Không phải ngẫu nhiên viêm mũi xoang là một trong những bệnh lý tai mũi họng phổ biến nhất tại Việt Nam khi hệ hô hấp bị tấn công bởi nhiều tác nhân khách quan cũng như chủ quan.
Viêm mũi xoang là bệnh lý phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: HSS.
Trên thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ viêm mũi xoang (viêm xoang) khá cao. Nguyên nhân là khí hậu ẩm ướt tạo điều kiện để vi trùng, siêu vi trùng gây bệnh phát sinh, phát triển.
Song song với đó, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra tỷ lệ người dân thành phố mắc viêm xoang cao hơn do môi trường ô nhiễm ở mức báo động.
Liên quan vấn đề này, PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho hay người có cơ địa dị ứng lại thường xuyên hút thuốc hoặc sống trong môi trường khói thuốc, khói bụi… có nguy cơ viêm mũi xoang rất cao.
Vị chuyên gia cũng chỉ ra nhiều thói quen không tốt trong sinh hoạt có thể trở thành yếu tố gây bệnh viêm mũi xoang.
Ít rửa tay
PGS Đào khẳng định virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng xoang. Mặt khác, không rửa tay thường xuyên có thể làm virus, vi khuẩn, nấm… dễ xâm nhập vào đường hô hấp, gây tình trạng nhiễm trùng.
Do đó, vị chuyên gia khuyến cáo mọi người nên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, chúng ta có thể sử dụng chất khử trùng tay chứa ít nhất 60% cồn.
Hay hút thuốc hoặc sống trong môi trường có khói
Theo PGS Đào, khói thuốc lá và các chất gây ô nhiễm trong không khí bị ô nhiễm có thể gây kích ứng, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh viêm mũi xoang.
Không chỉ khói thuốc lá, mọi loại khói khi được hít vào đều có hại và dẫn đến khả năng viêm mũi xoang, viêm họng, thanh quản, khí quản và phổi.
Khói thuốc hay khói từ các nguồn khác nhau là một trong những nguyên nhân chính gây viêm mũi xoang. Ảnh minh họa: Francican_health.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 11/2022 trên tạp chí Radiology cho thấy một số người thậm chí có phản ứng viêm nhiễm với các loại khói mạnh như hóa chất, thuốc tẩy và nước hoa.
Cụ thể, các loại khói từ đây làm tăng khả năng tiếp xúc với vật chất dạng hạt trong xoang và phổi, qua đó dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng.
Thường xuyên để vùng mũi, họng tiếp xúc với nhiệt độ lạnh và không khí khô
Theo PGS Đào, việc để niêm mạc mũi xoang và họng thường xuyên tiếp xúc với không khí khô có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc.
Do đó, việc bổ sung độ ẩm cho không khí bằng máy tạo độ ẩm có thể giúp ngăn ngừa viêm xoang.
Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý vệ sinh máy tạo độ ẩm kỹ và thường xuyên kiểm tra, giữ máy không bị nấm mốc. Cụ thể, chúng ta nên đổ hết nước trong bình và làm khô tất cả bề mặt của máy tạo độ ẩm mỗi ngày/lần.
PGS Đào cũng khuyến khích mọi người đổ đầy bình bằng nước đóng chai có nhãn “chưng cất” hoặc “tinh khiết” với hàm lượng khoáng chất thấp hơn hầu hết nước máy.
Hay tiếp xúc với các chất gây dị ứng thông thường
Một thực tế là những người bị dị ứng và hen suyễn có nguy cơ bị nhiễm trùng xoang cao hơn nhóm khỏe mạnh.
PGS Đào giải thích: “Dị ứng và hen suyễn đều gây ra sự tích tụ viêm và chất nhầy trong xoang và phổi – môi trường phát triển của virus và vi khuẩn. Do đó, khi bệnh dị ứng và hen suyễn được kiểm soát, bệnh nhân sẽ ít bị viêm đường hô hấp hơn”.
Thường xuyên bơm rửa các xoang
Trái với suy nghĩ của nhiều người, việc rửa mũi quá thường xuyên là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến viêm mũi xoang. Nguyên nhân là thói quen này làm mất lớp nhầy bảo vệ mũi xoang và kích thích sự phù nề của niêm mạc mũi xoang, từ đó làm hẹp lỗ thông mũi xoang.
“Nếu làm việc trong môi trường bụi bẩn hoặc di chuyển qua những khu vực khói bụi nhiều, chúng ta chỉ nên nhỏ một vài giọt nước muối ấm vào mũi rồi khịt nhẹ nhàng xuống họng”, vị chuyên gia khuyến cáo.
Uống ít nước
Để giảm nguy cơ phát triển bệnh viêm xoang hoặc giảm các triệu chứng viêm xoang ban đầu, PGS Đào cũng nhấn mạnh điều quan trọng là chúng ta phải dẫn lưu dịch mũi, đồng thời giữ cho bộ phận này thông thoáng.
Một trong những cách để làm điều này là uống nhiều nước trong ngày. Theo đó, lượng nước thích hợp sẽ giúp giữ cho chất nhầy loãng hơn.
Theo Quốc Toàn (zing) – Ảnh: T.H