Juanma Lillo từng là “cánh tay phải” của Pep Guardiola trong 3 năm tại Manchester City. Cả hai quen nhau từ năm 1996, khi Pep là cầu thủ của Barca còn Lillo dẫn dắt Real Oviedo.
Năm 2005, Pep ở đoạn cuối sự nghiệp cầu thủ đã từ chối gia nhập Man City để đến Mexico chơi cho Dorados Sinaloa trong 6 tháng. Lý do duy nhất khiến Guardiola hành động như vậy là để được tái ngộ Lillo. Cả hai tâm đầu ý hợp, và được mô tả là “có thể trò chuyện về bóng đá tới nửa đêm”.
Chia sẻ với Athletic, Lillo tin rằng việc đánh giá thành bại của cả sự nghiệp cầu thủ chỉ dựa theo một chung kết World Cup là điều không có cơ sở.
Zing dịch lại bài viết của Lillo về luận điểm này cùng những câu chuyện về Lionel Messi, những sự so sánh với Mbappe và trận chung kết được coi là “hấp dẫn nhất lịch sử”.
Messi liệu có cần World Cup để vĩ đại?
Giờ thì chỉ vì Argentina giành chiến thắng trên loạt sút luân lưu, nên Lionel Messi đã hay hơn Diego Maradona. Điều này khiến tôi bật cười vì chúng ta cứ ngả đi ngả lại giữa chiến thắng và thất bại. Nhưng điều này đã, sẽ và luôn luôn tồn tại trong tâm trí mỗi người.
Cuộc chơi không chỉ dựa vào một cá nhân duy nhất, mà dựa vào giá trị của riêng họ. Hãy thử tưởng tượng mọi thứ đã có thể chuyển biến như nào, từ những lời tán dương cho tới những sự khẳng định về cái mác “vĩ đại nhất”. Mọi thứ đã có thể rất khác nếu Randal Kolo Muani ghi bàn trong những phút bù giờ của hiệp phụ thứ 2.
Trong 10 phút cuối trận ở khoảng thời gian thi đấu chính thức, Pháp ghi 2 bàn và tạo ra tới 4 cơ hội. Đây không phải là thông số đem ra để chỉ trích Argentina, nhưng nếu Pháp ghi thêm 1 bàn thắng nữa trong số đó, những sự phân tích chuyên sâu của các chuyên gia sẽ đi về đâu?
Mọi người tán dương Lionel Scaloni với cách huấn luyện tài tình. Tất cả đã có thể xoay chuyển 180 độ nếu Kolo Muani ghi bàn lúc cần nhất. Nếu điều đó xảy ra, hãy cùng xem mọi người phân tích gì về HLV trưởng của Argentina.
Tôi muốn nói về những người ngồi nhà và phát biểu “Bạn à, tôi sẽ giải thích cái này. Kết quả này có được vì thế này, thế nọ,…”
Ai trong số chúng ta cũng có những lập luận riêng của mình. Bạn có điều đó và tôi cũng vậy. Khi trận đấu kết thúc, tôi có thể áp lập luận của mình để giải thích điều gì đã xảy ra.
Argentina có đến 2 cơ hội ngon ăn của Lautaro Martinez trước loạt sút luân lưu. Thế nhưng, không ai nói về chuyện người Pháp đã làm rất tốt, chịu được những áp lực tới từ đối phương, phòng ngự xuất sắc và là đội xứng đáng thắng hơn trong những giây phút cuối cùng của hiệp phụ. Tôi tự hỏi, lúc đó thì những chuyên gia, những nhà phân tích đã ở đâu.
Chúng ta đều quen với cách mà những lời tán dương hoạt động. Nếu bạn thắng, không có vấn đề gì cả. Nếu bạn thua, bạn đứng ở hàng ngũ tồi tệ. Chỉ khi kết quả đã an bài, chúng ta mới viết lên những dòng phân tích về cái hay hoặc cái dở của một đội bóng.
