Trước khi loạt trận cuối cùng của vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á diễn ra, 4 tấm vé đến Qatar vào cuối năm đã được xác định. Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Iran tạo ra khoảng cách lớn về điểm số với phần còn lại, và tiếp tục duy trì vị thế ở châu Á.
Lời khẳng định của Hàn Quốc
Chiến thắng 2-0 trước Iran tối 24/3 (giờ Hà Nội) trên sân nhà nối dài phong độ ấn tượng của Hàn Quốc ở vòng loại World Cup. Đội bóng của HLV Paulo Bento chịu nhiều nghi ngờ trước khi bắt đầu chiến dịch, nhưng họ đã giành vé đến Qatar cuối năm theo cách ấn tượng nhất.
Son Heung-min và các đồng đội bất bại sau 9 loạt trận, họ giành 7 chiến thắng và chỉ 2 lần để các đối thủ cầm hòa. Iran vẫn nằm trong số những nền bóng đá hàng đầu châu Á. Họ cũng có 22 điểm sau 9 lượt trận và thể hiện phong độ tốt ở vòng loại World Cup 2022.
Ở trận lượt đi tại Tehran, Iran cầm hòa Hàn Quốc 1-1. Tuy nhiên, đến trận lượt về diễn ra ở Seoul, các ngôi sao của tuyển Hàn Quốc vẫn thể hiện đẳng cấp nhỉnh hơn đồng nghiệp từ Iran. Chính HLV trưởng Iran, Dragan Skocic, phải thừa nhận điều này sau trận thua 0-2.
“Son Heung-min ở đẳng cấp thế giới”, HLV Skocic khẳng định. “Anh ấy là một cầu thủ tuyệt vời, người có thể tạo ra sự khác biệt và đặt tầm ảnh hưởng của mình đến trận đấu tại bất kỳ thời điểm nào”.
Cuộc đại chiến vì ngôi đầu bảng A vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á không diễn ra căng thẳng như người hâm mộ chờ đợi. Hàn Quốc kiểm soát bóng nhiều hơn (58%), sút tới 13 lần về phía đối thủ (5 đi trúng đích), gần gấp đôi Iran (7 lần, 1 đi trúng đích).
“Hàn Quốc xứng đáng giành chiến thắng”, HLV Skocic thừa nhận. “Màn trình diễn của tuyển Iran ở trận này không tốt, các miếng tấn công của chúng tôi quá đơn giản”. Cần nhớ rằng trước trận đấu vừa qua, người hâm mộ Hàn Quốc coi ĐTQG nước nhà chịu “lời nguyền” khi đối đầu Iran.
Đội tuyển xứ kim chi chưa từng thắng Iran trong 11 năm qua. Lần gần nhất Hàn Quốc vượt qua gã khổng lồ của bóng đá Trung Đông đến vào năm 2005. Trên bảng xếp hạng FIFA vào tháng 3, Iran cũng đang xếp hạng 23, trong khi Hàn Quốc đứng thứ 27.
Dẫu vậy, như HLV Skocic thừa nhận, những cầu thủ ở đẳng cấp hàng đầu của tuyển Hàn Quốc giúp họ nhỉnh hơn Iran vào thời điểm hiện tại. Bóng đá Hàn Quốc hiện tại không chỉ có Son Heung-min. Những Hwang Hee-chan (Wolves), Lee Jae-sung (Mainz 05) hay Hwang Ui-jo (Bordeaux) đều đang tỏa sáng ở các giải VĐQG hàng đầu châu Âu.
Ngoài ra, hai ngôi sao Kim Min-jae (Fenerbahce) hay Hwang In-beom (Rubin Kazan) cũng nhận được sự quan tâm từ các đội bóng lớn khác, sau màn thể hiện ấn tượng của cả hai tại Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Son Heung-min vẫn là ngôi sao đẳng cấp nhất của bóng đá Hàn Quốc hiện tại, nếu không muốn nói là của cả châu Á. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nhiều cầu thủ Hàn Quốc khác tại những giải đấu hàng đầu châu Âu giúp sao Tottenham dễ chơi hơn.
