giấc mơ, Dimitriu khuyên bạn nên xử lý nó thông qua phương pháp ba cột được sử dụng trong liệu pháp hành vi nhận thức. Ở cột thứ nhất, bạn viết ra suy nghĩ tiêu cực của mình, cột thứ hai là cảm xúc tiêu cực và cột thứ ba dành cho các suy nghĩ thay thế dựa trên thực tế.
Theo cách tiếp cận này, bạn sẽ viết ra chi tiết các yếu tố của giấc mơ, sau đó viết lại để nó kết thúc một cách tích cực. Ngay trước khi chìm vào giấc ngủ, bạn đã đặt ra ý định mơ lại bằng cách nói to lên rằng: “Nếu giấc mơ đó tái diễn, tôi sẽ mơ theo hướng tốt hơn nhiều với kết quả tích cực”, Dimitriu nói.
Ngoài ra, Soffer-Dudek cho rằng hiện tượng giấc mơ lặp đi lặp lại cũng có thể xuất phát từ thói quen không lành mạnh trước khi ngủ.
“Rất nhiều điều kỳ lạ xảy ra trong giấc ngủ sau khi bạn uống caffein, rượu quá muộn, làm việc quá muộn hoặc đêm trước đó chỉ ngủ 4 tiếng”, Dudek nói. “Cốt lõi cơ bản và nền tảng của giấc mơ lành mạnh bắt đầu từ giấc ngủ lành mạnh”.
Ông cũng khuyến cáo nên hạn chế những yếu tố gây ảnh hưởng giấc ngủ như dành thời gian không cần thiết cho điện thoại trước khi ngủ.
Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H