Sau khi du nhập vào Nhật Bản, bánh donut của Mỹ được biến tấu hợp khẩu vị dân địa phương, khiến nhiều người yêu thích nhiều thập kỷ.
Duskin thành lập năm 1963, khởi đầu là công ty sản xuất các sản phẩm tẩy rửa. Năm 1971, công ty tạo nên “cơn sốt donut” khi đưa bánh rán Mister Donut (Mỹ) vào Nhật. Món bánh lập tức được dân địa phương yêu thích, gọi bằng biệt danh: Misdo. Hiện, bánh Misdo phổ biến khắp xứ sở hoa anh đào, gần 1.000 cửa hàng với những chiếc bánh được điều chỉnh hương vị phù hợp khẩu vị của người Nhật, đến nỗi không ít người nhầm Misdo “được sinh ra” tại Nhật.
Để giữ hương vị chuẩn, chiếm cảm tình của người Nhật suốt nhiều thập kỷ, công ty đào tạo nhân viên rất kỹ lưỡng, từ cách làm bánh đến cung cách phục vụ. Trụ sở chính của công ty ở Osaka có một bảo tàng bánh donut và một trường dạy làm bánh – nơi được mô tả là “trường dạy làm bánh rán chuyên sâu” ở Nhật. Bên trong đặt một tấm bảng gỗ khắc dòng chữ: “Tất cả đều bắt nguồn từ đây”.
Khóa đào tạo làm bánh dành cho nhân viên mới diễn ra chủ yếu tại phòng Ông Winokur (Mr Winokur Room). Đây là một nhà bếp công nghiệp được đặt tên theo người sáng lập Mister Donut – Harry Winokur. Bên trong có một phòng mô phỏng cửa hàng bánh donut hoàn chỉnh. Học viên thực hành, học cách vận hành cửa hàng và phục vụ thực khách như thật. Khi ra khỏi phòng, họ phải quay lại và cúi đầu chào, ngay cả khi căn phòng trống, để bày tỏ sự tôn trọng. Kết thúc khóa học, các học viên phải qua một kỳ thi tốt nghiệp, bao gồm việc tạo ra một chiếc bánh rán, vận hành máy móc thành thạo trong khoảng thời gian quy định.
Công thức làm bánh được bảo mật, không tiết lộ ra ngoài nên một số nơi trong trường được bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế người ra vào và chỉ dành cho nhân viên hoặc khách có giấy phép đặc biệt. Tuy nhiên, tại quán cà phê Misdo trong bảo tàng Duskin, thực khách có thể tham gia khóa học làm bánh rán kiểu Nhật với giá 600 yên (khoảng 105.000 đồng) một người.
Ngày nay, tại các cửa hàng donut của Duskin trong và ngoài nước, một số món được sản xuất tại nhà máy. Bên cạnh đó vẫn có một số món được yêu thích như Pon de Ring, French Cruller và Old Fashion được các thợ làm bánh chiên tại cửa hàng, nóng hổi. Vì vậy, khi khách gọi những món này thường phải chờ một lúc mới có bánh. Bột bánh được pha theo công thức bí mật của Duskin, cho vào các máy làm bánh tạo ra các hình dạng như xoắn ốc, sau đó thả vào thùng dầu sôi, liên tục đảo để bánh không dính, lật nhanh để chúng chín đều. Thợ làm bánh cần nhiều kỹ năng và tập trung để tạo ra một chiếc bánh kiểu Mỹ nhưng hương vị đúng chuẩn Nhật Bản.
52 năm trôi qua, bánh vẫn được nhiều người Nhật ưa chuộng, là một trong những chuỗi bánh nổi tiếng ở đất nước mặt trời mọc. Đến nay, công ty vẫn giữ truyền thống làm bánh như thuở đầu. 9h sáng mỗi ngày, khắp hành lang công ty đều đặn vang tiếng “tok tok” tương tự tiếng gõ mõ trong các đền, chùa. Âm thanh phát ra từ lễ chourei. Trước khi bắt đầu làm việc, công ty tổ chức buổi họp đầu ngày (gọi là chourei) để chia sẻ phương châm, định hướng làm việc và văn hóa công ty, tạo sự kết nối giữa các nhân viên, từ đó mọi người có thể phối hợp nhịp nhàng. Tại Duskin, chourei còn là một buổi lễ tri ân dành cho từng nhân viên và cả món bánh này, đồng thời mong muốn một ngày làm viêc thuận lợi, suôn sẻ.
Theo Diệp Tử (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H