Lần đầu tiên trong lịch sử, một đội chủ nhà để thua ở trận ra quân World Cup. Qatar nhận được nhiều kỳ vọng nhưng rốt cuộc, họ không thể ngăn cản những bước chạy mạnh mẽ từ các cầu thủ Ecuador.
Thầy trò HLV Felix Sanchez nhận hai bàn thua ngay trong hiệp một. Thậm chí, chủ nhà còn không có nổi một lần đưa bóng đi trúng đích trong suốt 90 phút. Qatar hoàn toàn thất thế cả về chiến thuật, tinh thần lẫn sức mạnh thể chất trước Ecuador. Hàng loạt cổ động viên bỏ về giữa chừng cho thấy sự thất vọng lớn.
Dấu hỏi chuyên môn
Cựu tiền đạo Alan Shearer bình luận trên BBC: “Nhiều ghế trống xuất hiện trên khán đài sân Al Byat và đều ở khu vực của CĐV chủ nhà Qatar. CĐV của Qatar dường như không muốn quay trở lại theo dõi trận đấu”.
Sức mạnh của Qatar thực ra đã bị nghi ngờ từ trước giải. Với tư cách chủ nhà, Qatar không tham dự vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Do đó, Asian Cup 2019 là giải đấu cấp châu lục có tính cạnh tranh cuối cùng mà họ dự cho tới nay. Các sự kiện khác sau này như Arab Cup, Gulf Cup đều ở tầm khu vực. Qatar cũng dự CONCACAF Gold Cup và Copa America nhưng đều với tư cách khách mời.
Trong hai năm qua, Qatar chủ yếu tổ chức những trận giao hữu để thử nghiệm đội hình. Trước khi để thua 0-3 trước U23 Croatia vào tháng 9/2022, Qatar bất bại 4 trận liền. Sau đó, họ đá thêm 6 trận nữa với thành tích 4 thắng, một hòa và một thua (trước Canada).
Nếu nhìn sơ qua, kết quả trước World Cup của Qatar tương đối ổn. Tuy nhiên, báo chí Anh tiết lộ, các trận đấu của Qatar thường được tổ chức ở SVĐ khép kín, hầu như không có sự xuất hiện của giới truyền thông. Thậm chí tỷ lệ Qatar có tỷ lệ hưởng phạt đền cao bất thường trong các trận đấu này.
Qatar có can thiệp để thu về kết quả tốt trong quá trình chuẩn bị cho World Cup 2022 hay không thì chưa rõ? Nhưng so với các đối thủ đã khổ chiến ở vòng loại World Cup 5 châu lục, trải nghiệm của họ rõ ràng không khốc liệt bằng.
Trước những đối thủ vừa sức hoặc yếu hơn, Qatar thường hòa hoặc thắng cách biệt vừa phải. Tuy nhiên khi gặp những ông lớn như Bồ Đào Nha, Serbia, đội bóng Tây Á thua đậm. Đó là minh chứng cho khoảng cách trình độ giữa tân binh World Cup và những đối thủ có kinh nghiệm dự sân chơi này.
Bóng đá Qatar thể hiện sự tiến bộ trong những năm qua với dấu ấn toàn thắng trong hành trình giành chức vô địch Asian Cup 2019. Họ cũng vào tới bán kết CONCACAF Gold Cup với tư cách khách mời.
Dù vậy, thành tích đó chưa thể khỏa lấp điểm yếu thiếu kinh nghiệm ở giải đấu lớn như World Cup. Đây là lần đầu tiên Qatar dự World Cup. Họ không được coi là niềm hy vọng của châu Á nếu so với những gương mặt quen thuộc như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trận khai mạc, Ecuador cho thấy khác biệt về kinh nghiệm. Trong lịch sử, Ecuador từng 3 lần dự sân chơi này. Họ đến Qatar với tư cách đội xếp thứ 4 vòng loại Nam Mỹ, sau Brazil, Argentina và Uruguay. Trong khi đó, Qatar không phải đá vòng loại mà chỉ đấu giao hữu suốt 2 năm qua.
“Chúng tôi không vượt qua được áp lực tâm lý và có một khởi đầu tồi tệ”, HLV Sanchez thừa nhận sau trận. Qatar không thiếu tiền, nhưng tiền không khỏa lấp được điểm yếu kinh nghiệm từ đội hình của họ.
Yếu tố con người
Học viện Aspire, niềm tự hào của bóng đá Qatar, đóng góp tới 18 tuyển thủ trong đội hình dự World Cup, nổi bật là Tarek Salman, Almoez Ali, Al-Rawi hay Assim Madibo. Tuy nhiên, chất lượng đội hình của Qatar khó để so với Ecuador.
Theo trang chuyển nhượng Transfermarkt, tổng giá trị đội hình của Ecuador là 146,5 triệu euro trong khi tuyển Qatar cộng lại chỉ xấp xỉ 15 triệu euro, kém gần 10 lần. Phần đông tuyển thủ Qatar dự World Cup vẫn đang thi đấu trong nước trong khi phân nửa đội hình Ecuador đang đá ở châu Âu và Mỹ.
Qatar chuẩn bị hơn một thập niên để xây dựng đội tuyển cho World Cup. Đội tuyển của họ tập trung từ cuối tháng 6, được vận hành giống một CLB chuyên nghiệp, ăn tập cùng nhau nhiều năm, được xây dựng bài bản để hướng tới World Cup 2022. Thế nhưng, như đã đề cập ở trên, các cầu thủ thiếu giải đấu cọ xát, nâng cao trình độ.
Cá nhân HLV Sanchez cũng không được đánh giá cao. Ông từng là bại tướng của HLV Park Hang-seo tại giải U23 châu Á 2018. U23 Việt Nam đánh bại Qatar ở bán kết sau loạt luân lưu cân não. Cảnh HLV Sanchez ôm đầu thất vọng vẫn được xem là hình ảnh biểu tượng cho tiến bộ phi thường của bóng đá Việt Nam.
Khi dẫn U23 Qatar dự giải U23 châu Á 2020, ông Sanchez không thể giúp đội nhà vượt qua vòng bảng. Trong mắt người dân Qatar, Sanchez luôn bị coi là phương án mang tính tạm thời. Ở một đất nước “không có gì ngoài tiền”, họ cần một cái tên xứng tầm để nuôi dưỡng giấc mộng lớn tại World Cup 2022.
Trước khi cùng Qatar vô địch Asian Cup 2019, HLV Sanchez thất bại trong hai trận đầu tiên cầm quyền ĐTQG trước Syria và Trung Quốc tại vòng loại World Cup 2018. Đội tuyển Qatar toàn thua và kết thúc bảng đấu ở vị trí đội sổ.
Tới khi tham dự giải vô địch các quốc gia vùng vịnh, khi đối thủ “mềm” hơn rất nhiều là Iraq, Syria và Yemen, đội bóng này cũng chẳng thể vượt qua nổi vòng đấu bảng. Thua Ecuador, sự non nớt của một HLV chưa từng dẫn ĐTQG trước đó một lần nữa bị phơi bày. HLV Sanchez chỉ đảm nhận công tác đạo tạo trẻ ở Barcelona trước khi về Qatar làm việc.
Thất bại trước Ecuador khiến Qatar khó vượt qua vòng bảng. Hai trận còn lại, họ phải đối đầu Senegal và Hàn Quốc, đối thủ được đánh giá mạnh hơn Ecuador rất nhiều. Với Qatar, viễn cảnh về một kỳ World Cup tệ hại đang hiện ra trước mắt.