Ngoài giá trị cung cấp các chất dinh dưỡng, nấm ăn cũng có nhiều tác dụng dược lý phong phú.

Khi lựa chọn nấm tươi, nguyên tắc là nấm càng non càng ngon. Ảnh: Timesofindia.

Theo chia sẻ, bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Trưởng đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, cho biết ăn nấm mỗi tuần một lần sẽ làm chậm quá trình lão hóa cũng như ngăn ngừa bệnh và cải thiện sức khỏe tốt hơn.

Nấm là nguồn thực phẩm giàu đạm thực vật, đầy đủ các axit amin thiết yếu, hàm lượng chất béo ít và là những axit béo chưa bão hòa, giá trị năng lượng cao, giàu khoáng chất, vitamin.

Ngoài ra, nấm còn chứa nhiều hoạt chất có tính sinh học, góp phần ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh như căng thẳng, béo phì, xơ vữa động mạch, huyết áp, hỗ trợ điều trị ung thư…

Nguồn dinh dưỡng quý từ nấm

Bác sĩ Vũ thông tin loại thực phẩm này chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như đạm thô, chất béo carbohydrate và sợi, vitamin cũng như khoáng chất.

Ngoài giá trị cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, nấm ăn có nhiều tác dụng dược lý phong phú như:

– Tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.

– Kháng ung thư và kháng virus.

– Dự phòng và trị liệu các bệnh tim mạch.

– Giải độc và bảo vệ tế bào gan.

– Kiện tỳ dưỡng vị.

– Hạ đường máu và chống phóng xạ.

– Thanh trừ các gốc tự do và chống lão hóa.

Bên cạnh đó, nhiều loại nấm ăn có tác dụng an thần, trấn tĩnh, rất có lợi cho việc điều chỉnh hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Gần đây, nhiều nhà khoa học còn phát hiện ra một số loại nấm ăn có tác dụng phòng chống AIDS ở mức độ nhất định thông qua khả năng nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể.

Dưới đây là một số loại nấm điển hình và vai trò của chúng:

Nấm hương

Nấm hương còn được gọi là nấm đông cô, trong 100 gram nấm này ở dạng khô chứa 12-14 gram protein (vượt xa so với nhiều loại rau khác).

Nấm hương có tác dụng điều tiết chuyển hóa, tăng cường năng lực miễn dịch của cơ thể, ức chế tế bào ung thư, hạ huyết áp, giảm cholesterol máu, phòng ngừa sỏi mật và sỏi tiết niệu, trợ giúp tiêu hóa…

Đây cũng là thực phẩm lý tưởng cho người bị thiếu máu do thiếu sắt, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, trẻ em suy dinh dưỡng.

nam anh 1

Nấm chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như đạm thô, chất béo carbohydrat và sợi, vitamin cũng như khoáng chất. Ảnh: Foodprint.

Nấm rơm

Đây là một trong những loại nấm ăn được sử dụng rộng rãi, có giá trị dinh dưỡng khá cao. Nấm rơm rất tốt cho người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu, vữa xơ động mạch, tiểu đường, ung thư và các bệnh lý mạch vành tim.

Nấm mỡ

Nấm mỡ có tác dụng làm giảm đường và cholesterol máu, phòng chống ung thư và cải thiện chức năng gan. Vì vậy, đây là loại thực phẩm thích hợp cho người bị ung thư, tiểu đường, tăng cholesterol máu, cao huyết áp, giảm bạch cầu và viêm gan.

Ngân nhĩ

Nấm này tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, nâng cao năng lực tạo máu của tủy xương, cải thiện chức năng của gan và thận, thúc đẩy quá trình tổng hợp protid trong gan, làm giảm cholesterol máu, chống phù và chống phóng xạ.

Do đó, ngân nhĩ là thực phẩm rất tốt cho người bị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, bị các bệnh lý đường hô hấp, cao huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não…

Mộc nhĩ đen

Mộc nhĩ đen chứa nhiều protid, chất khoáng và vitamin. Nó có khả năng ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, phòng chống tình trạng đông máu do nghẽn mạch, ngăn cản sự hình thành các mảng vữa xơ trong lòng huyết quản.

Ngoài ra, nó còn có tác dụng chống lão hóa, chống ung thư và phóng xạ. Chính vì thế, mộc nhĩ đen phù hợp cho người bị cao huyết áp, vữa xơ động mạch, thiểu năng tuần hoàn não, thiểu năng động mạch vành và ung thư.

Nấm bào ngư

Nấm bào ngư tươi chứa vitamin C, axit folic, các axit béo không no, protid… Khi nấm này ở dạng sinh khối khô, hàm lượng protein chiếm tới 33-43%. Tuy nhiên, nó cũng chứa hàm lượng rất nhỏ chất arabitol. Đây là lý do khiến một số người cảm thấy khó chịu đường tiêu khó khi ăn.

Theo kết quả nghiên cứu dược lý, nấm bào ngư chứa chất pleutorin, có công hiệu kháng khuẩn gram dương và kháng cả tế bào ung thư… Ngoài ra, các nghiên cứu khác chỉ ra nó có thể làm giảm cholesterol.

Cách chọn nấm ngon

Bác sĩ Vũ cho biết bạn có thể chọn nấm phơi hay sấy khô để ăn như nấm mèo, nấm hương, nấm ngân nhĩ, nấm tràm, nấm rơm. Đối với nấm hầm thủ, nấm bào ngư, bạn chỉ cần rửa sơ và loại bỏ tạp chất nếu có, lưu ý không ngâm nước quá lâu vì có thể thất thoát các chất dinh dưỡng.

Khi lựa chọn nấm tươi, nguyên tắc là nấm càng non càng ngon. Ví dụ, nấm rơm chỉ chọn nấm còn nụ búp tròn, hoặc hơi thuôn hình trứng, nấm còn chắc thịt, không có màu vàng héo.

Nguyên nhân là nấm rơm rất mau nở, nếu nấm đã bung dù xòe tán, mặt dưới có nhiều bào tử màu hồng thịt. Lúc này, nấm sẽ giàu chất xơ nhưng ít chất đạm, ăn không ngon và khó tiêu.

Đối với nấm bào ngư, bạn chỉ nên chọn nấm có mép mũ chưa cong lên, còn dày và không bị vàng héo ở mép. Khi nấm già, mép mũ sẽ vểnh lên. Ngoài ra, nấm kim châm có thể bảo quản lâu hơn các nấm khác do đã được hút chân không.

Ngoài ra, theo bác sĩ Vũ, món lẩu nấm rất thơm ngon, dễ nấu cho bữa ăn hàng ngày cũng như cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể.

Khi sơ chế nấm, bạn cần cắt bỏ chân, ngâm nước muối, rửa sạch, để ráo. Một số loại nấm sẽ dai và mất vị ngọt, dinh dưỡng khi bị chín quá. Vì vậy, khi ăn lẩu nấm, bạn không nên cho hết nấm vào nồi nước. Khi nấm vừa chín tới, bạn cần vớt ra ăn ngay.

Theo Nam Giao (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link