Đây là định nghĩa của từ “kinh nghiệm”. Chúng ta gán quá nhiều ý nghĩa cho mọi tầng lớp xã hội. Điều này không có một chút tính logic gì cả. Nó giống như việc bạn mua vé xổ số sau khi kết quả và người thắng đã được công bố từ lâu.
Vậy nếu Kolo Muani ghi bàn, Messi sẽ không còn là cầu thủ hay nhất thế giới? Hãy nhớ lại những gì mà Messi đã làm với thế giới bóng đá. Tại sao danh hiệu World Cup lại là thứ bằng cấp để khẳng định mọi di sản mà Messi đã đạt được?
Với tất cả những gì Messi đã đạt được trên sân cỏ, tại sao anh ấy lại cần loạt sút luân lưu để đạt được danh hiệu vĩ đại nhất, hay cần Emi Martinez đóng vai người hùng?
Bằng một cách nào đó, World Cup có một giá trị khủng khiếp trong việc đánh giá thực lực của một cầu thủ. Vậy Messi đã làm những gì trước khi vô địch World Cup?
Đó là những thứ vượt ngoài sức tưởng tượng, những điều tưởng chừng như không thể lặp lại trong bóng đá. Tiếc cho Messi, khi anh là người đến sau trong những sự so sánh không hồi kết với Diego Maradona. “Cậu bé vàng” tới Napoli và biến họ thành đội bóng số 1 Italy thời bấy giờ.
Cho đến nay, tôi chỉ có thể khẳng định điều duy nhất chắc chắn là chẳng có gì chắc chắn cả.
Phá vỡ ‘El Dostoquismo’
Chúng ta đã nói nhiều về “El Dostoquismo” – bóng đá 2 chạm. Đó là khái niệm mà các cầu thủ chỉ cần 2 lần chạm bóng để có thể tịnh tiến nó. Nhưng hôm nay, chúng ta sẽ nói về cách mà các cầu thủ đã làm sai điều này.
Tôi không phải là một HLV trưởng, bắt các cầu thủ phải chơi đúng theo “triết lý 2 chạm”. Tôi muốn nói về những điểm mạnh mà cách đá này mang đến. Khi bạn chơi bóng với chỉ 2 chạm, tốc độ của trận đấu sẽ được đẩy lên cao hơn, khiến đối thủ phải làm việc nhiều hơn. Điều này khiến đối phương lỡ mất cơ hội pressing, hoàn toàn có thể dẫn tới việc phá vỡ lớp phòng ngự đầu tiên của họ.
Cách chơi 2 chạm giúp các cầu thủ nhận bóng có thêm thời gian và không gian. Điều này mang đến cho họ cơ sở để đưa ra quyết định tốt nhất. Đó là ý nghĩa của lối chơi này.
Messi và Mbappe tới và nói “Không” – đơn giản bởi những gì tốt nhất họ làm yêu cầu nhiều hơn 2 lần chạm bóng. Đôi khi đó là 2 chạm, 3 chạm hay kể cả 8 chạm, miễn là họ cảm thấy hài lòng và hoàn thành nhiệm vụ được giao trong pha lên bóng.
Mbappe luôn tự hào về khả năng của mình trên sân. Ở tuổi 24, Mbappe dần hoàn thành bộ sưu tập danh hiệu cao quý mình. Trên sân, sự bùng nổ luôn trực chờ mỗi khi bóng tới chân Mbappe. Nếu muốn rê bóng qua 6 người, Mbappe đủ khả năng.
Mbappe là một cầu thủ xuất chúng. Bạn biết tại sao không? Đối với tôi, đó là vì cậu ấy không chơi bóng với phong cách “2 chạm”. Cậu ấy có thể cầm bóng bao lâu tùy thích. Mbappe có đủ sức để tạo ra những điều phi thường trên sân.
Với Messi, anh vẫn đạt được hiệu quả tối đa dù chạy ít hơn trên sân. Mỗi khi bóng trong chân Messi, những đường chuyền đẳng cấp tới Angel Di Maria sẽ xuất hiện, hoặc là một pha thả bóng qua đầu hậu vệ dành cho các tiền đạo.
