Tất nhiên, việc để thua một đội tuyển xếp dưới mình 17 bậc trên bảng xếp hạng FIFA ít nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý của “Samurai xanh” trước ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh tại Qatar. Nhưng xét toàn cục, đây chỉ là trận giao hữu và thất bại này không phải là thảm họa.
Những thử nghiệm của ông Moriyasu
Báo chí Nhật Bản không ít lần chỉ trích nhà cầm quân Hajime Moriyasu, cho rằng ông này có tư tưởng bảo thủ, thậm chí không đủ trình độ để nâng cấp bóng đá Nhật. Tuy nhiên, nhìn vào thực tại, đội tuyển Nhật Bản dưới thời Moriyasu vẫn nung nấu những tham vọng lớn và giàu tiềm năng phát triển.
Trở lại trận đấu với Canada vừa qua. Nhật Bản vẫn chơi dựa theo sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1 quen thuộc, chủ trương kiểm soát bóng và các bài phối hợp ngắn.
Khi Takehiro Tomiyasu, ngôi sao đang khoác áo Arsenal, chưa đạt trạng thái thể lực tốt nhất, hàng thủ của Nhật Bản vẫn còn những gương mặt sáng giá như Shogo Taniguchi hay Kou Itakura. Ở tuyến giữa, Daichi Kamada ngồi dự bị, thay vào đó, Moriyasu sử dụng Takumi Minamino trong vai trò kiến thiết lối chơi, kết hợp cùng Takefusa Kubo và Yuki Soma hỗ trợ cho tiền đạo mũi nhọn Takuma Asano.
Thực tế, Nhật Bản đã khởi đầu trận đấu cực kỳ hứng khởi, triển khai đúng ý đồ, và sớm vượt lên với bàn thắng của Soma. Nhưng sau đó, trước một Canada giàu thể lực, tích cực vây ráp và không ngại tranh chấp, lối chơi bóng ngắn của người Nhật đã gặp thử thách lớn.
Sau khi bị Canada gỡ hòa, Nhật Bản duy trì cách đá chậm, và có thể do tính chất của một trận giao hữu, cho nên “Samurai xanh” không quá vội vã trong việc dồn hỏa lực để ép ngược đối thủ. Lẽ ra, Nhật đã có thể dìu trận đấu về một kết quả hòa nếu như không có biến cố vào những phút cuối trận, bị thổi phạt đền và hứng chịu bàn thua.
Thử nghiệm đáng kể nhất của Nhật Bản ở trận này là sự kết hợp giữa Tanaguchi và Itakura nơi trung tâm hàng phòng ngự. Mặc dầu vẫn còn những khiếm khuyết nhưng đây là các nhân tố có thể thay thế tốt cho Tomiyasu hay Yoshida.
Cặp tiền vệ đánh chặn án ngữ trước hàng thủ được giao cho Gaku Shibasaki và Ao Tanaka, thay thế Hidemasa Morita và Wataru Endo. Song, cả hai cần thêm thời gian để tạo ra sự ăn ý.
Người gây thất vọng nhất có lẽ là Minamino. Trong vai trò hộ công, cầu thủ đang chơi cho Monaco không tạo ra những nét đột biến cũng như trở thành sợi dây liên lạc hiệu quả với các vệ tinh xung quanh.
Nhật Bản vẫn là lá cờ đầu châu Á
Nói gì thì nói, ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản vẫn là lá cờ đầu của bóng đá châu Á. Trước khi dự World Cup lần này tại Qatar, Nhật Bản từng 6 lần góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, và 3 lần vượt qua vòng bảng vào các năm 2002 (sân nhà), 2010 và 2018.
Cho dù đội hình hiện tại của Nhật Bản không sở hữu một ngôi sao tầm cỡ như Son Heung-min phía Hàn Quốc, nhưng họ vẫn được đánh giá cao ở tính đồng đều về mặt con người và định hình được lối chơi có đường nét.
Lá thăm may rủi đã đưa Nhật Bản vào bảng “tử thần”, phải đụng độ 2 ứng viên vô địch là Tây Ban Nha và Đức, chỉ dễ thở phần nào khi giáp mặt Costa Rica. Nhưng đội quân của ông Moriyasu vẫn đặt quyết tâm cao cho việc vượt qua vòng bảng, thậm chí vào đến Tứ kết – điều mà họ nhiều lần lỗi hẹn.
Cỗ máy của Nhật Bản vẫn còn lỗ hổng, nhưng đừng bao giờ đánh giá thấp năng lực chuyên môn cùng tinh thần bất khuất của nền bóng đá xứ sở mặt trời mọc. Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Tiến lên nào, “Samurai xanh”!
(Bạn đọc: Khải My)