Trên sân cỏ Việt Nam, sẽ không hiếm những chuyện như một đội bóng bỏ ra ngoài sân để phản đối trọng tài, một thủ môn quay lưng bỏ mặc không bắt bóng để phản đối quả phạt đền, một chủ tịch tuyên bố bỏ bóng đá nếu án phạt cho cầu thủ của mình không được giảm bớt, hay những cầu thủ doạ bỏ giải vì CLB chủ quản không thanh toán tiền lót tay,…
Nhìn chung, từ bỏ một trận đấu hay từ bỏ một giải đấu luôn là biện pháp được sử dụng hay là đe dọa sử dụng khi một bên cảm thấy “không phục”. Mới đây nhất, một CLB nổi tiếng hàng đầu Việt Nam ở nhiều khía cạnh lại dính vào lùm xùm đòi “bỏ giải”, vì những vấn đề xung quanh câu chuyện tài trợ bóng đá.
Trước tiên, xin không bàn đến đúng, sai trong sự việc này bởi đó là việc của những người làm luật, những người làm bóng đá và những người trong cuộc bao gồm tất cả các bên liên quan. Chỉ xin nói về tính chuyên nghiệp, sự tôn trọng và tình yêu vốn nên có ở những người luôn tự nhận mình muốn làm cho bóng đá phát triển.
Trong năm 2022 vừa qua, không ai không biết đến Chelsea, CLB của nước Anh đã trở thành một “nạn nhân” đáng thương khi dính vào xung đột chính trị ngoài bóng đá. Tỷ phú Roman Abramovich cuối cùng đã bị buộc phải rời khỏi CLB mà mình chăm bẵm gần 20 năm, đưa nó lên đỉnh châu Âu và giành mọi thành tích mà những gã nhà giàu như Man City vẫn còn thèm khát. Bị đối xử tệ nhưng vậy nhưng Abramovich đã hành xử như một quý ông đúng nghĩa, không làm phức tạp thêm tình hình mà còn giúp cho Chelsea có một giai đoạn chuyển giao êm ả.
Làm được điều đó, tỷ phú người Nga đã cho thấy ông có một tình yêu lớn với bóng đá, một tinh thần trách nhiệm vô hạn với CLB và một sự tôn trọng, cảm thông không nhỏ với những người cùng làm bóng đá như mình. Chắc chắn rằng nhiều năm sau nữa, cổ động viên Chelsea sẽ vẫn nhớ về người đàn ông mỉm cười vỗ tay trên khán đài theo từng bàn thắng của đội nhà, như nhớ về một người thân thuộc.
Trở lại với bóng đá Việt, nền tảng trong nước vẫn còn yếu, cả V-League 1 và 2 cũng chỉ gom được hơn 20 đội bóng, lợi nhuận từ bóng đá cũng không phải là miếng mồi béo bở để tranh giành. Thế nên nếu một CLB dùng chiêu “bỏ giải” vẫn có thể khiến các nhà quản lý toát mồ hôi. Nhưng mong mỏi rằng các bên liên quan hãy thể hiện tình yêu bóng đá một chút, ít nhất cũng đừng đem đứa con tinh thần của mình ra làm con tin cho bất kỳ thứ gì.
Nếu thấy điều gì bất hợp lý, hãy cùng nhau sửa đổi, hãy xây dựng chứ đừng đập phá cả cộng đồng.
(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)