Uống sữa buổi tối gây khó tiêu, uống nhiều sữa bị béo hay không thể uống sữa khi đói bụng… đều là những quan niệm sai lầm.

Trong cuộc sống ngày nay, sữa đã trở thành thức uống thiết yếu trong mỗi gia đình. Sữa là thực phẩm giàu dinh dưỡng, không những giàu protein mà còn có thể cung cấp các loại vitamin cần thiết cho cơ thể. Uống một ly sữa mỗi ngày giúp bạn bổ sung dinh dưỡng và tăng cường thể chất.

Tuy sữa hiện rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người vẫn có những lầm tưởng nhất định về nó, dẫn đến sử dụng sai cách, không nhận được giá trị của sữa mà còn dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Dưới đây là 4 hiểu lầm về việc uống sữa bạn nên chú ý.

Uống sữa đúng cách rất tốt cho sức khỏe. Ảnh: Quickanddirtytips
Uống sữa đúng cách rất tốt cho sức khỏe. Ảnh: Quickanddirtytips

Lầm tưởng 1: Không nên uống sữa vào buổi tối

Vào ban đêm, các hoạt động của cơ thể con người giảm, tốc độ tiêu hóa và hấp thụ chậm lại. Vì vậy, nhiều người tin rằng uống sữa buổi tối gây khó tiêu, khiến sữa tồn đọng trong đường ruột, chuyển hóa thành chất độc hại, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Tuy những giải thích trên có vẻ hợp lý, chúng thực ra không có cơ sở khoa học. Sữa là một chất lỏng, có thể được tiêu hóa nhanh chóng vào buổi sáng hoặc tối. Ngoài ra, sữa cũng không bị chuyển hóa thành các chất có hại trong dạ dày. Ngược lại, uống một ly sữa trước khi đi ngủ không chỉ bổ sung nước, protein chất lượng cao và canxi cho cơ thể mà còn làm giảm chứng bồn chồn, có tác dụng an thần, giúp chúng ta đi vào giấc ngủ ngon hơn.

Lầm tưởng 2: Uống nhiều sữa sẽ béo

Sữa là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhất trong các loại thực phẩm tự nhiên, nhưng điều này không có nghĩa uống nhiều sữa sẽ khiến bạn béo.

Nguyên nhân do 86% thành phần trong sữa là nước. Một túi sữa nguyên kem 250 g chứa 150 calo, tương đương một bát cơm nhỏ hoặc một lon nước ngọt. Trong khi đó, ăn một túi bánh quy 100 g sẽ khiến bạn nạp thêm 450 calo vào cơ thể. Đồng thời, sữa dễ khiến chúng ta no bụng, nếu dùng hai ly sữa thay cho bữa tối còn có thể giảm cân.

Tuy nhiên, nếu muốn uống sữa trước khi đi ngủ, bạn nên giảm lượng thức ăn trong bữa tối để tránh nạp quá nhiều calo.

Lầm tưởng 3: Không thể uống sữa khi bụng đói

Có người cho rằng uống sữa khi bụng đói là thói quen không tốt, dễ bị tiêu chảy. Tuy nhiên, người có cơ thể khỏe mạnh có thể hấp thụ hoàn toàn thức ăn lỏng. Vì vậy, quan niệm uống sữa khi bụng đói không thể hấp thụ chất dinh dưỡng hoàn toàn vô lý.

Một số người bị đầy bụng, khó chịu và thậm chí tiêu chảy sau khi uống sữa có thể do không dung nạp lactose (đường sữa). Những người này nên ăn một chút bánh mì trước khi uống sữa để giảm các triệu chứng không dung nạp đường lactose. Ngoài ra, nếu bạn bị dị ứng với sữa và đạm thì không nên uống sữa.

Lầm tưởng 4: Làm nóng sữa tốt hơn cho sức khỏe

Nhiều loại sữa thông thường trên thị trường đã được tiệt trùng nên không cần đun lại sữa ở nhiệt độ cao. Đồng thời, đun nóng dễ làm mất chất dinh dưỡng trong sữa và khiến sữa trải qua phản ứng caramel hóa (quá trình hóa nâu của đường), ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Cần chú ý gì khi uống sữa?

1. Người không dung nạp lactose nên thận trọng

Trong cuộc sống, một số người sau khi uống sữa cảm thấy đầy bụng, thậm chí là tiêu chảy. Nguyên nhân có thể do hiện tượng không dung nạp đường lactose (thiếu men lactase hoặc hoạt động của men lactase trong cơ thể bị suy giảm). Kết quả là đường lactoza trong sữa không thể bị phân hủy, dẫn đến hiệu suất tiêu hóa kém.

Những người không dung nạp lactose có thể uống lượng nhỏ sữa sau khi hâm nóng, hoặc uống cùng thức ăn chính để trì hoãn việc làm rỗng dạ dày, tăng thời gian lưu giữ của đường sữa trong ruột non, giảm các triệu chứng không dung nạp đường sữa. Họ cũng có thể chọn các loại sữa ít đường lactoza trên thị trường.

2. Không nên uống sữa cùng thuốc

Uống sữa với thuốc gây ảnh hưởng đến sự hấp thụ của thuốc, do sau khi sữa và thuốc vào dạ dày, trên bề mặt thuốc sẽ hình thành một lớp màng bao phủ, gây phản ứng hóa học, ảnh hưởng đến sự hấp thu của thuốc, giảm tác dụng chữa bệnh rất nhiều. Vì vậy, nên uống sữa sau khi uống thuốc một giờ, giúp thuốc phát huy hết tác dụng điều trị.

3. Sữa không cần hâm nóng

Một số người thích hâm nóng trước khi uống. Trên thực tế, điều này là không cần thiết. Vì sữa mua về đã được tiệt trùng và có thể uống trực tiếp. Đường sữa trong sữa đun sôi dễ bị caramel hóa và sinh ra một số chất gây ung thư. Đồng thời, các khoáng chất như canxi, phốt pho trong sữa cũng sẽ bị kết tủa gây hại cho sức khỏe con người. Nếu phải đun sữa để uống thì không nên để nhiệt độ quá cao, chỉ nên đun nóng nhẹ với nước.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: www.giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link