Rau muống và rau má là hai loại rau rẻ tiền dễ mua nhưng lại có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt.

Rau muống và rau má là hai loại rau phổ biến trong mùa hè không chỉ chỉ giúp thanh nhiệt mùa hè, mà còn công dụng trị rối loạn tiêu hóa cũng như giải độc.

Rau má

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, khoa Y học Cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết rau má là loại thực vật thông dụng, được chế biến thành nước ép, canh giúp giải nhiệt mùa nắng nóng. Bên cạnh đó, rau má là vị thuốc tác dụng thanh nhiệt giải độc.

Theo các sách thuốc cổ như Bản thảo cương mục, Dược tính luận, Nam dược thần hiệu, rau má có vị đắng, tính hàn, công dụng thanh nhiệt, giải độc. Nhiều nghiên cứu dược lý học hiện đại cho thấy rau má chứa glucorit, các saponin và một số chất tác dụng trấn tĩnh, an thần thông qua cơ chế tác động trực tiếp lên hệ thống thần kinh trung ương.

Loại rau này còn có tác dụng điều trị các vết ở da và niêm mạc, do các saponin chứa trong dịch chiết tác dụng kích thích quá trình sinh trưởng của tế bào da, làm tăng sinh mạng lưới huyết quản của tổ chức liên kết, giúp các mô tái tạo nhanh chóng, khiến vết thương mau lành.

Dưới đây là một số công dụng của rau má:

– Giải nhiệt, trị rôm sẩy, mẩn ngứa, mát gan lợi tiểu: Rửa sạch 30-100g rau má tươi, giã nát, vắt lấy nước uống hàng ngày hoặc xay nhuyễn bằng máy rồi cho thêm đường vào uống.

– Chữa chấn thương phần mềm gây sưng nề: Giã nát 20-30g rau má tươi, vắt lấy nước, hòa với một chút rượu uống.

Rau thanh nhiet anh 1

Rau má dễ mua, tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt. Ảnh: VTC.

– Chữa mụn nhọt: Rau má 50 g, lá gấc 50 g. Rửa cả hai thứ thật sạch, giã nhỏ, cho ít muối vào trộn đều, đắp lên chỗ đau rồi băng lại. Ngày thay thuốc hai lần. Đắp đến khi khỏi.

– Cảm nắng, nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn: Lấy một nắm rau má tươi rửa sạch, giã nhuyễn lấy nước cốt pha loãng, thêm vài hạt muối và uống. Lấy bã đắp lên trán và thái dương.

– Chữa vàng da, vàng mắt: Rau má 50 g, lá ngải cứu 50 g. Đem hai thứ rửa sạch, đun nước uống hàng ngày.

– Chữa đau bụng kinh nguyệt, đau lưng: Hái rau má lúc ra hoa, phơi khô, tán nhỏ. Ngày uống một lần vào buổi sáng, mỗi lần uống 2 muỗng cà phê.

– Chữa tiểu ra máu: Lấy một nắm rau má và một nắm ích mẫu thảo, rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước uống.

– Chữa táo bón: Giã 30 g rau má và đắp vào rốn.

– Chữa áp-xe vú giai đoạn đầu: Sắc uống rau má và vỏ cau. Bạn có thể pha thêm một chút rượu để tăng hiệu quả.

– Trẻ biếng ăn, còi cọc, đi ngoài phân sống: Rửa sạch một nắm to rễ rau má, để ráo nước, tán bột cho vào cháo hoặc nấu chung với bột gạo.

– Chữa đau bụng, tiêu chảy, lỵ: Rau má 50 g, rửa sạch, giã nát trộn với nước vo gạo, vắt lấy nước cốt trong để uống.

– Chữa chảy máu cam: Rau má giã nhỏ, vắt lấy nước, uống mỗi ngày 2-3 lần trong 5 ngày liền.

– Chữa sốt xuất huyết nhẹ tại nhà: Rau má 30 g, cỏ nhọ nồi 30 g, lá và bông mã đề 20 g (hay lá cối xay, rễ cỏ tranh). Đem các vị rửa sạch, giã nhỏ, cho nước sôi vào vắt lấy nước uống, hoặc sắc uống.

– Ho gà: Rau má 100 g, thịt lợn gầy 30 g, nấu chín chia ăn 2 lần trong ngày.

Lưu ý:

Phụ nữ mang thai và cho con bú không nên dùng rau má.

Người bị tiểu đường nên sử dụng rau má ở một lượng vừa phải. Nếu dùng quá nhiều và thường xuyên sẽ làm tăng lượng đường trong máu.

Những người đang sử dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần hạn chế dùng vì rau má có thể làm giảm tác dụng của thuốc, giảm hiệu quả điều trị bệnh.

Rau muống

Theo y học cổ truyền, rau muống vị ngọt, tính hơi hàn, công dụng thanh nhiệt, thông đại tiểu tiện, giải các chất độc xâm nhập vào cơ thể như nấm độc, sắn độc.

Bạn có thể luộc rau muống với một chút muối, dùng cùng các loại nước chấm (mắm, tương), giúp thanh nhiệt mùa hè. Nước rau muống luộc để nguội vắt chanh rất tốt cho thai phụ thiếu sắt.

Rau thanh nhiet anh 2

Rau muống chứa nhiều vitamin và khoáng chất như chất xơ, protein, canxi, sắt, vitamin A. Ảnh: VTC.

Trong rau muống chứa nhiều vitamin và khoáng chất như chất xơ, protein, canxi, sắt, vitamin A… Đây là những axit amin cần thiết cho cơ thể, rất tốt cho những người thiếu máu, người ốm dậy, kém ăn, thiếu chất đạm. Ngoài ra, ăn rau muống thường xuyên còn có tác dụng thanh nhiệt giải độc, nhuận tràng, kích thích tiêu hóa, chữa rôm sảy, mụn nhọt.

Một nắm rau muống rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống hoặc 100 g rau muống cắt đoạn, cám gạo tẻ 50 g, trộn vào giã nhuyễn, thêm nước cho loãng để uống, trị say, ngộ độc sắn (khoai mì).

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, rau muống dẫn đầu nhóm rau ăn lá có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao. Vì vậy, việc ăn rau muống không có chọn lọc, ăn thường xuyên và không tránh những tác dụng phụ không mong muốn sẽ vô tình tích bệnh vào cơ thể, lâu dài sẽ để lại hậu quả khó lường.

Do đó, khi mua rau muống cần lựa chọn địa chỉ uy tín, trước khi ăn nên rửa sạch từng ngọn, ngâm vào nước muối loãng, nấu chín.

Theo Zing – Ảnh: T.H

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link