Các loại giun đường ruột ở người phổ biến tại Việt Nam gồm giun đũa, giun tóc và giun móc.

Giun sán có thể ảnh hưởng lớn đến tình trạng sức khỏe nếu ở tình trạng nặng. Ảnh: iStock.

Giun đường ruột gây tổn thương thành ruột, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, kém hấp thu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, nhiễm giun đường ruột là nhóm bệnh lây ít được quan tâm do các biểu hiện không rầm rộ như nhiều bệnh truyền nhiễm cấp tính khác.

Đường lây truyền

Theo bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Mỹ Anh, khoa Nhi, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP.HCM), giun được truyền qua trứng có trong phân của người bị nhiễm bệnh.

Giun trưởng thành sinh sống trong ruột người, có thể đẻ hàng nghìn trứng mỗi ngày. Ở những khu vực tình trạng vệ sinh kém, trứng giun có khả năng gây ô nhiễm đất.

Trứng được đưa vào đường tiêu hóa khi con người ăn rau quả không được rửa sạch và nấu chín kỹ hoặc từ các nguồn nước bị ô nhiễm. Trẻ em bị nhiễm bệnh do không rửa sạch tay sau khi chơi ở nơi đất bị nhiễm trứng giun.

Biểu hiện khi nhiễm giun

Các biểu hiện của nhiễm giun phụ thuộc vào yếu tố như số lượng giun, thời gian nhiễm, cơ quan nhiễm, sức đề kháng, tình trạng dinh dưỡng của cơ thể.

Với trẻ nhỏ, khi nhiễm giun, dấu hiệu nhận biết thường là chán ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng, mệt mỏi, khó ngủ, chán ăn, rụng tóc, hay quấy khóc, da xanh xao.

uong thuoc tay giun anh 1

Giun sán nhiễm vào người từ đường tiêu hóa, gây triệu chứng ở nhiều bộ phận trong cơ thể. Ảnh: Shutterstock.

Triệu chứng nhiễm giun đường ruột không chỉ ở đường ruột mà còn có thể ở các cơ quan khác. Nhìn chung, một người có thể nghi ngờ nhiễm giun khi cơ thể có những triệu chứng sau:

– Gầy yếu, da xanh xao.

– Rối loạn tiêu hóa: Chán ăn buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, bụng chướng, có thể có tiêu phân nhầy máu kéo dài.

– Có thể có triệu chứng hô hấp khi ấu trùng một vài loại giun di chuyển qua phổi.

– Trẻ nhiễm giun kim sẽ thường quấy khóc ban đêm do ngứa hậu môn hoặc khi giun bò sang bộ phận sinh dục gây viêm nhiễm, bò vào đường tiểu gây triệu chứng tiểu lắt nhắt.

Nhiễm giun gây ra tình trạng thiếu máu. Ở thể nặng, thiếu máu có thể dẫn tới suy giảm tất cả hoạt động của các hệ cơ quan, gây suy tim, suy giảm miễn dịch làm nhiễm trùng tái phát.

Giun đũa có thể gây tắc ruột, lồng ruột, viêm tắc ruột, giun chui ống mật, viêm ruột thừa. Nhiễm giun tóc nặng và kéo dài gây triệu chứng giống kiết lỵ như mót rặn, tiêu phân nhầy máu, kéo dài gây sa trực tràng.

Thời gian tẩy giun

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo những người sống trong vùng lưu hành bệnh giun sán nên tẩy giun bằng thuốc định kỳ mà không cần chẩn đoán xét nghiệm trước đó.

Theo đó, nhóm này cần tẩy giun 1-2 lần/năm tùy theo tình hình dịch tễ bệnh của từng địa phương.

Thống kê chung cho thấy tỷ lệ nhiễm giun sán trung bình ở Việt Nam là 10-65%. Từ năm 2016, Bộ Y tế đã khuyến cáo trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên nên bắt đầu được cho uống thuốc xổ giun.

Bác sĩ Mỹ Anh cho hay các chế phẩm thuốc tẩy giun trên thị trường hiện nay có vị ngọt và mùi thơm, không khó uống. Thuốc có thể uống vào bất kì thời gian nào trong ngày, nên nhai thuốc tẩy giun rồi uống với nước.

Đối với trẻ nhỏ chưa uống được thuốc viên, người nhà nên nghiền thuốc hòa tan. Tuy nhiên, bác sĩ này cũng liệt kê một số trường hợp không nên sử dụng thuốc tẩy giun:

– Trẻ đang mắc bệnh cấp tính, đang sốt (trên 38,5 độ C).

– Người có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc.

– Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu, phụ nữ đang cho con bú.

– Trẻ bé hơn 12 tháng tuổi không uống thuốc tẩy giun thường quy, ngoại trừ khi có chỉ định đặc biệt của bác sĩ.

– Trẻ mắc các bệnh mạn tính như bệnh thận, tim, suy gan, hen… nên cần có tư vấn của bác sĩ trước khi dùng thuốc.

Theo Linh Thùy (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link