Giữa không gian náo nhiệt, ồn ào của ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18, có một góc nhỏ bình yên, lặng lẽ “trưng bày” các “sản phẩm” chứa đựng những giá trị văn hóa trong cuộc sống. Gian hàng của làng nghề “Một thoáng Việt Nam”- Nơi bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mang tính giáo dục lịch sử truyền thống sâu sắc cho các thế hệ đã được tái hiện lại trong một không gian ấn tượng với cách bố trí gian hàng cùng những sản phẩm đã thu hút hàng ngàn lượt du khách ghé thăm.
Với chủ đề: “Sống động từng trải nghiệm”, Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18 diễn ra từ ngày 14/05/2022 – 17/05/2022, gồm những chuỗi hoạt động phong phú, kích cầu thị trường, những tour du lịch mới với rất nhiều ưu đãi sau đại dịch Covid-19 và giới thiệu Thành phố Hồ Chí Minh luôn là điểm đến “An toàn – hấp dẫn – thân thiện” với du khách trong và ngoài nước.
Ngày hội đã nhận được sự đồng hành của gần 50 tỉnh thành và hơn 100 gian hàng của các doanh nghiệp, du lịch, lữ hành, dịch vụ, ẩm thực cùng với hàng ngàn sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Góp mặt vào ngày hội Du lịch năm nay, gian hàng “Một thoáng Việt Nam” đã mang đến những sản phẩm chất lượng nhưng đậm đà bản sắc dân tộc. Nơi hội tụ nhưng tinh hoa văn hóa, những nét đẹp thuần Việt cổ xưa cũng là nơi thể hiện sự tôn trọng và phát huy các giá trị nghề truyền thống của đời sống người Việt. Du khách đến gian hàng “Một Thoáng Việt Nam” sẽ được tận mắt nhìn thấy những đôi tay tài hoa của các nghệ nhân tạo ra sản phẩm mỹ nghệ đặc sắc như: làm giấy dó, dệt lụa bằng tơ sen… Cùng với những thực phẩm sạch chăm sóc sức khỏe được nghiên cứu bằng công nghệ hiện đại sẽ được trưng bày tại gian hàng cùng với chi phí hợp lí để phục vụ cho du khách.
Bên cạnh đó “Một thoáng Việt Nam” còn đầu tư khoa học công nghệ để nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm quý hiếm. Ở đây có hệ thống phòng nuôi cấy mô, phòng lab nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm hỗ trợ nông nghiệp, sản phẩm hữu cơ, áp dụng công nghệ cao (chế phẩm nano, chế phẩm sinh học cao cấp), sản xuất các loại hương liệu, các loại nấm, từ thượng hoàng, tới đông trùng hạ thảo, rồi nấm linh chi, nấm hầu thủ, nấm sò, nấm bào ngư, nấm sữa, nấm mối đen. Các sản phẩm này đều nhận được nhiều sự quan tâm của khách tham quan. Ai đến cũng muốn mang về một phần quà “tốt cho sức khỏe” về tặng gia đình, người thân, bạn bè.
Gian hàng “Một thoáng Việt Nam” còn mang đến cho du khách không gian của nghề thủ công truyền thống làm giấy dó. Một nghề mà có lẽ rất ít người biết đến. Với đôi bàn tay khéo léo, sự kiên trì bền bỉ, tỉ mỉ trong từng khâu, từng bước thì đòi hỏi các nghệ nhân cần phải cẩn thận ngay từ những bước đầu tiên. Nghề làm giấy dó là niềm tự hào của những người nghệ nhân, là nét tinh hoa của dân tộc Việt nhưng trước sự phát triển không ngừng của công nghiệp giấy hiện đại, làng nghề thủ công giấy dó đã không còn được duy trì như trước nữa. Thế nhưng giữa phố thị ồn ào, vẫn có những người, có nơi âm thầm lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống.