Messi là người biến những tình huống tối bóng trở thành tình huống nguy hiểm. Khi khó khăn ập tới, Messi biết cách để giải quyết tình huống. Messi sẽ làm điều này với một đường chuyền đẳng cấp hoặc một pha đi bóng qua vài người.
Thế hệ lúc này của bóng đá thế giới phát triển trong môi trường khác biệt, nơi tiền bạc là yếu tố lớn, nơi mà VAR hay thông số chiếm một phần quan trọng. Sự thay đổi của thời thế tạo ra những ngôi sao như thịt hộp: ai cũng giống nhau.
Có lẽ ở nơi nào đó tại Nam Mỹ hay bất cứ khu vực nào mà dostoquismo chưa được phổ biến, bóng đá sẽ phát triển đúng với bản chất của nó. Nên nhớ rằng, tài năng được sinh ra trong nghịch cảnh.
Trong giới điện ảnh, khi thời đại của kịch câm khép lại, những diễn viên bắt đầu cất lên giọng nói của mình. Những diễn viên kịch câm khi ấy không coi diễn viên mà chúng ta biết ngày nay nằm cùng hàng ngũ với họ. Họ suy nghĩ đơn giản: đã phải nói thì nghĩa là không biết diễn. Chính từ nghịch cảnh của kịch câm, tài năng diễn xuất được khơi dậy.
Hôm nọ, tôi có xem một bộ phim tài liệu về Cameroon tại World Cup 1990. Tôi không phải fan của thể loại phim kiểu này. Việc họ đặt máy quay vào phòng thay đồ không khiến tôi thấy ấn tượng. Nó chỉ là diễn như trên rạp mà thôi. Nhưng các phim hoài cổ thì tôi ưa. Và ở trong bộ này, tôi gặp một chi tiết khiến bản thân phải suy ngẫm.
Họ hỏi tiền đạo Bonaventure Djonkep về việc cầu thủ Cameroon chơi bóng thế nào. Cầu thủ Cameroon không có TV, cũng chẳng biết công thức tấn công hay hệ thống chiến thuật. Nhưng họ trả lời thế này: Tôi bắt chước trí tưởng tượng của chính mình. Họ nghe trận đấu trên radio, và tưởng tượng mình sẽ chơi thế nào.
Trời, thật tuyệt diệu.
Đến ngày thi đấu, họ ra sân, tái hiện trí tưởng tượng ấy với quả bóng. Nhìn thấy điều gì đó và tái hiện lại đã là một cách để đánh thức sáng tạo, nhưng tưởng tượng và cố gắng làm một điều dù bạn chưa từng thấy, thì thật là tuyệt diệu. Giờ chúng ta biết tìm đâu một tài năng thuần túy như Maradona nữa? Và cả chính những cầu thủ Cameroon ấy.
Các bạn có biết họ từng đá bóng ở sân đấu hoang tàn thế nào, và chơi với những quá bóng cứng ra sao không? Tôi nhìn vào phim tài liệu về đội Cameroon ấy và chợt nghĩ, trong những buổi chỉ đạo chiến thuật trước trận nơi tôi chiếu hàng trăm đoạn video về chính các cầu thủ và đối thủ, tôi có khác gì đao phủ đâu.
Tôi là ai mà dám tước họ khỏi niềm vui thuần khiết, trí tưởng tượng vô song về sân bóng, nơi họ được sống và tận hưởng giá trị của bóng đá chứ?
Bóng đá nên về đúng bản chất trên sân
Liệu đây có phải là trận chung kết World Cup hay nhất trong lịch sử? Ừ thì,… những ai đã từng xem mọi trận chung kết World Cup trong lịch sử có thể sẽ đồng tình với quan điểm này. Tuy nhiên, những chủ đề như này chỉ thu hút những người không bận tâm tới chuyện hay dở của một trận chung kết.
