Khi Senegal gặp Nhật Bản tại vòng bảng World Cup 2018, bình luận viên truyền hình gợi ý “để thắng Nhật Bản thì Senegal cần chơi thứ bóng đá châu Phi điển hình”. Cụm từ “thứ bóng đá châu Phi điển hình” cũng được rất nhiều cựu cầu thủ như Slaven Bilic, Michael Ballack, Alexi Lalas,… nhắc đến khi họ làm khách mời trong các buổi bình luận World Cup.
Đội bóng châu Phi chỉ có sức mạnh và tốc độ?
Trên thế giới, chưa có định nghĩa chính thức nào về “thứ bóng đá châu Phi điển hình”. Chỉ có một số phong cách được định danh như bóng đá kiểu Anh là thiên về thể lực, nhanh, trực tiếp, không chuyền bóng lòng vòng.
Phong cách Italy cẩn trọng, “mưu mẹo”. Nam Mỹ ngẫu hứng, tự tin với bóng, rê dắt giỏi. Bắc Âu có tổ chức, thể lực, cự ly đội bóng được giữ vững. Phong cách lục địa với các đội châu Âu như Hà Lan, Tây Ban Nha chuyền bóng giỏi, thi đấu tập thể, làm chủ mặt sân. Phong cách Trung Mỹ luân chuyển bóng chậm bằng những đường chuyền ngắn, rê dắt nhiều.
Vậy thì phong cách châu Phi như các chuyên gia nhắc đến là gì? Có lẽ là phong cách chơi bóng dựa trên sức mạnh, tốc độ, thể chất vượt trội của người châu Phi.
Có sức mạnh thể lực là điều quá tốt. Mọi cầu thủ đều sử dụng những gì nhỉnh hơn để giành quyền kiểm soát đối phương. Nếu có thể lực mạnh hơn, đội bóng đó sẽ lựa chọn “vũ khí” ấy để đánh bại đối thủ.
Nhưng gần như theo một cách vô thức, khi nhắc đến người châu Phi, bóng đá ở lục địa này là mạnh mẽ, cao lớn thường chứa trong đó những hàm ý cộng thêm. Đó là sự vô kỷ luật, thiếu thông minh, lười biếng, hạn chế về trí óc, ngây thơ về chiến thuật, thậm chí là hoang dã.
Nếu bắt buộc các nhà bình luận bóng đá loại bỏ các từ “sức mạnh” và “tốc độ” khi bình luận trận đấu, chắc chắn họ sẽ hoàn toàn lạc lối khi mô tả các cầu thủ châu Phi. Và trong tất cả bài báo cũng sẽ rơi vào trường hợp tương tự.
Tại World Cup 2018, Senegal thắng Ba Lan 2-1 ở vòng bảng bằng cách chơi thứ bóng đá trực diện, điềm tĩnh, dựa vào những đường chuyền sắc bén và rê bóng kỹ thuật, trong khi hầu như không cho đối thủ của họ đất diễn. Trên thực tế, chính Ba Lan sử dụng bóng dài và lối chơi thể lực trong hiệp hai sau đó để lấy lại thế trận.
Nhưng Senegal chỉ được khen là có tốc độ và sức mạnh. Không ai ca ngợi họ cũng có sự sáng tạo, gắn kết đồng đội, phòng ngự có tổ chức và chuyền bóng thông minh.
Người châu Phi thường bị đối xử bằng “tiêu chuẩn kép”
Thực tế, người châu Phi không chắc khỏe hơn da trắng. Các VĐV vật, cử tạ giỏi đều là người da trắng thuộc Đại chủng Âu (Caucasian). Nhìn vào các cuộc thi người khỏe nhất hành tinh, đó toàn thí sinh da trắng. Người châu Phi mạnh ở nhóm các sợi cơ chạy nước rút dùng glucose làm nguồn nhiên liệu của họ tốt, nên có xu hướng thể hiện tốc độ bùng nổ nhất trong thi đấu. Sức mạnh của họ lớn khi kết hợp với tốc độ.
Các cầu thủ châu Phi thường bị đối xử theo “tiêu chuẩn kép”. Khi một cầu thủ như Yaya Toure đề xuất CLB tăng lương, dư luận sẽ mô tả đó là hành vi tham lam chưa từng thấy. Còn khi Wayne Rooney đòi CLB tăng lương, đó lại là chuyện bình thường.
Một cầu thủ châu Phi nhận thẻ đỏ là đích đáng vì thể hiện lối chơi hoang dã. Còn với một cầu thủ châu Âu thì đó là thô bạo quá mức cần thiết.
Trước World Cup 2014, các cầu thủ Cameroon từ chối lên máy bay đến Brazil nếu không được nhận khoản tiền thưởng cho việc vượt qua vòng loại, họ bị gắn nhãn là tham lam, ích kỷ, vô kỷ luật. Lỗi là của các quan chức LĐBĐ quan liêu, tham nhũng.
Số tiền này lẽ ra phải được trả cho các cầu thủ từ vài tháng trước đó. Họ nhiều lần chịu việc bị xù thưởng, chậm thưởng nên họ không tin các quan chức.
Bóng đá châu Phi nếu có cơ quan điều hành minh bạch, giải quyết rốt ráo các vấn đề tài chính, giải VĐQG trong nước tốt, bổ nhiệm đúng HLV, mạnh tay loại bỏ các cầu thủ vô kỷ luật ra khỏi đội tuyển, khai thác tốt tài năng từ các cộng đồng di cư, họ sẽ phát triển mạnh.
Các đội bóng châu Phi tại World Cup 2022
Cả năm đội châu Phi đến Qatar là Cameroon, Senegal, Ghana, Morocco và Tunisia đều dùng các HLV người bản địa. Họ không cần dùng các “thầy phù thủy da trắng” đến từ châu Âu để khai hóa bóng đá.
Các đội châu Phi không có thói quen thay đổi HLV xoành xoạch. HLV Aliou Cisse nắm đội Senegal từ năm 2015. Chứng tỏ sự ổn định và trình độ tổ chức của bóng đá châu Phi rất khá.
Toàn bộ 26 tuyển thủ Senegal thi đấu tại nước ngoài. Ghana và Cameroon chỉ có 2 cầu thủ thi đấu trong nước, Morocco thì có 3. Họ đều cọ xát với bóng đá đỉnh cao châu Âu hàng tuần nên không thể cho rằng chơi bóng mang tính bản năng, cá nhân cao.
Tất cả đều có trình độ nhận thức cao về chiến thuật và lối chơi đồng đội. Khán giả đừng ngạc nhiên nếu thấy những đội châu Phi thi đấu nhịp nhàng, khoa học và sáng tạo.
Tuy vậy, kỳ World Cup này không được thấy đội bóng nào có một “đội hình vàng” như Nigeria 1998, Senegal 2002 hay Bờ Biển Ngà 2006, cùng các ngôi sao lớn như Roger Milla, Didier Drogba. Nhưng có thể trông đợi vào sự tỏa sáng của Thomas Partey (Ghana), Sadio Mane (Senegal), Achraf Hakimi (Morocco), Choupo-Moting (Cameroon).
Nhìn vào các bảng đấu, cơ hội vào vòng đấu loại trực tiếp của Senegal là sáng nhất, với các đối thủ là Hà Lan, Qatar, Ecuador.