Vỏ bánh xốp mịn, thơm mùi bơ sữa và lá dứa, thấm quện nhân ca dé béo bùi khiến món bánh gia truyền của gia đình ông Lợi 47 năm qua được lòng thực khách.
Ca dé là nguyên liệu món tráng miệng quen thuộc của người Hoa. Thứ xốt vàng ươm, sánh nhuyễn được làm ra bằng cách trộn đều và đun cách thủy đường, trứng, sữa, bơ, nước dừa. Ở Hong Kong và nhiều nơi như Malaysia, Singapore, Thái Lan, người ta chuộng dùng ca dé làm bánh hoặc phết sandwich.
Theo dân Hoa kiều sang Việt Nam, ca dé trở nên phổ biến ở vùng Nam bộ, đặc biệt là tại khu vực Chợ Lớn (quận 5, 6, 8, 11) của TP HCM. Từ “ca dé” là cách đọc phiên âm từ “kaya” – tên của loại xốt trong tiếng địa phương của người Mã Lai. Theo tiếng Quảng Đông, từ này còn có nghĩa là thêm dừa, phù hợp việc trộn nước dừa khi làm ca dé.
Nhiều người hảo ngọt thích chấm bánh mì với ca dé hoặc ăn bánh bao ca dé (còn gọi là bánh bao kim sa). Riêng bánh bò nhân ca dé hiện không còn nhiều tiệm làm thủ công và bày bán. Thân thuộc nhất với cộng đồng người Hoa là “thương hiệu” bánh ca dé Chú Lợi, gắn liền hình ảnh một ông già bình dân, có nụ cười hiền, tự tay tráng bánh, bán hàng ở khu quận 8.
Bẵng đi một thời gian, người ta không thấy ông Lợi xuất hiện cùng chiếc xe hàng quen thuộc. Lại vừa qua đại dịch, không ít người lo ngại ông đã “lành ít dữ nhiều” vì Covid-19. Anh Trần Kim Hùng (35 tuổi) – con trai ông Lợi – cho hay sau trận tai biến cách đây hai năm, cha anh yếu hơn, đi lại không thuận tiện, không thể đẩy xe bán hàng ngoài phố. Anh thuê một mặt bằng nhỏ trên đường Hưng Phú, quận 8 làm điểm buôn bán cố định của gia đình. Hiện anh Hùng thay cha bán chính. Những ngày sức khỏe ổn định, ông Lợi vẫn có mặt ở tiệm cho vơi nỗi nhớ nghề.
Mở bán từ năm 1976, ông Lợi cả đời dựa vào xe bánh ca dé để nuôi ba con ăn học. Giờ đây, anh Hùng muốn nối nghiệp cha, duy trì công việc đã nuôi mình khôn lớn. “Cửa tiệm” của cha con anh gói gọn bằng một chiếc xe đẩy, trên đó bày bếp than nhỏ đặt nồi gang, thêm tủ kính đựng bột và các loại nhân bánh. Vài thứ lặt vặt như hộp đựng, túi nilon được treo gọn trên cột xe. Theo lời anh Hùng, cha anh đến nay mới dùng hai chiếc xe, chiếc hiện tại đã đồng hành với họ 26 năm.
Bắt đầu công việc hàng ngày vào 3-4h sáng, anh Hùng làm bột, xào dừa để kịp mở hàng khi trời bắt đầu sáng. Thay vì cố định giờ nghỉ, anh bán đến khi hết bột chuẩn bị sẵn, thường là vào giữa chiều. Ước tính mỗi ngày, anh tiêu thụ hơn 10 kg bột, tương đương gần 200 bánh. Với số vốn gần ba triệu đồng, anh thu về hơn bốn triệu đồng. Anh Hùng cho hay doanh thu hiện tại có phần giảm so với trước đây, chủ yếu là vì nhiều người không biết cha con anh đã dời tiệm về địa chỉ mới.
Bánh ca dé của cha con ông Lợi – anh Hùng có phần vỏ bánh mịn mềm, tơi xốp, làm từ bột gạo, tráng trên nồi gang. Cứ hai lớp vỏ úp lại thành một chiếc bánh hoàn chỉnh. Bánh tráng tại chỗ và liên tục, giao đến tay thực khách còn nóng ấm, thơm phức mùi bơ sữa béo bùi hay hương lá dứa thanh nhẹ. Ca dé thấm vào lớp bánh, làm nên mùi vị ngọt bùi, độ ngậy vừa phải. Trong khi, nhân bơ đậu phộng và dừa nạo đưa đẩy vị ngọt thêm sắc.
Anh Hùng cho biết tự tay anh làm mới ca dé hàng ngày. Ngoài phần ca dé bán tại chỗ, anh chia nhiều hộp nhỏ phục vụ khách mua bánh mang đi xa hoặc mua ăn kèm bánh mì. Với dừa, anh chọn dừa non đã nạo sẵn ở chợ, đem về rim đường. Riêng nhân bơ đậu phộng được anh mua hàng làm sẵn với chất lượng đảm bảo.
Từng ổ bánh tròn được cắt làm bốn phần, đựng trong hộp nhỏ với giá dao động 30.000 – 40.000 đồng. Trước và sau bữa trưa là hai khung giờ quán đông khách nhất. Ngoài khách lẻ, người qua đường, anh Hùng cũng hay nhận đơn bán sỉ đem đi tỉnh. Dù món bánh được lòng thực khách và có đông khách quen, anh Hùng chưa dám nghĩ đến việc mở tiệm bán ăn tại chỗ, bởi gia đình neo người và phần đông là người lớn tuổi.
Theo Phong Kiều (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H