Trước trận Derby nước Anh, Sky Sports khảo sát khán giả về đội hình tối ưu kết hợp giữa Liverpool và MU. Trong câu trả lời, cả 11 cầu thủ đều đến từ Liverpool. Giới mộ điệu, vốn đa phần ủng hộ MU, cũng không thể cho được ngôi sao nào của “Quỷ đỏ” vào đội hình mạnh của “The Kop” lúc này.
Những gì diễn ra tại Anfield rạng sáng 20/4 (giờ Hà Nội) chứng minh đánh giá ấy là có lý. Liverpool quá mạnh so với MU, và chiến thắng 4-0 đã lột trần cách biệt giữa 2 đội bóng giàu truyền thống nhất nước Anh.
MU quá yếu
Ba năm trước, trong mùa giải Liverpool thắng tới 18 trong số 19 trận lượt đi, và băng tới chức vô địch, MU là đội cản được “The Kop” bằng trận hòa 1-1 tại Old Trafford. Đội hình MU khi ấy không có Bruno Fernandes hay Cristiano Ronaldo, nhưng “Quỷ đỏ” vẫn thi triển thế trận hợp lý để phong tỏa những điểm mạnh của Liverpool và sử dụng điểm mạnh nhất của mình, tốc độ, để khoan vào điểm yếu của đối thủ.
Tại Anfield, không ai hiểu Ralf Rangnick làm gì khi đưa MU đối đầu với Liverpool với sơ đồ 5-3-2 với Phil Jones đá chính ở trung tâm hàng phòng ngự. Harry Maguire chơi trung vệ lệch trái. Hai hậu vệ biên là Diogo Dalot (trái) và Aaron Wan-Bissaka (phải).
Xét về lực lượng, MU thua Liverpool ở mọi tuyến. Xét về hệ thống, MU cũng tự bắn vào chân khi chọn sở đoản (sơ đồ 5-3-2) để đấu với sở trường của Liverpool (sơ đồ 4-3-3).
Trong chiến thuật bóng đá cơ bản, cách bố trí 3 trung vệ đặc biệt sợ việc phải đối đầu với hàng công 3 người. Với Liverpool, một trong CLB mạnh nhất thế giới lúc này ở cách pha đánh biên, và kỹ năng chơi bóng giữa các tuyến của bộ 3 tiền đạo, sơ đồ đầy lỗ hổng ở 2 cánh này lại càng trở thành miếng mồi ngon.
Và với MU, đội bóng mới đá sơ đồ 3 trung vệ đúng 4 lần trong 44 trận ở mùa giải này, cách bố trí này có thể coi là thảm họa. Do không quen chơi với sơ đồ 3 trung vệ, MU lúng túng thấy rõ khi phải đối mặt với hệ thống tấn công biên hùng hậu của Liverpool.
Những pha phối hợp tam giác ở tốc độ cao là đặc sản của “The Kop” dưới triều đại của Juergen Klopp. Thứ vũ khí ấy đã hủy diệt MU trong hiệp một.
Liverpool tung ra 9 cú sút, con số của MU là 0. “The Kop” cầm bóng 75%, chuyền chính xác 401 lần, đạt tỷ lệ chính xác 92%. MU cầm bóng 25%, chuyền chính xác vỏn vẹn 92 lần, đạt tỷ lệ 64%. Nếu đó không phải minh chứng của hai từ “đè bẹp”, quá khó để tìm ra ví dụ tương tự.
Bàn nâng tỷ số lên 2-0 của Liverpool phản ánh rõ nét nhất chênh lệch chuyên môn giữa 2 bên. Mohamed Salah sút tung lưới David De Gea sau tổ hợp 10 đường chuyền trong vòng 20 giây, bóng đi qua chân 7 cầu thủ Liverpool, tất cả đều diễn ra trong thời điểm cả 10 cầu thủ của đội chủ nhà tràn sang phần sân MU.
Không chỉ vượt trội về chuyên môn, Liverpool còn quái hơn hẳn MU trong khả năng điều tiết thế trận. “The Kop” sau khi có 2 bàn dắt lưng trong hiệp một đã chủ động chơi chậm trong hiệp 2 hòng dụ MU dâng cao. “Quỷ đỏ” mắc bẫy và Liverpool chỉ việc vùi dập tiếp đối thủ bằng những pha phản công thần tốc.
Bàn của Mane diễn ra chỉ 9 giây sau khi MU mất bóng bên phần sân Liverpool. Còn bàn của Salah là 7 giây. Xét trên mọi góc độ, từ lực lượng, kỹ – chiến thuật, đến kinh nghiệm lẫn khả năng xử lý sức ép, MU đều thua Liverpool, thậm chí thua xa như khoảng cách 4 bàn hiện trên bảng tỷ số.
