Uống bia và xem bóng đá từng được xem là sự kết hợp “kinh điển” của những người hâm mộ môn thể thao vua. Tuy nhiên, với khí hậu lạnh giá tại Hà Nội, một số người có lựa chọn khác.
Rượu được nhiều người ưa chuộng hơn trong mùa đông khi theo dõi World Cup. Ảnh: phil_cruz.
Thay vì hẹn gặp ở quán bia quen thuộc, những ngày này anh Mai Anh Dũng (29 tuổi, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) cùng nhóm bạn thân quyết định tụ tập tại hàng nhậu ngay dưới sân khu chung cư để xem World Cup.
Trong điều kiện nhiệt độ ngoài trời sau 22h tại Hà Nội xuống tới khoảng 15 độ C, mọi người cũng chọn một nồi lẩu riêu và uống cùng rượu thay vì “combo bia, đậu rán, rau xào, dồi sụn” như thông lệ.
“Mùa đông, uống rượu cho ấm người. Tiện thời tiết này, nhâm nhi cùng nồi lẩu, xem bóng đá cũng coi như một thú vui”, anh Dũng cười.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo tác động của bia và rượu đối với cơ thể gần như tương đương và nếu sử dụng quả nhiều, cả bia lẫn rượu đều gây độc cho các cơ quan nội tạng, nặng nề nhất là gan.
Combo “mùa đông”
Theo ghi nhận, trong những ngày đầu sau khi World Cup 2022 khai mạc, các quán bia hơi, từ lớn đến nhỏ, thuộc các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai thu hút số lượng khách rất lớn.
TV không đủ, các nhà hàng này thậm chí đã bố trí màn chiếu lớn để đảm bảo phục vụ cho nhu cầu khách lớn hơn, sẵn sàng cho những trận đấu hấp dẫn của giải đấu. Tuy nhiên, sau khi Hà Nội cũng như miền Bắc đón đợt không khí lạnh, nhiệt độ giảm sâu, nhu cầu của người xem đã có sự thay đổi nhất định.
“Không chỉ tôi, bạn bè trong nhóm, đồng nghiệp hay nhậu cùng tôi thời gian này cũng chủ động nhắn vào nhóm chat để rủ ngồi quán rượu thay vì bia. Đa số đều lấy lý do là uống cho ấm”, anh Dũng chia sẻ.
Không khí trái ngược giữa một nhà hàng bia hơi (trên) và một quán nướng phục vụ rượu thuộc quận Cầu Giấy lúc 22h15 – khung giờ đấu sớm của World Cup 2022. Ảnh: Quốc Toàn.
Tương tự, anh Phạm Chí Hùng (26 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) cho biết “mùa hè uống bia, mùa đông uống rượu” đã trở thành một “truyền thống” của anh cùng nhóm bạn.
“Khác mọi lần, World Cup năm nay lại tổ chức vào mùa đông. Thành ra tôi nghĩ việc mọi người vừa ăn nướng, lẩu, uống rượu xem bóng đá cũng hợp lý hơn ngồi quán bia”, Hùng nhận xét.
Theo Hùng, nhóm của anh thường thường hẹn nhau ăn uống và xem bóng đá vào các trận đấu lớn. Do đó, World Cup cũng là dịp để anh cùng bạn bè gặp nhau nhiều hơn.
Nam thanh niên tâm sự: “Bia hay rượu đều được cả. Quan trọng là vẫn vui. Xem bóng đá có bạn bè, chút bia rượu, đồ ăn nên có không khí hơn”.
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thu Trang, chủ một quán bia nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai, cho biết đã rất kỳ vọng vào kỳ World Cup năm nay có thể tăng doanh thu như mọi lần. Tuy nhiên, mọi chuyện đang không được như ý.
