Không phải ngẫu nhiên mà vị trí bảo tàng trưng bày, giới thiệu lịch sử và thành tích của bóng đá Croatia được đặt ngay cạnh quảng trường chính ở thủ đô Zagreb.
Cái tên Budi Ponosan, cụm từ có nghĩa là niềm tự hào, phần nào nói lên trái túc cầu chiếm vị thế quan trọng trong khối óc và trái tim người dân ở quốc gia nằm bên bờ biển Adriatic.
Người Croatia thường ví những đức tính giúp họ đi qua cuộc chiến giành độc lập vào thập niên 1990 với cách mà các cầu thủ nước này chơi bóng: lòng dũng cảm, sự kiên cường, khó bị quật ngã. Như cách HLV Zlatko Dalic nói: “Đội bóng này phản ánh tâm hồn của người dân Croatia“.
Với đội tuyển bóng đá mới chỉ gần 30 năm tuổi, gần bằng số năm đất nước ra đời, môn thể thao vua đã một phần lớn của lịch sử Croatia, tạo nên hình ảnh của quốc gia này.
Trái bóng quyết định bản sắc dân tộc
Sau khi Croatia giành độc lập vào năm 1991, tầng lớp lãnh đạo đất nước xây dựng kịch bản cho sự hồi sinh của họ với tư cách một quốc gia bằng cách nhấn mạnh vào thể thao.
Franjo Tudman, tổng thống đầu tiên của nước này, vốn là một quan chức thể thao cấp cao ở Nam Tư, hoàn toàn hiểu sức mạnh và năng lượng mà thể thao có thể mang lại trong quá trình tạo ra bản sắc dân tộc.
Các vận động viên, đặc biệt là cầu thủ bóng đá, được coi là “những đại sứ vĩ đại nhất của Croatia với thế giới”. “Chiến thắng bóng đá định hình bản sắc dân tộc ngang với các cuộc chiến tranh“, ông Tudjman từng tuyên bố.
Petar Skansi, cố cầu thủ và huấn luyện viên bóng rổ chuyên nghiệp người Croatia, trong một bài phỏng vấn với BBC, từng chỉ ra rằng thể thao Croatia chỉ có thể cạnh tranh ở cấp độ đội tuyển quốc gia, bởi ở cấp nhỏ hơn, họ không thể theo kịp các CLB xuất sắc khác ở châu Âu – những nơi có điều kiện, tài chính, công nghệ huấn luyện hiện đại hơn.
Miroslav Ciro Blazevic, cựu HLV tuyển quốc gia và từng là cố vấn thân cận với ông Tudjman, bày tỏ tương tự: “Không có nhiều thứ chúng tôi sánh được với các quốc gia khác vốn giàu có và hùng mạnh hơn. Vì vậy, chúng tôi tìm thấy chính mình trong túc cầu”.
Xa hơn nữa, môn thể thao vua đem lại cho xã hội nước này sự giải tỏa khỏi đời sống nhiều khó khăn vào thập niên 1990. Cựu cầu thủ Robert Prosinecki miêu tả trái bóng là thứ tạo điều kiện cho người dân thấy hạnh phúc, “từ đó đoàn kết để ăn mừng, cảm nhận vinh quang và tinh thần tập thể”.
“Cháu gái tôi mới 3 tuổi. Con bé không chơi búp bê mà chỉ vào quả bóng và hô ‘Modric’. Với tôi, điều đó thật tuyệt vời”, nhà báo thể thao người Croatia, Srdan Fabijanac, kể lại.
Với “kim chỉ nam” xuyên suốt đó, cộng với việc trẻ em được khuyến khích chơi thể thao ngay từ nhỏ, cùng chế độ ăn uống được chú trọng và nhiều cơ hội hoạt động ngoài trời và tập thể dục trên khắp đất nước, Croatia dần đạt những bước tiến lớn.
Sự sùng bái đội tuyển quốc gia
Trong bộ phim tài liệu Croatia: Creating A Nation (Tạm dịch: Croatia: Định nghĩa một quốc gia), lịch sử bóng đá nước này được kể lại dưới góc nhìn của ba trong số những cầu thủ kỳ cựu: Zvonimir Boban, Slaven Bilic và Igor Stimac – những người đã đi qua giai đoạn chiến tranh, hình thành đất nước và góp phần làm nên kỳ tích ở World Cup 1998.
Năm đó, Croatia ra về với tấm HCĐ chung cuộc. Đây được coi là thành tựu lớn với một quốc gia lần đầu tham dự giải đấu, hơn nữa là một nước mới chỉ giành độc lập vài năm trước đó và còn loay hoay tìm cách khẳng định mình trên bản đồ quốc tế.
Stimac nói rằng anh và các đồng đội cũ gánh trách nhiệm quan trọng là đặt nền móng cho di sản bóng đá hiện đại của Croatia.
Còn Zvonimir Boban tâm sự rằng: “Người Croatia rất gắn bó với trái túc cầu. Sâu xa trong văn hóa chúng tôi, bóng đá là điểm chính yếu trong xã hội. Thế hệ của tôi đã tạo ra một tôn giáo với trái bóng tròn, sự sùng bái với đội tuyển ở quê hương và thế hệ tiếp theo tôn trọng điều đó”.
Những ai được khoác lên mình màu áo caro đặc trưng cho tuyển quốc gia đều coi đó là một vinh dự.
Tại World Cup lần này, “đội bóng caro” bước vào giai đoạn chuyển giao. “Chúng tôi có 18 cầu thủ mới. Nhiều người đang chơi ở World Cup lần đầu tiên nhưng nó không tạo ra sự khác biệt nào cả”, hậu vệ Sosa nói về đội hình năm nay.
Điều Sosa cho rằng không có sự thay đổi chính là sự gắn kết, tinh thần giữa những thành viên.
Theo NY Times, hầu hết cầu thủ trẻ ở Croatia đều dành thời gian đầu trong sự nghiệp tại một trong hai đội câu lạc bộ lớn của cả nước là Dinamo Zagreb và Hajduk Split. Điều này đồng nghĩa không có sự kình địch giữa các nhân tố.
“Gia đình” – khẩu hiệu của giải đấu quốc gia – không phải là một chiêu trò tiếp thị, mà là giá trị những người làm thể thao ở nước này thực sự hướng đến.
Nhà báo Fabijanac, người đang có mặt tại Qatar, nói rằng sự hòa hợp của đội tuyển được xây dựng từ sự kết hợp giữa kinh nghiệm của các gương mặt gạo cội như Luka Modric, Ivan Perisic và Dejan Lovren với những cái tên mới như Josko Gvardiol và Borna Sosa.
“Một số không sinh ra trong thời kỳ đất nước loạn lạc, nhưng ký ức về thời gian khổ và cảm xúc dân tộc vẫn còn rất mạnh mẽ. Đó là thứ thúc đẩy các thành viên và lý giải việc các cầu thủ bóng đá Croatia luôn thi đấu bằng cả trái tim cho đội tuyển quốc gia”, Fabijanac kết luận.