MU phải sao chép Liverpool
Câu thoại “Giữ bạn bè ở gần, giữ kẻ thù gần hơn nữa” trong bộ phim nổi tiếng “Godfather” đã được nhiều tổ chức thực hiện trong 50 năm kể từ khi kiệt tác này ra mắt. MU lúc này đang lên kế hoạch sử dụng tư duy ấy, với chính Liverpool là hình mẫu “kẻ thù”.
Đó không phải suy đoán suông. Telegraph nhấn mạnh HLV Ralf Rangnick đã cảnh báo ban lãnh đạo MU về việc “Quỷ đỏ” sẽ còn đi xuống trong nhiều năm tiếp theo trừ khi hành động nhất quán trên thị trường chuyển nhượng với hình mẫu chính là Liverpool.
Những gì đội chủ sân Anfield làm được ám ảnh Rangnick tới mức nhà cầm quân này tiếp tục nhấn mạnh hình mẫu ngay trong phòng họp báo sau khi MU thua Liverpool 0-4.
“Thật xấu hổ, nhục nhã nhưng MU phải thừa nhận Liverpool đang đi trước chúng tôi 6 năm. Khi Juergen Klopp mới tới, họ xếp thứ 8 với điểm số trung bình chỉ là 1,6. MU đang thật khốn khổ. Tất cả phải xây lại“, Rangnick nhấn mạnh.
Sau đó nhà cầm quân này quả quyết, MU sẽ phải tăng cường “ở mọi tuyến” và sẽ có “6,7 thậm chí 10 cầu thủ mới“.
Việc Rangnick coi Liverpool là hình mẫu để MU sao chép là có cơ sở. So với Man City, hình mẫu Liverpool dễ học hỏi, bền vững, ổn định và “thể thao” hơn. Về cơ bản, cả Liverpool và Man City đều ưu tiên phát triển hệ thống trước khi tìm con người để lắp ráp.
Khác biệt lớn nhất đến từ chính giai đoạn sau. Liverpool chỉ chi đậm nếu mục tiêu thật sự xuất sắc và cần thiết (Alisson, Virgil van Dijk). Phần lớn trụ cột còn lại của “The Kop” lúc này đều có giá phải chăng như Salah (38 triệu bảng), Mane (37 triệu), Fabinho (25 triệu), Roberto Firmino (20 triệu), Diogo Jota (40 triệu).
Thậm chí, Liverpool tự tạo ra những ngôi sao như Alexander-Arnold, Andrew Robertson, Joel Matip. Điều này khiến Liverpool rất ít khi mua hớ cầu thủ, thậm chí nhờ hệ thống ưu việt, những tân binh được dự đoán sẽ mất thời gian thích nghi như Luis Diaz hay Ibrahim Konate đều tỏa sáng gần như ngay lập tức.
Man City ngược lại. Đội bóng này chi tiền đến khi đủ người mới dừng. “The Citizens” đã chi hơn nửa tỷ bảng chỉ cho hàng phòng ngự, bỏ ra 100 triệu bảng cho một cầu thủ không chắc suất đá chính như Jack Grealish.
Giữa hai con đường này, MU dĩ nhiên chọn Liverpool. Tuy nhiên, MU phải hiểu hành trình Liverpool vượt qua để có được hiện tại không đơn giản. “The Kop” phải chờ 4 năm để có được danh hiệu đầu tiên, sau khi thua 3 trận chung kết, từ quốc nội tới châu Âu.
MU liệu có đủ kiên nhẫn để chứng kiến thêm những thất bại sau quãng thời gian bị đè bẹp bởi các đại kình địch suốt những năm qua? Ralf Rangnick lớn tiếng nói về cách mạng liệu có tại vị nổi sau ở cương vị cố vấn sau vài mùa trắng tay?
Những gì tất cả biết về MU đến lúc này đều cho ra câu trả lời là không. MU nhiều khả năng không thể dự Champions League mùa tới. “Quỷ đỏ” đúng nghĩa sẽ đập đi xây lại từ đầu, với hàng loạt thay đổi từ mọi tuyến.
Nhưng điều cần thay đổi nhất tại Old Trafford lúc này nằm ở tư duy của những người đứng đầu. Nếu họ vẫn nghĩ MU vĩ đại và đặt mục tiêu danh hiệu trong mùa giải sau, mọi nỗ lực đều sẽ đi tới kết quả như hiện tại. Liverpool đã xây lại đội bóng từ tro tàn. MU nên thấu hiểu và chấp nhận điều đó.
Khi Roy Keane nói “Đây không phải đội bóng tôi từng thi đấu” sau khi chứng kiến MU bị Liverpool đè bẹp, cựu tiền vệ người CH Ireland thực sự ám chỉ điều ấy.
MU từng của Keane, lúc này, đã không còn vĩ đại.