“Thời gian đầu giải, khách tới đông hơn hẳn ngày thường. Nhưng sau khi trời lạnh, số lượng khách phải giảm tới hơn một nửa. Trời rét, vào vòng trong, các đội lại đá muộn nên cũng đành chịu”, chị Trang nói.
Rượu hay bia đều có tác động như nhau
Theo trao đổi, thạc sĩ, bác sĩ dinh dưỡng DZoãn Thị Tường Vi, nhận định: “Khác biệt duy nhất chỉ là rượu có nồng độ cồn cao hơn bia nên thông thường. Do đó, uống rượu làm người ta dễ say hơn, uống được ít hơn. Tuy nhiên, nếu tính theo đơn vị cồn, lượng năng lượng cơ thể nạp vào khi uống bia và rượu đều như nhau”.
Theo bác sĩ này, mỗi ngày, cơ thể chỉ có khả năng chuyển hóa 2 đơn vị cồn (tương đương 2 lon bia hoặc 2 ly rượu vang 100 ml hay 2 chén rượu 30 ml). Nếu uống quá nhiều, cơ thể không xử lý được sẽ làm ứ đọng chất độc trong gan, gây tổn thương gan.
Khi gan không thể thực hiện các chức năng của mình như chuyển hóa, giải độc, dự trữ, đồng nghĩa với việc uống rượu, bia không chỉ gây ra nguy cơ tăng cân mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe toàn bộ cơ thể.
Cụ thể, bản thân cồn là các năng lượng rỗng – yếu tố làm tăng tổng lượng năng lượng nhưng không cung cấp vitamin hay chất khoáng. Sử dụng quá nhiều năng lượng rỗng có thể dẫn đến nguy cơ thừa năng lượng nhưng vẫn thiếu chất dinh dưỡng để cung cấp cho cơ thể.
Bên cạnh đó, việc uống rượu, bia có khả năng kích thích hệ tiêu hóa. Yếu tố này khiến chúng ta có thể ăn nhiều hơn, cảm giác no đến chậm hơn gây khó khăn cho việc kiểm soát lượng thực phẩm nạp vào. Kết hợp với đó, đặc điểm chung của các món nhậu thường có rất nhiều chất béo nhưng lại đan xen trong món ăn rất khó nhận biết.
Theo BSCKII Vũ Trường Sơn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện, khi một người uống rượu, bia, nó sẽ được hấp thu trực tiếp 30% vào máu đi qua dạ dày, 80% di chuyển qua ruột non chỉ trong vòng 30-60 phút. Nếu dạ dày hoàn toàn trống, bia, rượu sẽ được hấp thu nhanh hơn nhiều so với khi dạ dày có thức ăn.
Sau khi được hấp thu, bia, rượu sẽ được chuyển hóa 90% tại gan, lượng ít còn lại (khoảng 5-10%) được thải ra ngoài thông qua tuyến mồ hôi, nước tiểu và hơi thở. Sau đó, rượu bia vào máu và di chuyển liên tục đến khắp các mô tế bào và các cơ quan khác trong cơ thể.
Khi 90% bia rượu tập trung tại gan, cơ quan này sẽ sử dụng một loại men xúc tác có tên là Nicotintamid Adenin Dinucleotid (NAD) để thực hiện quá trình chuyển hóa, giải độc. Nhưng men NAD do gan sản sinh ra với số lượng không nhiều, đủ để chuyển hóa một lượng bia rượu vừa phải trong thời gian ngắn.
Bác sĩ Trường Sơn cho hay nếu uống quá nhiều bia rượu, gan sẽ không sản xuất đủ men NAD để chuyển hóa. Từ đó, bia rượu sẽ bị ứ đọng lại trong cơ thể, gây độc cho các cơ quan nội tạng, nặng nề nhất là gan. Bạn uống chưa say nhưng khi bia rượu vượt quá khả năng đào thải của gan cũng gây ảnh hưởng cho sức khỏe.
Theo Quốc Toàn (zing) – Ảnh: T.H