Khi bị cháy nắng, da sẽ ửng đỏ, rát, châm chích, thậm chí nổi mụn nước. Lúc này, bạn nên ngâm da trong nước mát, sau đó bôi các chất có khả năng làm dịu và phục hồi da.
Khi bị cháy nắng nhẹ, da có triệu chứng ửng đỏ, rát và nóng. Ảnh: Medicine.uq.edu.au.
Vào những ngày cuối của tháng 3, TP.HCM và các tỉnh miền Đông ghi nhận thời tiết nắng gắt với mức nhiệt độ cao nhất dao động 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Đặc biệt, thời gian nắng nóng cao nhất trong ngày là 12-16h.
Dưới tình hình thời tiết này, khi phải di chuyển hoặc sinh hoạt ngoài trời, nhiều người có nguy cơ bị cháy nắng, dẫn đến tổn thương da nếu không biết cách xử lý kịp thời.
Theo trao đổi, bác sĩ da liễu Huỳnh Thị Như Mỹ, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết cháy nắng là phản ứng của da khi tiếp xúc với cường độ ánh sáng mặt trời cao trong thời gian dài với lượng tia cực tím (UV) lớn. Đây là tình trạng khá phổ biến và chia ra nhiều mức độ.
Khi bị cháy nắng nhẹ, làn da trở nên ửng đỏ, rát nhẹ và có cảm giác nóng khi chạm vào. Trong trường hợp nặng hơn, da có cảm giác bỏng rát, châm chích, sưng nề, thậm chí xuất hiện mụn nước, bọng nước hay phồng rộp da.
Theo bác sĩ Mỹ, để xử lý tình trạng này, sau khi đi ngoài trời nắng, bạn cần ngâm tay trong nước mát hoặc để tay dưới vòi nước và cho chảy liên tục đến khi nào da cảm thấy dịu, không còn cảm giác nóng rát. Sau đó, bạn dùng khăn mềm lau khô da nhẹ nhàng, tránh ma sát mạnh làm tăng tổn thương da.
Đồng thời, để thúc đẩy quá trình chữa lành da, bạn nên thoa sản phẩm chứa các thành phần có tính phục hồi và dưỡng ẩm như panthenol, hyaluronic axit, gel lô hội, kẽm oxit… Ngoài ra, bạn cần bổ sung nhiều nước, trái cây và rau củ để tăng cường phục hồi da từ bên trong.
Tuy nhiên, khi tình trạng đau rát kéo dài kèm theo nổi nhiều mụn nước, bạn nên đến khám tại các cơ sở y khoa để được điều trị kịp thời.
Để phòng ngừa cháy nắng, bác sĩ Mỹ khuyến cáo trước khi đi ra ngoài, bạn nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng, có thể bảo vệ khỏi UVA, UVB và có tính kháng nước, chống trôi nếu thường xuyên hoạt động ngoài trời.
Về chống nắng cơ học, bạn cần mặc các trang phục dài tay có UPF (chỉ số bảo vệ khỏi tia tử ngoại cho các sản phẩm may mặc), đội nón rộng vành và đeo kính râm. Ngoài ra, trong khoảng 10-16h, bạn cần hạn chế ra ngoài hoặc chỉ sinh hoạt trong văn phòng, nhà ở, nơi có bóng râm.
Theo Nam Giao (zing) – Ảnh: T.H