Khi đến với làng nghề truyền thống “Một thoáng Việt Nam”, chúng tôi gặp nghệ nhân Phan Thị Hòa, nghe bà chia sẻ về quá trình tằm tự dệt chăn tơ, không cần đến bàn tay con người. Du khách ai cũng ấn tượng với hình ảnh hàng ngàn con tằm cùng nằm trên một mặt phẳng rút ruột nhả tơ một cách chăm chỉ để dệt thành những tấm chăn bông tơ tằm bền đẹp.
Bên cạnh đó, “làng nghề” dệt chỉ, dệt lụa từ tơ sen cũng thu hút rất nhiều sự quan tâm của khách tham quan. Các nghệ nhân chia sẻ: “Sợi tơ sen mềm mại, rất mảnh và dễ đứt, việc lấy tơ sen kỳ công và khó hơn nhiều lần so với sợi tơ tằm và đòi hỏi sự chỉn chu, cầu kỳ, khéo léo…”. Một thoáng Việt Nam kỳ vọng việc sản xuất sợi sen từ cọng lá và cọng hoa sen sẽ mở ra triển vọng nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng sen ở nước ta, thêm một nghề mới cho nông dân các vùng có đất ngập nước, đồng thời tạo ra một nguồn sợi đặc sản với những sản phẩm có giá trị cao.
Cũng tại gian hàng, chúng tôi có cơ hội được trò chuyện cùng bà Trần Thị Tuyết Nga, Chủ làng nghề Một thoáng Việt Nam, được nghe bà chia sẻ nhiều câu chuyện lịch sử thú vị, cũng như hiểu được phần nào những tâm huyết, ý nghĩa và mục tiêu làng nghề hướng đến. Bà luôn tâm niệm: “Chúng tôi muốn làm một điều đó để giữ gìn, quảng bá và phát huy văn hóa dân tộc một cách hiệu quả.” Điều trăn trở này và cũng là động lực tinh thần thôi thúc bà Tuyết Nga cùng các thân hữu cùng chí hướng đã dốc trọn tâm huyết và vốn liếng của mình để tạo dựng một không gian văn hóa đặc sắc và bề thế Một thoáng Việt Nam như hiện nay.
Sau khi dạo một vòng tham quan xung quanh khu ẩm thực đầy màu sắc, hương thơm cùng các gian hàng quảng bá du lịch đầy sôi động, thì khi đặt chân tới gian hàng “Một thoáng Việt Nam” chúng ta sẽ cảm nhận được một không gian thư thái, một nét đẹp thuần Việt, một kho tàng vật cổ, một sự tái hiện mộc mạc, bình dị như muốn mọi người nhớ đến những gì tinh túy nhất để gợi sự nhớ nhung từ “Một thoáng Việt Nam”.
Nơi tụ hội những tinh hoa văn hóa: “Một thoáng Việt Nam”
Khu du lịch ” Một Thoáng Việt Nam” là quần thể làng thủ công truyền thống tại bến Bò Cạp, ấp Phú Bình, xã An Phú, Củ Chi, TP HCM. Khu du lịch được mệnh danh là không gian văn hóa thu nhỏ của Việt Nam sự đa dạng và đặc biệt về văn hóa, lịch sử của nó. Nơi đây còn lưu giữ hàng loạt các nghề truyền thống bằng cách mời nghệ nhân bản địa về làm và biểu diễn tại chỗ, như đan lát, như làm giấy, dệt lụa, làm nước mắm truyền thống nhằm vừa giới thiệu vừa bảo tồn vừa truyền nghề.
Đây là một hình thức khai thác du lịch mới, một dạng du lịch khoa học bền vững và sâu, cặn kẽ và tôn trọng đời sống, hòa đồng nhưng có đầu tư. Một thoáng Việt Nam là một công trình mà khách tham quan học được nhiều sau mỗi chuyến đi và thực sự cảm thấy trân trọng hơn các giá trị tự nhiên và văn hóa quý báu của người Việt Nam.
