Một số người vẫn tin vào những thông tin sai lệch như chỉ có người cao tuổi mới mắc bệnh tim hoặc trường hợp bị phải tránh hoàn toàn chất béo và các hoạt động thể dục.
Tập thể dục và ăn uống đủ chất là phương pháp ngăn ngừa bệnh tim hiệu quả nhất. Ảnh: iStock.
Livestrong cho biết bệnh tim là nguyên nhân hàng đầu gây chết người ở Mỹ. Do đó, nắm được kiến thức chính xác và loại bỏ những thông tin sai lệch về căn bệnh này là một cách bảo vệ bản thân khỏi bệnh tim.
Bệnh tim là một thuật ngữ chung cho nhiều loại vấn đề sức khỏe, phổ biến nhất là bệnh động mạch vành. Theo Thư viện Y khoa Quốc gia (Mỹ), bệnh động mạch vành là sự tích tụ của mảng xơ vữa bên trong thành động mạch. Theo thời gian, sự tích tụ này có thể làm chậm hoặc chặn lưu lượng máu đến tim, dẫn đến đau tim hoặc suy tim.
Lầm tưởng 1: Bạn chắc chắn sẽ mắc bệnh tim nếu gia đình có tiền sử bị bệnh
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), nếu gia đình bạn có tiền sử bệnh tim, bạn sẽ nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Điều đó không có nghĩa là bạn chắc chắn mắc căn bệnh này trong tương lai, bạn chỉ cần cố gắng nhiều hơn để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Deepak Vivek, bác sĩ can thiệp tim mạch ở Viện Tim mạch & Sức khỏe Orlando, cho biết: “Mặc dù yếu tố di truyền có ảnh hưởng mạnh mẽ, 90% nguyên nhân dẫn đến bệnh tim bao gồm cholesterol cao, tiểu đường và huyết áp cao”.
Những ai có gia đình với tiền sử mắc bệnh tim sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn. Họ nên chăm chỉ vận động để giảm khả năng mắc bệnh. Ảnh: iStock.
Bác sĩ nói thêm tất cả nguyên nhân nêu trên đều có thể được kiểm soát bằng cách tập thể dục và thay đổi thói quen ăn uống. Ngoài việc ăn thực phẩm tốt cho tim mạch, Hướng dẫn hoạt động thể chất cho người Mỹ khuyến nghị người lớn vận động ít nhất 150 phút/tuần với cường độ vừa để giữ cho trái tim khỏe mạnh.
AHA cũng khuyên mọi người duy trì cân nặng khỏe mạnh, kiểm soát lượng đường trong máu và bỏ thuốc lá.
Lầm tưởng 2: Bạn không cần phải lo lắng về bệnh tim khi còn trẻ
Thông thường, bệnh tim xuất hiện ở người 50, 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết mọi người có thể mắc bệnh tim sớm hơn. Nhiều người trưởng thành ở độ tuổi 30 và 40 bị béo phì và huyết áp cao khiến họ tăng nguy cơ mắc bệnh tim sau này.
Những người trẻ bị béo phì và huyết áp cao có nguy cơ mắc bệnh tim cao. Ảnh: iStock.
Đừng quên xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc để giúp trái tim khỏe mạnh hơn và giữ cho nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn khi bạn già đi.
Lầm tưởng 3: Thuốc trị tiểu đường ngăn ngừa bệnh tim
Theo CDC, những người bị tiểu đường có nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ cao gấp đôi người bình thường. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chỉ dùng thuốc trị tiểu đường sẽ bảo vệ bạn khỏi bệnh tim.
Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng mạch máu và ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng tim mạch. Thuốc tiểu đường có thể giúp bạn kiểm soát lượng đường huyết nhưng bạn vẫn cần xác định nguyên nhân gây ra tiểu đường, như thừa cân và huyết áp cao, để tiến hành chữa bệnh.
Tiến sĩ Vivek nói: “Việc sửa đổi các hành vi như chế độ ăn uống và tập thể dục sẽ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch”.
