Trẻ mắc sốt rét có thể bị ớn lạnh, sốt cao, đổ mồ hôi, đau đầu, buồn nôn. Nếu bệnh ảnh hưởng não, trẻ có nguy cơ bị co giật hoặc bất tỉnh.
Sốt cao là triệu chứng điển hình của bệnh sốt rét. Ảnh: Nzherald.
Sốt rét là bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng đơn bào xâm nhập vào máu qua vết đốt của muỗi Anopheles. Những ký sinh trùng này, được gọi là Plasmodia, thuộc về ít nhất năm loài. Hầu hết bệnh nhiễm trùng ở người là do Plasmodium falciparum hoặc Plasmodium vivax gây ra. Nếu loài muỗi này đốt người, ký sinh trùng sẽ được giải phóng vào máu của người bị đốt.
Nguyên nhân
Theo Kid’s Health, bệnh sốt rét là do ký sinh trùng do muỗi mang theo. Muỗi mang ký sinh trùng bằng cách đốt người đã mắc bệnh. Sốt rét sau đó truyền sang người khác khi muỗi này đốt họ. Cụ thể, chu kỳ truyền bệnh của muỗi:
– Muỗi không bị nhiễm bệnh: Một con muỗi bị nhiễm bệnh sốt rét khi đốt người bị bệnh sốt rét.
– Truyền ký sinh trùng: Nếu con muỗi đó đốt người khác, nó có thể truyền ký sinh trùng sốt rét.
– Ở gan: Sau khi ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể trẻ, chúng sẽ di chuyển đến gan, nơi một số loài ký sinh trùng có thể ở trong thời kỳ không hoạt động cho đến một năm.
– Ký sinh trùng xâm nhập vào máu: Khi ký sinh trùng trưởng thành, chúng rời khỏi gan và lây nhiễm các tế bào hồng cầu của trẻ. Đây là khi mọi người thường gặp các triệu chứng của bệnh sốt rét.
– Lây nhiễm cho người tiếp theo: Một vết muỗi đốt chưa bị nhiễm bệnh vào thời điểm này trong chu kỳ, nó bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét và có thể truyền sang người khác và chu kỳ tương tự lặp lại.
Vì ký sinh trùng gây bệnh sốt rét lây nhiễm các tế bào hồng cầu, nguy cơ mắc sốt rét cũng cao khi tiếp xúc với máu bị nhiễm bệnh, bao gồm:
- Từ người mẹ truyền sang em bé chưa chào đời.
- Thông qua truyền máu.
- Dùng chung kim tiêm.
Sốt rét chủ yếu lây lan do loài muỗi Anopheles nhiễm bệnh lây truyền. Ảnh: Fau.
Các triệu chứng của bệnh sốt rét ở trẻ
Các triệu chứng sốt rét thường xảy ra trong vòng 10 ngày đến 4 tuần sau khi nhiễm bệnh. Trong một số trường hợp sốt rét, các dấu hiệu có thể không xuất hiện trong vài tháng. Một số ký sinh trùng sốt rét như Plasmodium vivax có thể tấn công cơ thể nhưng chúng sẽ ở trạng thái ngủ yên trong một thời gian dài.
Các triệu chứng sốt rét có thể bị nhầm lẫn với cảm lạnh hoặc cúm vì rất giống nhau. Thông thường, dấu hiệu ban đầu của bệnh có thể bao gồm: Khó chịu và buồn ngủ, chán ăn và khó ngủ. Những triệu chứng này thường đi kèm với ớn lạnh và sau đó là sốt kèm theo thở nhanh.
Cơn sốt có thể tăng dần trong 1-2 ngày hoặc tăng đột ngột đến 40,6 độ C hoặc cao hơn. Sau đó, khi cơn sốt kết thúc và nhiệt độ cơ thể của trẻ nhanh chóng trở lại bình thường, sẽ có một đợt đổ mồ hôi dữ dội.
Các triệu chứng giống nhau – ớn lạnh, sốt, đổ mồ hôi – có thể lặp lại sau mỗi 2 hoặc 3 ngày, tùy thuộc vào loại ký sinh trùng sốt rét nào gây nhiễm trùng. Các triệu chứng khác bao gồm đau đầu, buồn nôn, đau nhức khắp cơ thể (đặc biệt là lưng và bụng) và lá lách to bất thường.
Nếu bệnh sốt rét ảnh hưởng đến não, trẻ có thể bị co giật hoặc bất tỉnh. Thận cũng có thể bị ảnh hưởng trong một số trường hợp. Ở trẻ em không có miễn dịch, bệnh sốt rét thường biểu hiện sốt cao có thể kèm theo ớn lạnh và đau đầu.
Các triệu chứng khó phát hiện hơn ở trẻ được miễn dịch một phần, thiếu máu và gan lách to cũng có thể xuất hiện. Trẻ có thể bị suy hô hấp và/hoặc sốt rét thể não tiến triển nhanh, biểu hiện như thay đổi cảm giác và đôi khi bị co giật.
Trẻ nào dễ bị tổn thương do sốt rét?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất do sốt rét. Khi mang thai, nhiễm sốt rét ở người mẹ có thể khiến trẻ nhẹ cân và dẫn đến tử vong ở trẻ sơ sinh.
Sau khi sinh, khả năng mắc bệnh sốt rét nghiêm trọng giảm nhẹ, do khả năng miễn dịch của người mẹ. Tuy nhiên, ở những vùng sốt rét lưu hành, trẻ sơ sinh có nguy cơ cao nhiễm sốt rét do Plasmodium falciparum vào khoảng 3 tháng tuổi, khi khả năng miễn dịch thu được từ người mẹ bắt đầu suy yếu. Sau đó, trẻ sơ sinh lại có nguy cơ mắc bệnh tiến triển nhanh, sốt rét ác tính và tử vong.
Theo Phương Mai (zing) – Ảnh: T.H