Tuyển Iran cũng có vài cầu thủ gây ấn tượng ở châu Âu như Sardar Azmoun (Bayer Leverkusen), Mehdi Taremi (Porto) hay Alireza Jahanbakhsh (Feyenoord),… nhưng chừng đó là chưa đủ để họ so với Hàn Quốc.
Khả năng xuất khẩu cầu thủ sang châu Âu gần như là sự đảm bảo cho đẳng cấp của các nền bóng đá lớn tại châu Á. Lúc này, không có nền bóng đá nào ở châu Á làm tốt điều này hơn Hàn Quốc và Nhật Bản.
Sự trở lại của Nhật Bản
Tuyển Nhật Bản có khởi đầu vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á khó khăn. Họ thua Oman ở loạt trận đầu tiên ngay trên sân nhà, sau đó tiếp tục bị Saudi Arabia đánh bại ở lượt thứ 3.
Tuy nhiên, 6 chiến thắng liên tiếp kể từ sau trận thua trên đất Saudi Arabia giúp Nhật Bản lấy lại vị thế hàng đầu châu Âu. Trong chuỗi 6 trận ấn tượng đó, đội bóng của HLV Hajime Moriyasu chỉ 1 lần để thủng lưới và họ cũng đánh bại cả Australia (2 lần) lẫn Saudi Arabia.
Vấn đề với tuyển Nhật Bản ở vòng loại World Cup 2022 chưa bao giờ nằm ở khía cạnh lực lượng. Những chỉ trích về chiến thuật và cách tiếp cận trận đấu của HLV Moriyasu vẫn còn đó, bất chấp việc Nhật Bản đã giành vé đến Qatar vào cuối năm. Chiến lược gia 53 tuổi bị đánh giá thiếu linh hoạt và tính đột biến trong chiến thuật cho tuyển Nhật Bản.
Giới chuyên môn đánh giá sự vượt trội về độ dày và chất lượng đội hình mới là nguyên nhân chính giúp “Samurai xanh” áp đảo các đối thủ. Trong chiến thắng 2-0 trước Australia ngay trên đất khách hôm 24/3, người hùng Kaoru Mitoma (ghi 2 bàn) thậm chí không đá chính từ đầu.
Tiền vệ sinh năm 1997 chỉ mới được HLV Moriyasu cho ra mắt ĐTQG vào tháng 11 năm ngoái. Cầu thủ 24 tuổi chưa thể cạnh tranh với các đàn anh như Wataru Endo, Hidemasa Morita hay Genki Haraguchi,…
Trước đó, HLV Moriyasu cũng gây tranh cãi khi gạt tên Ritsu Doan khỏi danh sách triệu tập lên ĐTQG, dù tiền vệ 23 tuổi vừa lấy lại phong độ trong màu áo PSV Eindhoven. Ritsu Doan có quyền bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội về quyết định của HLV Moriyasu, nhưng anh sẽ phải nỗ lực rất nhiều nếu muốn chen chân vào đội hình tuyển Nhật Bản dự World Cup vào cuối năm.
Ngay cả Takefusa Kubo cũng phải ngồi dự bị khi tuyển Nhật Bản khi đối đầu Australia. Ngoài những cái tên quen thuộc trên hàng công như Takumi Minamino (Liverpool) hay Junya Ito (Genk), Nhật Bản còn nhiều tiền đạo khác đang tỏa sáng ở châu Âu như Daizen Maeda, Kyogo Furuhashi (Celtic),… chưa được triệu tập ở loạt trận này.
Sau khi thế hệ của Shinji Kagawa, Keisuke Honda, Yuto Nagatomo hay Maya Yoshida bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp, bóng đá Nhật Bản đang kỳ vọng nhiều vào một lớp cầu thủ mới kế cận. Khả năng xuất khẩu cầu thủ đều đặn của bóng đá Nhật Bản qua từng năm giúp họ vẫn duy trì vị thế.