Lầm tưởng 4: Bạn nên tránh tập thể dục sau khi bị đau tim
AHA cho biết việc tập thể dục vừa phải sau khi bị đau tim không chỉ an toàn mà còn giúp bạn sống lâu hơn. Tập thể dục giúp cải thiện sức bền tim mạch, vì vậy, ngay khi nhận được sự đồng ý của bác sĩ, bạn nên bắt đầu tập thể dục bình thường.
Đối ngược với suy nghĩ nhiều người, tập thể dục là phương pháp hồi phục rất tốt cho người từng bị đau tim. Ảnh: iStock.
Bạn nên tìm kiếm chuyên gia để giúp bạn xây dựng lộ trình phù hợp. Tiến sĩ Vivek nói: “Chương trình phục hồi chức năng tim đưa ra lộ trình tập thể dục theo từng giai đoạn. Mọi người sẽ được tập trong môi trường được giám sát. Đây là một lựa chọn tốt với những ai không muốn tự tập thể dục”.
Trong chương trình, bạn sẽ thực hiện các hoạt động như đi bộ, sử dụng máy tập đạp xe và tập kháng lực với tạ.
Lầm tưởng 5: Bạn nên tránh ăn chất béo nếu bị bệnh tim
Bạn không cần phải hạn chế tất cả chất béo mà chỉ một số chất béo nhất định. Tiến sĩ Vivek khuyên mọi người hãy cố gắng giảm chất béo bão hòa trong thực đơn vì chúng có thể làm tăng cholesterol và tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Chất béo bão hòa có trong thực phẩm như thịt đỏ, bơ, pho mát và một số loại dầu ăn.
Theo Mayo Clinic, bạn nên ăn thực phẩm giàu chất béo không bão hòa, ví dụ dầu ô liu, quả hạch, quả bơ và cá béo như cá hồi, để bảo vệ tim và hỗ trợ đường huyết.
Chuyên gia khuyên bệnh nhân bị bệnh tim bổ sung thực phẩm giàu chất béo không bão hòa. Ảnh: iStock.
Chế độ ăn Địa Trung Hải chứa nhiều thực phẩm có chất béo không bão hòa. Nghiên cứu phát hiện đây là một trong những chế độ ăn tốt nhất cho sức khỏe tim mạch.
Lầm tưởng 6: Thực phẩm chức năng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Mặc dù thực phẩm giàu vitamin C, E và beta-carotene có thể bảo vệ sức khỏe tim mạch, các thực phẩm chức năng chứa những chất trên không đảm bảo tác dụng tương tự.
Thực phẩm chức năng không có tác dụng bảo vệ tim mạch. Ảnh: iStock.
Harvard Health Publishing cho biết các sản phẩm bổ sung vitamin chưa được chứng minh là có khả năng ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh tim. Vì vậy, thay vì uống thực phẩm chức năng, hãy tập trung vào chế độ dinh dưỡng. Tiến sĩ Vivek nói: “Hãy ăn các thực phẩm có nhiều màu sắc vì một chế độ ăn uống cân bằng sẽ cung cấp đủ lượng vitamin cần thiết”.
Lầm tưởng 7: Bỏ hút thuốc không làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim nếu bạn từng hút thuốc lâu
Tiến sĩ Vivek nói: “Bỏ thuốc lá tại bất kỳ thời điểm nào đều giúp bạn ngăn ngừa các cơn đau tim và đột quỵ trong tương lai”.
Theo CDC, nguy cơ mắc bệnh tim giảm mạnh trong vòng một đến hai năm đầu tiên sau khi bỏ thuốc. Qua nhiều năm, nguy cơ mắc bệnh tim của người bỏ thuốc lá thậm chí còn bằng với những người không bao giờ hút thuốc.
Bạn nên trao đổi với bác sĩ nếu bạn cảm thấy khó bỏ thuốc. Bỏ thuốc chắc chắn không dễ dàng nhưng điều này không phải bất khả thi và không bao giờ là quá muộn.
Theo Phương Hà (zing) – Ảnh: T.H