Endrick hiện vẫn là tiền đạo của Palmeiras và sẽ gắn bó với CLB này trước khi chính thức gia nhập Real Madrid vào tháng 7 năm sau. Đó là lúc Endrick bước sang tuổi 18, thời điểm mà điều khoản trong hợp đồng giữa cầu thủ người Brazil và Real được kích hoạt, cho phép anh cập bến sân Bernabeu.
Điều đặc biệt trong thương vụ này là mức phí hơn 60 triệu euro mà “Los Blancos” bỏ ra. Vào tháng 12, khi các thỏa thuận được hoàn tất, Endrick mới chỉ có khoảng 200 phút thi đấu chuyên nghiệp ở tuổi 16. Điều gì khiến đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha chấp nhận rủi ro để đầu tư số tiền lớn vào một cầu thủ có chặng đường phát triển còn dài và khó đoán?
Lợi nhuận được đảm bảo
Endrick không phải cầu thủ 16 tuổi đầu tiên khiến Real phải chi đậm. Ngày 21/1/2015, đội chủ sân Bernabeu bỏ hơn 4 triệu euro để chiêu mộ tiền vệ 16 tuổi Martin Odegaard. Thương vụ với thần đồng bóng đá người Na Uy được xem là khởi nguồn của chính sách chi nhiều tiền cho các cầu thủ trẻ của Real.
Khoảng thời gian của Odegaard tại “Los Blancos” không thành công như kỳ vọng. Mặc dù trở thành cầu thủ trẻ nhất ra mắt trong màu áo Real ở tuổi 16 và 157 ngày, Odegaard sau đó dính chấn thương liên miên và không thể khẳng định bản thân.
Tiền vệ người Na Uy phải thi đấu dưới dạng cho mượn tại nhiều đội bóng ở châu Âu trước khi bị bán đứt cho Arsenal vào mùa hè năm 2021 với mức giá 35 triệu euro kèm các khoản phụ phí. Cuối cùng, Real thu về khoản lời hơn 30 triệu euro từ Odegaard, cầu thủ không có nhiều cống hiến cho CLB.
“Los Blancos” nhận ra những bản hợp đồng với các cầu thủ trẻ có khả năng đem lại lợi nhuận cao. Vì vậy, Real không chỉ tiếp tục mà còn mạnh dạn chi nhiều tiền hơn cho những tài năng trẻ ở các mùa kế tiếp.
Năm 2017, đội bóng Tây Ban Nha bỏ ra 24 triệu euro để đổi lấy sự phục vụ của hậu vệ 19 tuổi Theo Hernandez từ Atletico Madrid. Nhưng sau 2 năm thi đấu dưới dạng cho mượn ở các CLB khác, Real bán cầu thủ người Pháp cho AC Milan với giá 20 triệu euro. Theo Athletic, Real vẫn kiếm được lợi nhuận nhỏ từ thương vụ này do Milan phải trả thêm tiền giải phóng hợp đồng (hợp đồng giữa Real và Hernandez có thời hạn đến 6 năm).
Ngoài Hernandez, “Los Blancos” cũng mua một cầu thủ vị thành niên khác vào năm 2017. Lần đó, họ đứng trước rủi ro tài chính khổng lồ. Real đem về Vinicius Jr, 17 tuổi và ít tiếng tăm, từ Flamengo với giá 46 triệu euro. Đây là số tiền chuyển nhượng lớn nhất một CLB Brazil từng nhận được và số tiền lớn nhất từng được chi cho một cầu thủ dưới 19 tuổi.
Áp lực lớn từ mức phí kỷ lục khiến Vinicius thi đấu mờ nhạt trong vài mùa đầu tiên. Nhưng ở mùa giải năm ngoài và năm nay, cầu thủ người Brazil tiến bộ nhanh chóng, là thành phần quan trọng trong chức vô địch Champions League của Real và được xem là tương lai của đội bóng. 46 triệu euro đầy rủi ro đem đến thành quả to lớn cho đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha. Ngày nay, bất kỳ CLB nào muốn có Vinicius sẽ cần chi không dưới 100 triệu euro.