Giờ đây, cơ ngơi của làng nghề “Một thoáng Việt Nam” khá bề thế với các khu vực như không gian đất nước – con người, khu làm nghề, khu nhà đặc trưng một số vùng miền, khu văn hóa ẩm thực, khu văn thơ, khu hoa thơm cỏ lạ, khu nhà nghỉ… nằm ẩn mình trong vùng cây xanh mát và còn là một bảo tàng thực vật Việt Nam thu nhỏ. Hơn 500 loài cây, từ cây lúa, chuối, bầu, bí, mướp, cây bông vải… trồng rải rác khắp làng cho đến những loài cây đặc biệt hiếm thấy trong khu “hoa thơm cỏ lạ” như cây hoa súng có lá to bằng cái nia, cây súng có hoa đổi màu theo ánh nắng, cây nắp ấm có 20 giống khác nhau và đặc biệt là tre có đến 50 giống sưu tập cả ở trong và ngoài nước.Theo những con đường làng rợp bóng tre, du khách đi qua những vườn cây, dưới những giàn bầu bí trĩu quả, cảm giác thân quen như bất cứ làng quê nào trong ký ức tuổi thơ mỗi người.
Bên cạnh đó, để đi sâu hơn về đời sống vật chất cũng như tinh thần người Việt, “Một Thoáng Việt Nam” còn có các khu không gian như khu nhà Ba gian (đặc trưng vùng nông thôn), nhà Rông (biểu tượng văn hóa cộng đồng của dân tộc Tây Nguyên), nhà rường Huế, nhà mái lá Bình Định, hình ảnh bản đồ Việt Nam nằm trên nền trống đồng Đông Sơn, một không gian Xã Tắc được xây dựng bằng Đất và Nước thiêng từ 64 tỉnh thành của Tổ quốc, từ Lũng Cú đến Mũi Cà Mau tạo nên hình ảnh một đất nước Việt thân quen, gần gũi…
Làng nghề được chia thành 5 khu chính: Khu không gian đất nước; Khu ca múa và đờn ca tài tử; Khu nhà 3 miền; Khu các làng nghề truyền thống; Khu nhà hàng và ẩm thực ven sông. Lấy ý tưởng từ bọc Âu Cơ trăm trứng, kết hợp sự tích Mai An Tiêm – bánh chưng bánh giầy, để tạo nên cổng chào hình quả trứng khá ấn tượng trong lòng du khách. “Một Thoáng Việt Nam” đã tái hiện sinh động quê hương Việt Nam một cách sâu sắc và rõ nét.
Không có những điểm vui chơi giải trí hiện đại, không náo nhiệt, sầm uất, làng nghề “Một thoáng Việt Nam”xuất hiện cứ như là một làng quê yên tĩnh, bình dị, mộc mạc, gợi những lịch sử hào hùng, những hình ảnh vô cùng thân quen, con người ở đây luôn thể hiện sự đoàn kết, có tinh thần che chở cho nhau sẽ là động lực giúp đất nước không ngừng lớn mạnh.
Có lẽ khó kể hết những điều thú vị cùng những kiến thức mới mẻ, bổ ích về lịch sử, thiên nhiên và văn hóa dân tộc mà làng nghề truyền thống “Một thoáng Việt Nam” đem đến cho du khách khi đến đây, Thực tế, làng nghề này đã vượt ra khỏi giới hạn của một trung tâm bảo tồn nghề truyền thống hay một khu du lịch, giải trí thuần túy. Và khi rời khỏi nơi đây, trong trí nhớ mỗi người sẽ là những bức phác thảo rõ nét nhất một Việt Nam thu nhỏ gần gũi và đẹp đẽ, đọng lại trong tiềm thức chính là sự giáo dục, sự truyền tải cho các thế hệ sau này luôn luôn nhớ về cội nguồn của ông cha ta để lại.
Video dạo quanh Một Thoáng Việt Nam tại ngày Hội Du lịch TP.HCM năm 2022:
Kim Ly Chang