Đây giống như câu chuyện quan điểm tôi đã đề cập ở đầu bài. Vấn đề của người xem lúc này đó chính là việc thị hiếu đang hướng về những thứ thú vị hơn là những điều quan trọng.
Tôi sẽ đưa ra một ví dụ: giờ đây bóng đá đều đã gắn liền với cuộc sống của mỗi người. Tôi từng nói nếu Maradona găm bóng vào góc khung thành từ một quả phạt 30 m, sẽ có gần chục người nhận vơ “Bàn này có công của tôi”.
Chuyên viên phân tích sẽ nhận rằng đã nói với Maradona về việc thủ môn đã đứng sai vị trí. HLV thể lực nhận là mình đã cho Maradona liệu trình massage tuyệt vời để “ngon chân”. Đầu bếp nhận tiếp bữa ăn hảo hạng trước trận đã giúp Maradona.
Đấy là tôi còn chưa nhắc đến việc những chuyên gia tâm lý học sẽ trình bày họ đã giúp Maradona phấn chấn. Bất cứ ai bạn nghĩ được ra, họ đều sẽ nhận mình có công. Điều này áp dụng với cả các HLV trưởng nữa. Ai cũng vậy.
Và đột nhiên, người duy nhất không thực hiện quả đá phạt này là Maradona.
Những lĩnh vực trên có thú vị không? Có chứ! Bất cứ thứ gì giúp chúng ta cải thiện bản thân đều tốt. Dù vậy, việc chỉ tập trung vào mấy thứ thú vị kiểu này lại đang là vấn đề, khi ai cũng chỉ chăm chăm tìm hiểu chúng, mà bỏ quên đi thứ quan trọng nhất.
Với sự ám ảnh về bóng đá hai chạm (dostoquismo), chính cái ý nghĩa phương pháp luận đằng sau nó khiến người thực hiện phải thực sự tập trung.
Socrates bây giờ sống dậy chắc hẳn sẽ phát bực. Ông là một nhà hiền triết nhưng không bao giờ “dạy”. Socrates chỉ đi hỏi học trò, họ tìm được những giá trị cuộc sống từ việc tự mình trả lời. Socrates truyền cảm hứng cho sự học hỏi.
Giờ đây, chúng ta coi trọng những người thầy hơn việc học. Điều này đi ngược hoàn toàn so với những gì Socrates đã làm. Tôi tin khái niệm dạy (teaching) không có giá trị. Điều duy nhất có ý nghĩa là học (learning).
Xét trên nhiều khía cạnh, chúng ta dần mất đi quan niệm về thứ quan trọng nhất. Tôi có thể hiểu việc mọi người bàn tán rằng trận chung kết vừa qua hay nhất trong lịch sử. Mọi người sẽ cảm thấy hứng thú với bất cứ sự kiện nào họ theo dõi.
Ở thời đại hiện nay, con người có nhiều phương tiện để thể hiện sự hào hứng của mình. Đối với tôi, đây chỉ là những cảm xúc nhanh kiểu như “ra” sớm trong quan hệ vậy: Nó biến mất ngay lập tức.
Nhiều năm trước, nhà báo Santiago Segurola từng viết trên tờ El Pais rằng: “Những thứ đồ trang trí đang gặm nhấm miếng bít tết tươi ngon”. Không lâu sau, tôi nói rằng chúng ta đang trải nghiệm những điều còn tồi tệ hơn: Chúng ta dần tin rằng những món trang trí lại chính là miếng thịt được đặt trên đĩa. Mọi thứ xung quanh bóng đá đang dần quan trọng hơn bản thân các cầu thủ và trận đấu trên sân.
Chúng ta sống trong một thời đại mà giấy gói quà quan trọng hơn thứ đồ bên trong. Liệu đó có phải là trận chung kết World Cup hay nhất trong lịch sử hay không? Có lẽ, câu hỏi này nên để dành cho những giáo sư, tiến sĩ trả lời.