Trong số những thương vụ “giá cao, rủi ro lớn, tiềm năng lớn” nổi bật mà Real từng đầu tư trong những năm qua, có người chiếm chỗ đứng ở CLB nhưng có người phải ra đi. Với những người tỏa sáng như Vinicius, “Los Blancos” hưởng lợi về mặt chuyên môn. Với những trường hợp không thành công như Hernandez hay Odegaard, họ vẫn có thể kiếm lời nhờ bán với giá cao do những người trẻ này vẫn còn tiềm năng phát triển lớn.
Chuyển nhượng khôn ngoan
Năm 2017 cùng thời điểm Vinicius gia nhập Real, thương vụ Kylian Mbappe (180 triệu euro) và Neymar Jr (222 triệu euro) của Paris Saint-Germain đem đến bước ngoặt cho thị trường chuyển nhượng. Kỷ lục hơn 100 triệu bảng vừa được bản hợp đồng Gareth Bale và Paul Pogba thiết lập cách đó chưa lâu bị PSG phá sâu hai lần trong một mùa hè.
Thị trường chuyển nhượng thay đổi khi mốc 200 triệu euro tưởng chừng còn lâu mới bị vượt qua lại bị phá vỡ nhanh chóng. Điều đó thúc đẩy nhiều vụ chuyển nhượng trên 100 triệu euro diễn ra liên tiếp như Romelu Lukaku, Jack Grealish, Antoine Griezmann…
Real nhảy vào cuộc đua giành chữ ký Mbappe với PSG vào năm 2017 nhưng không thể đọ lại “Gã nhà giàu nước Pháp” về mặt kinh tế. Trước những đội bóng ngày càng được đầu tư nhiều tiền như PSG, Manchester City hay mới nhất là Newcastle, Real không có khả năng thắng cuộc chiến kim tiền như ở thập kỷ trước khi họ liên tiếp phá kỷ lục chuyển nhượng với Luis Figo, Zinedine Zidane, Kaka hay Cristiano Ronaldo.
Không thể cạnh tranh về giá cho những cầu thủ đã phát triển đến mức tối đa với các CLB khác, đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha bắt buộc phải do thám các cầu thủ khi họ còn trẻ và mua họ trước khi bị các CLB khác dòm ngó. Sự chuyển hướng sang những cầu thủ trẻ ít tên tuổi đem đến rủi ro lớn nhưng Real xử lý tốt.
Nhà khoa học thể thao Matt Wilson tổng hợp Real đã bỏ ra 460 triệu euro để mua 22 cầu thủ dưới 23 tuổi sau thương vụ Odegaard. Chỉ tính tổng những trường hợp đã ra đi, “Los Blancos” thu về khoản tiền bằng 189% số vốn bỏ ra lúc ban đầu để mua họ.
Xét góc độ tài chính, chiến lược mua cầu thủ trẻ của Real hoạt động hiệu quả khi những thương vụ lỗ được bù lại bởi số tiền lớn từ các hợp đồng thành công (những cầu thủ trẻ có mức giá tăng nhanh từng năm nếu thể hiện tốt vì tiềm năng phát triển của họ lớn).
Điều đó khiến Real yên tâm nhưng chắc chắn không phải mục tiêu họ hướng tới. Đội chủ sân Bernabeu muốn những cái tên trẻ này sẽ phát triển mạnh để thi đấu cho CLB ở đẳng cấp cao nhất.
Về khoản này, có vẻ họ cũng không quá lo lắng. Eduardo Camavinga, Federico Valverde, Aurelien Tchouameni, Vinicius và Rodrygo đều được đem về Real lúc trẻ. Họ đang đồng loạt phát triển nhanh chóng và đã sẵn sàng thay thế dàn huyền thoại Luka Modric, Toni Kroos và Karim Benzema.
Endrick là cái tên nhỏ tuổi mới nhất gia nhập “Los Blancos” và còn quá sớm để nói anh sẽ tỏa sáng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Real đang tuyển chọn cầu thủ trẻ rất hiệu quả và sẽ không có bất ngờ nếu Endrick là cái tên tiếp theo xây dựng được chỗ đứng tại sân Bernabeu.